Dấu hiệu nhận biết tiểu đường tuýp 2

THANH HẢI |

Bác sĩ chỉ rõ dấu hiệu nhận biết bệnh tiểu đường tuýp 2.

Bác sĩ Trần Nguyễn Quỳnh Trâm, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho hay, bệnh tiểu đường tuýp 2 do cơ thể không thể sử dụng insulin, hoặc sử dụng insulin không hiệu quả như người bình thường.

Nguyên nhân bệnh tiểu đường type 2

Tuyến tụy đảm nhận vai trò tạo ra hormone insulin. Insulin giúp các tế bào chuyển chất bột đường (glucose) từ các thực phẩm ăn vào hàng ngày để tạo thành năng lượng.

Tuy nhiên ở người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, dù cơ thể tạo ra insulin nhưng các tế bào lại không sử dụng, hoặc sử dụng không hiệu quả.

Để tránh lượng đường bị tồn đọng trong máu, tuyến tụy tạo ra nhiều insulin hơn để giải quyết glucose đang “tồn kho” đưa vào tế bào. Đến một thời điểm, khi tuyến tụy không thể sản xuất số lượng insulin đều đặn được nữa thì glucose không được tạo thành năng lượng sẽ tích tụ trong máu và gây bệnh.

Dấu hiệu nhận biết tiểu đường tuýp 2 - Ảnh 1.

Dấu hiệu nhận biết tiểu đường tuýp 2. (Ảnh minh họa)

Dưới đây là những yếu tố thúc đẩy và kết hợp tạo ra nguyên nhân gây bệnh:

- Gene: Các nhà khoa học tìm thấy các đoạn DNA khác nhau ảnh hưởng đến cách cơ thể tạo ra insulin.

- Thừa cân/béo phì: Được xem là nguyên nhân gây bệnh tiểu đường tuýp 2 do tình trạng kháng insulin. Thế nhưng, không phải ai thừa cân cũng mắc bệnh tiểu đường type 2. Người thừa cân béo phì nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 cao hơn khoảng 6 lần so với người bình thường.

- Hội chứng chuyển hóa: Người bị kháng insulin thường đối diện với một nhóm các biểu hiện bao gồm lượng đường trong máu cao, mỡ thừa quanh eo, huyết áp cao, cholesterol và chất béo trung tính cao.

- Gan mất cân bằng “điều phối” glucose. Bản thân insulin có vai trò vận chuyển glucose vào tế bào để tạo năng lượng nuôi cơ thể hoặc lưu trữ ở gan dưới dạng glycogen khi cơ thể dư glucose. Thế nhưng, ở một số trường hợp, gan bị suy giảm chức năng cân bằng chuyển hóa glucose dẫn tới kháng insulin, không dung nạp glucose và đái tháo đường.

- Các tế bào sử dụng insulin không hiệu quả nên glucose không thể đi nuôi cơ thể. Điều này có thể gây ra phản ứng dây chuyền, dẫn đến bệnh tiểu đường type 2.

- Tế bào beta suy giảm chức năng dần dần theo thời gian. Vì vậy, tế bào beta-tụy không tiết đủ insulin để bù trừ cho tình trạng đề kháng insulin.

Dấu hiệu nhận biết tiểu đường type 2

Vậy dấu hiệu nhận biết tiểu đường type 2 là gì? Các triệu chứng của bệnh tiểu đường loại 2 có thể nhẹ mà người bệnh không nhận thấy rõ. Các triệu chứng gồm rất khát, đi tiểu nhiều, nhìn mờ, cáu kỉnh, ngứa ran hoặc tê ở bàn tay hoặc bàn chân.

Ngoài ra, các bạn cần chú ý đến các dấu hiệu khác như mệt mỏi, vết thương không lành, nhiễm trùng nấm men tiếp tục tái phát, cảm thấy đói, giảm cân mà không cần cố gắng, bị nhiễm trùng nhiều hơn.

Các biểu hiện sẫm màu, da sần sần quanh cổ hoặc nách (bệnh gai đen), có thể xem là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang trở nên đề kháng với insulin.

Phòng ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2

Người bệnh có thể kiểm soát bệnh tiểu đường tuýp 2 bằng cách ăn uống lành mạnh và vận động mỗi ngày. Bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc uống, thuốc tiêm khác hoặc insulin để kiểm soát lượng đường trong máu, tránh các biến chứng.

Người bệnh tiểu đường type 2 vẫn cần ăn uống lành mạnh và hoạt động mỗi ngày nếu dùng insulin hoặc các loại thuốc khác. Mục tiêu quan trọng là giữ cho huyết áp và cholesterol gần với mục tiêu bác sĩ khuyến cáo và làm các xét nghiệm tầm soát cần thiết.

Người bệnh cần kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên. Hãy hỏi bác sĩ về thời gian bao lâu nên kiểm tra và mức đường huyết mục tiêu. Người bệnh cần giữ lượng đường trong máu càng gần mức mục tiêu càng tốt giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn các biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường.

Căng thẳng có thể khiến việc kiểm soát bệnh tiểu đường trở nên khó khăn hơn, bao gồm cả việc quản lý lượng đường trong máu và chăm sóc bệnh tiểu đường hàng ngày. Người bệnh nên hoạt động thể chất thường xuyên, ngủ đủ giấc và thực hiện các bài tập thư giãn có thể hữu ích; nói chuyện với bác sĩ để có được giải pháp kiểm soát căng thẳng.

Bên cạnh đó, người bệnh cần duy trì việc tái khám định kỳ để chắc chắn rằng bản thân đang đi đúng hướng trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường type 2.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại