Phơi bày sự "già nua" của quân đội Ấn Độ
Tình trạng xập xệ của Không quân Ấn Độ đã lộ rõ trong tuần trước, khi Pakistan bắn hạ tiêm kích MiG-21 Bison do phi công Ấn Độ điều khiển. Đây là chiếc máy bay do Nga sản xuất, cất cánh lần đầu tiên năm 1956.
Viên phi công đã thoát ra ngoài nhưng lại rơi vào lãnh thổ Pakistan và bị quân đội nước này bắt giữ.
Islamabad đã trả tự do cho phi công Ấn Độ sau vài ngày, nhằm hạ nhiệt cuộc khủng hoảng do một nhóm phiến quân ở Pakistan châm ngòi – chúng đã khiến hơn 40 sĩ quan an ninh Ấn Độ thiệt mạng trong vụ đánh bom tự sát hôm 14/2 tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát.
MiG-21 Ấn Độ đã không gặp may. Các hình ảnh chụp mảnh vỡ của chiếc máy bay, cũng như của thứ vũ khí được cho là đã bắn hạ nó - tên lửa không-đối-không AIM-120 [do Mỹ sản xuất] nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội.
Tiêm kích MiG-21 của Ấn Độ.
Theo các nhà phân tích, thiệt hại này đã phơi bày sự "già nua" của quân đội Ấn Độ hiện nay và đặt ra nhu cầu khẩn cấp mới đối với chương trình thay thế máy bay chiến đấu mà New Delhi đã trì hoãn bấy lâu nay.
Điều này sẽ mang lại lợi ích cho hai "ông lớn" trong lĩnh vực không gian vũ trụ của Mỹ - Boeing và Lockheed Martin – khi họ đều đang nhắm tới bản hợp đồng béo bở, trong đó Ấn Độ dự kiến mua hơn 100 chiến đấu cơ mới.
Ngoài giá trị của khoản tiền sẽ nhận được nếu thắng thầu, chương trình thay thế tiêm kích của Ấn Độ còn mang lại cho Boeing và Lockheed cơ hội mở rộng dây chuyền sản xuất các hệ thống cũ khi chúng đang sắp hết tuổi thọ phục vụ.
"Khó có thể bán được máy bay tiền tuyến cho một quốc gia đang không đối mặt với mối đe dọa nào" – Loren Thompson, chuyên gia phân tích tại Viện Lexington cho hay – "Giờ đây, cả Boeing và Lockheed Martin đều đang đứng trước cơ hội buôn bán tốt hơn bởi Ấn Độ đột nhiên cảm thấy bị đe dọa".
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý rằng, xưa nay Ấn Độ không mấy khi xúc tiến nhanh chóng các chương trình mua sắm quốc phòng.
Theo chuyên gia Byron Callan tại tổ chức nghiên cứu Capital Alpha Partners, vụ MiG-21 bị bắn hạ có thể đẩy nhanh quá trình cơ cấu vốn nhưng "Ấn Độ cần phải nhận thức được rằng họ đã gặp phải vấn đề này [tiêm kích lỗi thời] trong một thời gian dài".
MiG-21 Ấn Độ và F-16 Pakistan đã có một trận không chiến nảy lửa?
Những tình tiết xung quanh vụ việc vẫn còn mơ hồ. Ấn Độ - và một số nguồn tin – tuyên bố một trận không chiến đã nổ ra giữa hai phía, trong đó tiêm kích MiG-21 Ấn Độ đã kịp bắn hạ một chiếc F-16 của Pakistan trước khi trúng tên lửa.
Đây là hai quốc gia đều có thành phần không quân khá đa dạng, và cuộc đối đầu vừa qua có sự tham gia của các tiêm kích mua từ Mỹ, châu Âu, Nga và cả Trung Quốc.
Tờ Telegraph cho biết, phía Ấn Độ bao gồm các tiêm kích Mirage 2000 [do Pháp sản xuất từ những năm 1980], Su-30MKI [Nga sản xuất, cất cánh lần đầu tiên trong những năm 2000], còn phía Pakistan có tiêm kích F-16 [Mỹ], Mirage III [Pháp] và JF-17 [hợp tác sản xuất với Trung Quốc].
Về phần mình, Pakistan phủ nhận việc điều động F-16 và thông tin máy bay của họ bị bắn hạ.
Một số báo cáo dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết chiếc máy bay bị bắn hạ của Pakistan là JF-17. Tuy nhiên, các mảnh vỡ của tên lửa AIM-120 mà chính phủ Ấn Độ đưa ra đã cho thấy có vẻ các tiêm kích F-16 của Pakistan có tham gia vào vụ việc, bởi đây là mẫu máy bay duy nhất trong khu vực này có thể bắn được loại tên lửa đó.
Chủ Nhật tuần trước, Mỹ cho biết họ đang tìm cách xác nhận tuyên bố của Ấn Độ, bởi nếu Pakistan thực sự triển khai F-16 bắn hạ máy bay Ấn Độ thì họ đã vi phạm các thỏa thuận với Mỹ. Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc hiện từ chối bình luận về vấn đề này.
Trong bối cảnh căng thẳng giữa hai phía đang tiếp tục gia tăng, có thể nhận thấy rõ một điều rằng: Ấn Độ thực sự cần tới các máy bay chiến đấu mới.
Các "ông trùm vũ khí" Mỹ đứng trước cơ hội lớn
Trong 2 thập kỷ qua, Ấn Độ đã nhiều lần tìm cách thay máu lực lượng máy bay chiến đấu già nua. Tuy nhiên, các chương trình này đều thất bại do bộ máy quan liêu và những tranh chấp trong nội bộ Ấn Độ.
Gần đây nhất, vào đầu năm 2018, Ấn Độ đã trì hoãn kế hoạch mua hơn 100 máy bay chiến đấu 1 động cơ (ứng viên gồm mẫu F-16 của Lockheed Martin và Gripen-E của Thụy Điển, trong đó F-16 được ủng hộ hơn) để tái đánh giá các yêu cầu của quân đội và mở ra khả năng cạnh tranh đối với các thiết kế 2 động cơ.
Điều này đã cho phép Boeing tham gia cuộc chơi với ứng viên là tiêm kích F/A-18 Super Hornet.
Ấn Độ đang đứng trước nhu cầu cấp bách phải thay máu lực lượng máy bay chiến đấu già nua.
Các chuyên gia cho rằng, vụ MiG-21 bị bắn hạ có thể là hồi chuông cảnh tỉnh đối với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, hối thúc ông đẩy nhanh chương trình thay thế máy bay mới.
"Trận không chiến với Pakistan đã đẩy nhu cầu hiện đại hóa máy bay chiến đấu lên vị trí cao hơn trong danh sách ưu tiên của ông Modi" – chuyên gia Thompson nhận định, đồng thời gọi vụ việc vừa qua là "một sự bẽ bàng" đối với New Delhi.
Chuyên gia Richard Aboulafia tại tổ chức Teal Group cũng đồng tình rằng trận không chiến trên có thể là tiền đề cho chương trình thay thế máy bay của Ấn Độ. Theo ông Aboulafia, New Delhi tốt nhất nên loại bỏ những chiếc MiG-21 cũ kỹ hoặc "tống chúng vào bảo tàng gần nhất".
Song, ông Aboulafia cũng cảnh báo rằng không có gì đảm bảo chính phủ Ấn Độ sẽ đẩy nhanh chương trình này.
Trong khi đó, bất chấp thiệt hại, Ấn Độ tin MiG-21 là một mẫu máy bay vẫn còn đủ tốt trong thời điểm hiện nay. Một số chuyên gia hàng không cho rằng chúng có thể trở nên vô cùng đáng gờm bất chấp tuổi thọ hoạt động.
Mặc dù ngày càng khó duy trì nhưng phi đoàn MiG-21 của Ấn Độ đã được nâng cấp đáng kể trong những năm qua.
Tyler Rogoway, chuyên gia phân tích quốc phòng, đồng thời là biên tập viên website War Zone, nhấn mạnh rằng MiG-21 đã chứng minh được uy lực của nó 1 thập kỷ trước đây khi đánh bại các tiêm kích F-15 của Không quân Mỹ trong cuộc tập trận quân sự.
"Bisons là mẫu máy rất ‘khó chịu’ [với đối thủ] khi chúng được kết hợp với chiến thuật và hệ thống tác chiến điện tử chuẩn xác" – ông Rogoway nói.
Ngoài các công ty quốc phòng Nga, một số nhà sản xuất châu Âu cũng đang cạnh tranh để giành hợp đồng thay thế máy bay chiến đấu của Ấn Độ.
Mặc dù cho đến nay, vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng nào chứng minh được MiG-21 Ấn Độ thực sự bắn hạ F-16 nhưng một số nhà quan sát nhận định rằng, Nga có thể sẽ lợi dụng điều đó để chê bai và chỉ trích mẫu máy bay do Mỹ sản xuất, hòng chiếm lợi thế trong cuộc đua trên.
"Họ đã có ngay câu chuyện ‘F-16 bị máy bay cổ từ thời Liên Xô bắn hạ’ và phát tán nó thông qua các kênh truyền thông do chính phủ tài trợ" - Bradley Howard, một cựu binh Không quân Mỹ chuyên viết về các vấn đề hàng không và quân sự, cho hay.
Theo chuyên gia Thompson, Ấn Độ sẽ tiếp tục phải đối mặt với áp lực hiện đại hóa toàn diện quân đội trong bối cảnh người láng giếng Trung Quốc đang gia tăng phát triển các năng lực tác chiến tiên tiến.
Tờ New York Times cho biết, quân đội Ấn Độ đang ở trong tình trạng "báo động": Chính phủ New Delhi ước tính rằng nếu một cuộc chiến tranh quy mô lớn nổ ra vào ngày mai, Ấn Độ chỉ có đủ đạn dược để dùng trong 10 ngày.
"Ấn Độ có rất nhiều nguồn cung cấp để mua được các mẫu máy bay chiến đấu hàng đầu thế giới. Họ đã có nhu cầu, và giờ đây là cả sự thúc đẩy từ người hàng xóm đang nhăm nhe ngắm bắn mình" – chuyên gia Thompson nhận định.