Pakistan có vi phạm thỏa thuận với Mỹ?
Hôm qua (6/3), phóng viên Maria Abi-Habib của tờ New York Times tiết lộ rằng, trái với tuyên bố chắc nịch từ phía Ấn Độ, Pakistan không nhất thiết vi phạm thỏa thuận mua bán F-16 với Mỹ, ngay cả nếu nước này đã sử dụng các tiêm kích do Mỹ sản xuất để bắn rơi máy bay Ấn Độ trong tuần trước.
Trước đó, hôm 27/2, Không quân Pakistan (PAF) thông báo các máy bay chiến đấu của họ đã bay vào khu vực Kashmir để thể hiện năng lực đáp trả sự hung hăng của Ấn Độ, chúng đã "khóa" các mục tiêu quân sự và sau đó nhả ra.
Cũng trong ngày hôm ấy, PAF đã bắn hạ 2 máy bay chiến đấu của Ấn Độ bên trong không phận Pakistan, khi chúng đang tìm cách truy đuổi các máy bay của Islamabad.
Các quan chức Ấn Độ mặc dù xác nhận việc tốp máy bay chiến đấu Pakistan đã ngắm bắn vào các mục tiêu quân sự của họ nhưng khẳng định trong số các máy bay mà PAF điều tới Kashmir có F-16.
Không quân Ấn Độ (IAF) còn tuyên bố bắn hạ chiếc F-16 của Pakistan và trưng bày bằng chứng là các mảnh vỡ của tên lửa AIM-120 trang bị trên F-16.
New Delhi cho rằng, việc Pakistan triển khai F-16 chống lại Ấn Độ đồng nghĩa Islamabad đã vi phạm thỏa thuận mua bán với Mỹ, trong đó quy định các máy bay chiến đấu do Washington cung cấp sẽ chỉ được sử dụng trong các hoạt động chống khủng bố.
Tuy nhiên, trên Twitter cá nhân, phóng viên Abi-Habib phụ trách mảng Nam Á của tờ New York Times đã đưa ra các cơ sở để giải thích tại sao Pakistan có thể đã không vi phạm thỏa thuận mua bán với Mỹ, ngay cả nếu họ dùng F-16 để bắn hạ máy bay Ấn Độ.
Các chuyên gia vũ khí cho rằng, những mảnh vỡ tên lửa AIM-120 mà Ấn Độ đưa ra chưa đủ để chứng minh F-16 bị bắn hạ. Ảnh: ISPR
"Phía Mỹ cho biết, nếu Pakistan dùng F-16 bắn hạ máy bay MiG của Ấn Độ thì họ có thể không vi phạm thỏa thuận mua bán" - Abi-Habib đăng trên Twitter.
"Họ nói rằng nếu Ấn Độ xâm nhập không phận Pakistan lần thứ hai, và Pakistan triển khai máy bay để phòng vệ thì họ không vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, nếu Pakistan dùng F-16 để tấn công Ấn Độ trước, thì họ đã vi phạm".
Dẫn lời các quan chức và chuyên gia vũ khí, Abi-Habib cũng đồng thời đặt câu hỏi đối với tuyên bố của Không quân Ấn Độ khi New Delhi trưng bày các mảnh vỡ của tên lửa AIM-120 để làm "bằng chứng" chứng minh Pakistan đã sử dụng F-16 nhằm trả đũa cuộc không kích của Ấn Độ vào Balakot trước đó.
Abi-Habib đăng tải trên Twitter về vụ việc.
Cũng theo Abi-Habib, các quan chức Mỹ cho biết hiện họ chưa có đủ cơ sở để tin rằng Ấn Độ đã bắn hạ được một chiếc F-16.
"Phương Tây, đặc biệt là Mỹ, thực sự đang tìm cách củng cố quan hệ đồng minh với Ấn Độ" - Abi-Habib nhấn mạnh, và cho biết thêm rằng việc củng cố quan hệ với New Delhi quan trọng với Washington đến mức họ thậm chí còn đề nghị sản xuất F-16 tại Ấn Độ".
Theo nhà báo của New York Times, việc Mỹ tỏ ra thận trọng trước những tuyên bố của Ấn Độ về sự việc tuần trước - bất chấp mối quan hệ thân thiết mới hình thành giữa hai phía – là một phản ứng "rất đáng chú ý".
Nghi vấn ở các bức ảnh vệ tinh
Các phóng viên Martin Howell, Gerry Doyle và Simon Scarr của hãng tin Reuters tiếp tục chỉ ra các lỗ hổng trong tuyên bố của Ấn Độ.
Bài viết đăng trên Reuters đã trích dẫn các hình ảnh vệ tinh với độ phân giải cao chụp lại các tòa nhà và cơ sở hạ tầng mà Ấn Độ tuyên bố là đã tấn công và phá hủy ở Balakot. New Delhi cho biết cuộc không kích của họ đã tiêu diệt được nhiều phiến quân.
Tuy nhiên, hình ảnh vệ tinh mới – do công ty vận hành vệ tinh tư nhân Planet Labs Inc ở San Francisco cung cấp – cho thấy "trại huấn luyện lớn nhất của tổ chức khủng bố Jaish-e-Mohammad (JeM)" – nơi Không quân Ấn Độ tuyên bố đã phá hủy hồi tuần trước – có vẻ "vẫn đang sừng sững ở đó".
Theo người dân địa phương, đây không phải là trại huấn luyện khủng bố, mà là một trường học cho trẻ em.
Cơ sở bị cho là doanh trại khủng bố vẫn còn nguyên vẹn sau màn không kích của Ấn Độ. Ảnh chụp ngày 4/3 gần Baklan, Pakistan. Ảnh: Reuters
Báo cáo của Reuters cho biết, theo hình ảnh vệ tinh mới nhất mà họ nắm được, so sánh với ảnh vệ tinh chụp tháng 4/2018 của cùng khu vực này, thì cơ sở hạ tầng nơi đây "gần như không có gì thay đổi".
Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Ấn Độ không đưa ra bình luận nào trước diễn tiến mới này, làm dấy thêm nghi ngờ về những tuyên bố mà Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đưa ra trước đó – rằng Không quân Ấn Độ đã đánh trúng toàn bộ mục tiêu định sẵn.
Khi tới thăm khu vực trên một ngày sau vụ tấn công của Ấn Độ, các phóng viên của Reuters đã tìm thấy một số hố bom và cây cối bị phá nát nhưng chỉ có một nạn nhân được xác nhận, người này có một vết cắt ngay phía trên mắt phải.
"Họ [Ấn Độ] nói rằng họ muốn tấn công các phần tử khủng bố. Nhưng các anh thấy có tên khủng bố nào ở đây không?" – ông Nooran Shah, 62 tuổi, nói với các phóng viên của Reuters – "Chúng tôi sống ở đây, chúng tôi là khủng bố hay sao?"
Kết quả phát hiện của Reuters cũng trùng khớp với những gì mà phóng viên của tờ Aljazeera (Qatar) ghi nhận được. Theo đó, "không có bằng chứng nào cho thấy tòa nhà có bất cứ hư hại nào, hoặc có thương vong nào".