"Đề đốc Hải quân VNCH" làm đầu bếp trên tàu V630 Hải quân Việt Nam: Chiến lợi phẩm có một không hai!

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Thuyền trưởng tàu V630 thật sự "choáng" bởi nhận ra bộ quần áo mà chiến sĩ nuôi quân mặc trên người chính là bộ đại lễ của Đề đốc Hải Quân VNCH Hồ Văn Kỳ Thoại.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

LTS: Tháng 4.1975, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, bên cạnh 5 cánh quân áp sát chuẩn bị tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định, còn có những mũi tiến công khác không phải ai cũng biết. Trong đó có chuyến hải hành đơn độc của tàu V630 Hải quân Việt Nam.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài đặc biệt về hồi ức do chính Thuyền trưởng tàu V630 Hải quân Việt Nam kể lại qua ghi chép của Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt.

--------

Kỳ 1 - Tàu V630 Hải quân VN 2 lần trườn qua "sát thủ tàng hình": Chuyến đi vô tiền khoáng hậu

Kỳ 2 - Tốp máy bay A37 bổ nhào, nhắm thẳng tàu V630 Hải quân Việt Nam: Tình huống khẩn cấp, thật hú vía!

---------

Kỳ cuối - "Đề đốc Hải quân VNCH" làm đầu bếp trên tàu V630 Hải quân Việt Nam: Chiến lợi phẩm có một không hai!

Mừng vì "tiếp quản" hụt

Sáng sớm 25.4.1975, mặt trời lên rực rỡ báo hiệu một ngày thời tiết tốt, trời yên biển lặng. Tàu V630 rời cảng Quy Nhơn để đưa nhóm "khách" cuối cùng đến cảng cuối là Cam Ranh. Tàu đã nhẹ tải rất nhiều nên tốc độ tăng lên đáng kể.

Đã đến vùng biển cực Nam Trung Bộ, không loại trừ các loại tàu chiến của Mỹ và quân đội VNCH lảng vảng phía ngoài, thuyền trưởng Hoàng Sinh Viên lệnh cho thuyền bộ tăng cường sẵn sàng chiến đấu. Nhưng thật may mắn, đã không có chuyện gì xảy ra.

Đề đốc Hải quân VNCH làm đầu bếp trên tàu V630 Hải quân Việt Nam: Chiến lợi phẩm có một không hai! - Ảnh 1.

15 giờ ngày 25.4.1975, tàu V630 đã đến vịnh Cam Ranh. Đã từng nghe nói đến vịnh này nhiều rồi song lần đầu tiên đến đây, Hoàng Sinh Viên vẫn thấy có phần choáng ngợp.

Vịnh Cam Ranh quá rộng, những cầu cảng cũng rất lớn, song trống vắng không một bóng tàu thuyền. Lượn lờ một vòng, thuyền trưởng Viên cũng chọn được vị trí cập tàu phù hợp. Lạ một điều, suốt thời gian tầu vào cảng và cập cầu cũng chẳng thấy ai ra hỏi han gì.

Tàu cập cảng, các vị thượng khách" cuối cùng là mấy sĩ quan tác chiến của Bộ Tư lệnh Hải quân và mấy cán bộ của Trung đoàn 128 đều rời tàu lên bờ. Thuyền trưởng Viên cũng đi theo họ.

Lên đến sân cảng thấy một cảnh tượng hết sức hỗn độn, khắp nơi la liệt những vũ khí cá nhân, quân trang, quân dụng, va ly, đồ đạc quân, dân sự, vài chiếc xe Jeep và 2 chiếc máy bay trực thăng UH-1A còn nguyên vẹn... Có lẽ đây là nơi tan rã của một đơn vị địch quân và là nơi di tản cuối cùng của họ cùng gia đình.

Tất cả kéo vào một căn nhà nhỏ cửa mở quay ra cảng. Người đầu tiên mà họ gặp chính là nguyên Tư lệnh Hải Quân Nguyễn Bá Phát. Thực ra, lúc này ông đã được giao nhiệm vụ Tư lệnh tiền phương Hải Quân song Viên không hề biết. Trong nhà còn mấy cán bộ nữa đều của Trung đoàn 172.

Đề đốc Hải quân VNCH làm đầu bếp trên tàu V630 Hải quân Việt Nam: Chiến lợi phẩm có một không hai! - Ảnh 2.

Thuyền trưởng tàu V630 Hoàng Sinh Viên

Sau khi các sĩ quan Tác chiến của Bộ Tư lệnh Hải quân báo cáo nhiệm vụ với ông Phát thì đến lượt thuyền trưởng Hoàng Sinh Viên báo cáo. Anh nói ngắn gọn: "Tàu V630 đã hoàn thành nhiệm vụ. Xin nghỉ lại một đêm trong cảng làm công tác chuẩn bị để ngày mai ra Bắc".

Tư lệnh tiền phương Nguyễn Bá Phát biểu dương tàu V630 và đồng ý với đề nghị của tàu.

Vậy là chuyến hải hành đơn độc đến một vùng biển hoàn toàn lạ lẫm của tàu V630 đã hoàn thành.

Tàu cũng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Bộ Tư lệnh giao cho: Đưa người và hàng hóa đến đúng vị trí an toàn tuyệt đối trong thời gian kỷ lục: Chỉ có 3 ngày (chính xác là 3 nửa ngày vì ban đêm không đi để đảm bảo an toàn cho người) mà tầu đã đi được khoảng 4/5 chiều dài hình chữ "S" bao bọc phía Đông của đất nước.

Đêm hôm đó là một đêm vui trọn vẹn, các thuyền viên tha hồ khám phá tất cả những gì mà mình muốn. Tuy nhiên, cũng chỉ loanh quanh trong các khu doanh trại của lính chứ chẳng được ra ngoài.

Sau một đêm ngủ ngon, toàn đội đã sẵn sàng lên đường trở về miền Bắc. Tuy nhiên, vừa mới sáng sớm, khi sương mù vẫn còn bảng lảng trên biển thì đã thấy có tiếng ồn ào trên cầu cảng.

Đề đốc Hải quân VNCH làm đầu bếp trên tàu V630 Hải quân Việt Nam: Chiến lợi phẩm có một không hai! - Ảnh 3.

Tàu HQ-671 (trong kháng chiến chống Mỹ mang số hiệu 641)là con tàu “Không số” duy nhất còn lại của những chiến công tiêu biểu “Đường Hồ Chí Minh trên biển” được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Ảnh minh họa.

Không biết có chuyện gì xảy ra, thuyền trưởng Hoàng Sinh Viên vội chạy tới xem sao. Từ dưới tàu nhìn lên thấy một "ông giải phóng" mũ tai bèo, tay cầm khẩu AR-15 đang chỉ trỏ. Đến gần hơn, Viên nhận ra đó cũng là một người quen - đó là Nguyễn Văn Dân, đồng môn K11A sĩ quan Hải Quân.

Hàn huyên một chút thì Viên biết bạn mình vừa mới tới làm nhiệm vụ tiếp quản quân cảng này mấy ngày. Anh ấy cho biết: "Từ khi tiếp quản cảng anh chưa thấy tầu nào cúa ta vào đây. Còn mới ngày hôm trước máy bay địch còn ném bơm phía cầu Ba Ngòi, cách đây vài km".

Nghe vậy, thuyền trưởng Viên thấy lo lo và quyết định sẽ ra khơi sớm. Tuy nhiên, khi vào xin phép rời bến thì anh thật sự "choáng" vì Tư lệnh Nguyễn Bá Phát thủng thẳng: "Chưa đi được! Tàu V630 còn phải ở lại đi vào mũi Kê Gà (Bình Thuận) để tiếp nhận 2 chiếc tầu khu trục của Hải quân VNCH và hơn 100 binh lính đầu hàng ở đó!".

Hoàng Sinh Viên như không tin vào tai mình nữa. Tuy nhiên, anh vẫn bình tĩnh báo cáo: "Báo cáo thủ trưởng, tàu chúng tôi nhận lệnh của Tư lệnh Đoàn Bá Khánh là khi đến Cam Ranh xong thì phải quay về ngay. Hôm qua, tôi đã báo cáo về Hải Phòng rồi!".

Không chờ cho Viên nói hết, Đại tá Nguyễn Bá Phát bực tức nói to: "Tôi là mặt trận đây, anh có nghe không?".

Vốn đã biết tính thủ trưởng từ trước, khi đã gọi cấp dưới bằng "anh" là ông đã giận lắm rồi và chưa biết sẽ xảy ra chuyện gì. Đến nước ấy, thuyền trưởng Viên chỉ còn biết lí nhí đáp: "Vâng ạ!".

Thật sự là Hoàng Sinh Viên thấy khá hoang mang. Nhiệm vụ thì không thể từ chối. Nhưng một con tàu vũ trang yếu bằng mấy khẩu "súng tép", quân số chưa đến 20 người, nếu đi ra biển áp gíải 2 con tàu khu trục địch thì có khác gì "đem cừu non ra trước mõm sói" một khi chúng phản trắc.

Cũng thấy lạ là chẳng thấy "mặt trận" cung cấp thêm thông tin gì và chỉ đạo phải làm những gì.

Trong khi đó, chính trị viên thì không có để mà bàn bạc, trao đổi. Chi bộ cũng chẳng có để mà họp hành, ra nghị quyết bởi trên tàu chỉ có 3 đảng viên là Viên, thuyền phó Nguyễn Văn Dân và báo vụ số 1 Lê Quốc Lợi thì vẫn là đảng viên dự bị nên không đủ điều kiện để thành lập.

Nghĩ chán, Viên tặc lưỡi: "Cứ đi thôi! 5 ăn 5 thua".

Sau khi phổ biến nhiệm vụ, thuyền trưởng Viên yêu cầu tất cả anh em luôn sẵn sàng nhận lệnh xuất kích, không ai được đi xa tàu. Mọi người đều có vẻ lo lắng nhưng không có ai tỏ ra sợ hãi.

Ngày hôm đó, với tàu V630 thời gian trôi qua thật là chậm chạp. "Mặt trận" cũng không thấy chỉ thị gì thêm mà chỉ nói "Chờ đấy!" nên thuyền bộ càng thêm hồi hộp.

Lại một đêm nữa thuyền viên trên tàu gần như mất ngủ. Mất ngủ không phải vì vui mà vì lo. Thuyền trưởng Viên thì suốt đêm chỉ nghĩ về nhiệm vụ và các tình huống có thể xảy ra và phương án đối phó. Nhưng rồi tất cả cứ mông lung thành một mớ hỗn độn mà không có phương án nào chắc thắng cả.

Sáng ra, thuyền trưởng Viên lên gặp Tư lệnh Nguyễn Bá Phát để "dò la". Anh nhẹ cả người khi được các thủ trưởng cho biết: "Đó là tin giả". Bộ Tư lệnh đã cho kiểm tra và xác minh là sự việc không có thật.

Không dám tỏ ra mừng rỡ, thuyền trưởng Viên xin phép đươc rời cảng. Được lời như cởi tấm lòng, Viên nhanh chóng về tàu và ra lệnh "Xuất phát!". Tất cả thuyền viên như được lắp trên bệ phóng. Chỉ ít phút sau, tàu V630 rời cảng.

"Đề đốc Hải quân VNCH" làm nấu bếp

Vì phải nằm lại 1 ngày đêm theo lệnh "ông mặt trận" nên ý định của thuyền trưởng Hoàng Sinh Viên trên chuyến trở về sẽ cho thuyền bộ ghé thăm các cảng Nha Trang, Quy Nhơn... mỗi nơi vài tiếng đã bị hủy bỏ. Tàu V630 trực chỉ hướng Bắc mải miết chạy và chỉ ghé Quân cảng Gianh (Quảng Bình) để tiếp dầu, nước.

Chuyến trở về sẽ không có gì đặc biệt nếu như thuyền trưởng Hoàng Sinh Viên không tình cờ ghé qua phòng bếp của tàu. Tại đây, anh không khỏi ngạc nhiên khi thấy chiến sĩ nấu ăn của tàu hôm nay lại diện một bộ đồ trắng muốt, trên đầu cũng là một chiếc mũ kê-pi màu trắng rất oai phong nữa.

Thấy thuyền trưởng, người chiến sĩ vội đứng dậy chào. Viên thật sự "choáng" bởi nhận ra bộ quần áo mà chiến sĩ nuôi quân mặc trên người chính là bộ đại lễ của Đề đốc Hải Quân Việt Nam cộng hòa Hồ Văn Kỳ Thoại (chuẩn tướng) với đầy đủ biển tên, ngù, lon và một mớ mề đay cùng với cái mũ lễ nữa.

Đề đốc Hải quân VNCH làm đầu bếp trên tàu V630 Hải quân Việt Nam: Chiến lợi phẩm có một không hai! - Ảnh 6.

Tàu V630 của Hải quân Việt Nam đã hoàn thành chuyến hải hành đơn độc, thực hiện trọn vẹn nhiệm vụ mà cấp trên giao cho.

Thì ra, trong lần tàu V630 dừng nghỉ ở Đà Nẵng, một số chiến sĩ đã tháp tùng các sĩ quan vào tiếp quản Bộ Chỉ huy Vùng 1 Hải quân VNCH. Ở đó, các thủ trưởng thì quan tâm đến tài liệu, giấy tờ. Còn mấy anh chiến sĩ trẻ thì quan tâm đến những thứ lặt vặt và nhặt luôn được bộ đồ này.

Sau khi lấy được bộ đại lễ, mấy anh em thì nhau mặc thử và cuối cùng, một "nghị quyết" được thông qua: "Quần áo vải tốt thế vứt đi thì phí quá. Từ hôm nay, sẽ sử dụng thay cho bộ đồ nuôi quân. Ai đến lượt nấu cơm thì sẽ mặc bộ này!".

Nghe thủng câu chuyện, thuyền trưởng Hoàng Sinh Viên cũng chỉ biết cười trừ về trò nghịch ngợm của các thủy thủ. Anh tự nhủ: "Âu đó cũng là nguồn vui cho những chuyến hải hành đơn độc thế này!"

Say sưa với những trò vui trên tàu nên quên cả chặng đường xa. Rồi thì Đảo đèn Long Châu cũng đã hiện ra trước mắt. Về nhà rồi! Thuyền trưởng Viên lên đài báo cáo về Sở chỉ huy, cấp trên lệnh cho tàu V630 về cảng Hạ Long - nơi nó mới rời đi chưa đến 1 tuần lễ.

Tầu đến cảng, trong cảng vắng lặng và trống trải, chỉ còn vài tàu chiến, phụ hạm và ca nô. Tầu cập cảng chỉ có một mình chính trị viên Tiếu đoàn 1 Ngô Minh Khu ra đón. Mừng vui, xúc động nói với nhau chưa được mấy câu thì được tin Sài Gòn đã được giải phóng.

Sài Gòn đã giải phóng tức là miền Nam đã giải phóng! Và tàu V630 đã hoàn thành chuyến hải hành đơn độc, thực hiện trọn vẹn nhiệm vụ mà cấp trên đã giao cho! Niềm vui vỡ òa trên bến cảng, nhiều người rưng rưng nước mắt.

(Nguyễn Khắc Nguyệt ghi theo lời kể của Trung tá Hoàng Sinh Viên, nguyên Thuyền trưởng tàu V630 tháng 4 năm 1975)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại