Tàu sân bay độc nhất Đông Nam Á - Niềm tự hào của Thái Lan giờ ra sao?

Chỉ Nhàn |

Ngày trở lại đại dương đầu năm 2019, tàu sân bay HTMS Chakri Naruebet xuất hiện với bộ dạng như “người bị lột sạch đồ” khi không có một máy bay nào trên boong.

Theo các mạng quân sự Thái Lan, khoảng giữa tháng 2/2019, Hải quân Hoàng gia Thái Lan tổ chức một cuộc diễn tập huấn luyện chung lần đầu tiên giữa tàu sân bay Chakri Naruebet (911) và tàu hộ vệ tên lửa HTMS Bhumibol Adulyadej (471).

Đây được gọi là lần đầu tiên bởi vì HTMS Bhumibol Adulyadej (471) mới gia nhập Hải quân Thái Lan hồi đầu tháng 1/2019. Đây là chiếc đầu tiên thuộc lớp tàu DW 3000F mà Thái Lan đặt đóng từ Hàn Quốc.

471 được coi là tàu chiến hiện đại nhất của Hải quân Thái Lan hiện nay, được trang bị vũ khí - điện tử tối tân. Thậm chí, có thể xếp nó vào top 1 ở khu vực Đông Nam Á.

Sự hiện đại của Bhumibol Adulyadej 471 thì đã rõ, tuy nhiên điều khiến người ta quan tâm chính là việc tàu sân bay "độc nhất" khu vực Đông Nam Á tái xuất với bộ dạng không thể "thê thảm" hơn.

Tàu sân bay "không có gì"

Các hình ảnh được công bố cho thấy, HTMS Chakri Naruebet (911) ngày trở lại đại dương với một boong tàu "trống huơ trống hoác", không có lấy một chiếc máy bay có mặt trên boong.

Dẫu vậy, thực tế thì có vẻ như vẫn có một hoặc hai chiếc trực thăng xuất phát từ HTMS Chakri Naruebet đóng vai trò tiếp tế các trang thiết bị cần thiết cho tàu hộ vệ 471 bằng trực tiếp và gián tiếp.

Tàu sân bay độc nhất Đông Nam Á - Niềm tự hào của Thái Lan giờ ra sao? - Ảnh 1.

Tàu sân bay Chakri Naruebet "sánh vai" cùng tàu hộ vệ Bhumibol Adulyadej.

Tàu sân bay độc nhất Đông Nam Á - Niềm tự hào của Thái Lan giờ ra sao? - Ảnh 2.

Tàu sân bay 911 trông khá mới dù đã trải qua 22 năm phục vụ.

Tàu sân bay độc nhất Đông Nam Á - Niềm tự hào của Thái Lan giờ ra sao? - Ảnh 3.

Thật đáng tiếc khi trên boong người ta không thể "trưng bày" dàn máy bay hoành tráng xứng với vai trò của Chakri Naruebet.

Tuy nhiên, điều đó cho thấy xem ra tới thời điểm này, sau 22 năm biên chế, Hải quân Thái Lan chưa thể hình thành một biên đội tác chiến tàu sân bay hiệu quả, hay là dùng Chakri Naruebet như thế nào là tốt nhất?

Trở lại với "sân bay không có gì" trên hàng không mẫu hạm 911, thực ra thì lâu nay người Thái biên chế trên "sổ sách" 8-10 trực thăng săn ngầm SH-70B Seahawk và trực thăng vận tải MH-60S Knighthawk.

Thế nhưng, không phải lúc nào chúng cũng được phép hiện diện đầy đủ nhất trên chiếc tàu sân bay Naruebet.

Cho nên các hình ảnh HMTS Chakri Naruebet 911 xuất hiện với boong tàu với một hoặc hai chiếc máy bay hoặc chẳng có cái nào trở thành "chuyện thường ngày".

Tàu sân bay độc nhất Đông Nam Á - Niềm tự hào của Thái Lan giờ ra sao? - Ảnh 4.

Từ một tàu sân bay, giờ đây Chakri Naruebet dường như đang đóng vai trò của tàu hậu cần tiếp tế.

Tàu sân bay độc nhất Đông Nam Á - Niềm tự hào của Thái Lan giờ ra sao? - Ảnh 5.

Trực thăng của Chakri Naruebet thực hiện tiếp tế cho tàu bạn.

Từng có chiến đấu cơ phản lực!

Thực tế, thời điểm mới biên chế, tàu sân bay Chakri Naruebet (911) được trang bị cả máy bay cánh bằng. Đó là 9 chiếc máy bay chiến đấu AV-8S Matador cũ mua của Tây Ban Nha.

Thế nhưng cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 đã khiến cho không chỉ tàu sân bay 911 ảnh hưởng mà khiến cả phi đội AV-8S Matador còn chưa hoạt động hết vòng đời đã bị loại biên chế.

Năm 1999, trong số 9 chiếc chỉ còn duy nhất một chiếc AV-8S có thể bay, Hải quân Thái Lan sau đó cố gắng hồi phục nhưng không thành.

Đến năm 2006, toàn bộ máy bay AV-8S bị đưa ra khỏi danh mục vũ khí biên chế. Kể từ đó, tàu sân bay Chakri Naruebet chỉ còn trực thăng phục vụ.

Vai trò của nó không còn quá nổi bật trong Hải quân Thái Lan, có chăng nó gây sự chú ý mỗi lần xuất hiện với "danh hiệu" – tàu sân bay độc nhất ở Đông Nam Á.

Trong khi đó, giới chuyên gia hải quân coi Chakri Naruebet là "một trong những du thuyền hoàng gia lớn và đắt nhất thế giới" hơn là tàu sân bay. Truyền thông Thái Lan thì mỉa mai nó là "Thai-tanic".

"Tiêm kích hạm" đầu tiên ở Đông Nam Á

AV-8S Matador có thể xem là tiêm kích trên hạm đầu tiên và độc nhất tới thời điểm hiện tại ở khu vực Đông Nam Á dẫu cho số phận của nó thì "đắng ngắt".

Đây là phiên bản của dòng máy bay chiến đấu Hawker Siddeley Harrier do Anh sản xuất từ những năm 1960. Loại này có ưu điểm đặc biệt là có thể cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh hoàn toàn thẳng đứng như trực thăng.

Nhờ đó, Siddeley Harrier phù hợp hoạt động trên các tàu sân bay cỡ nhỏ như HTMS Chakri Narubet với đường băng dốc 12 độ.

Tuy nhiên, để có được ưu điểm đó, loại máy bay này không đạt được tốc độ siêu âm, tải trọng vũ khí hạn chế.

AV-8S Matador của Thái Lan có thể đạt tốc độ tối đa khoảng 1.100km/h, bán kính chiến đấu chỉ khoảng 350-400km, tải trọng vũ khí 2,2 tấn.

Video hoạt động của tàu sân bay HTMS Chakri Naruebet

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại