Theo đánh giá của cựu giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, Jon Woolfstal, chiến lược răn đe hạt nhân mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump được triển khai theo đề nghị của Lầu Năm góc.
Sử dụng vũ khí chiến thuật để che giấu mục tiêu chiến lược
Ý tưởng về việc sử dụng SLBM Trident II mang theo các đầu đạn hạt nhân chiến thuật cũng giống như thiết kế một chiếc xe địa hình đa dụng trên khung gầm xe tải hạng nặng.
Mục đích chính khi thiết kế SLBM Trident II là tạo ra vũ khí tấn công cấp chiến lược trong chiến tranh hạt nhân tổng lực. Điều này được thể hiện rõ khi độ chính xác của tên lửa Trident II rất thấp vì mục đích chính của nó là đưa các đầu đạn hạt nhân cỡ lớn tấn công giếng phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Liên Xô.
Mỗi SLBM Trident II có thể mang theo 8 đầu đạn hạt nhân 475 Kilotone hoặc 14 đầu đạn 100 Kilotone. Nếu giảm số lượng đầu đạn mang theo, tầm bắn của Trident II có thể tăng lên tới 11.300km.
SLBM Trident II. Ảnh: DefenseTalk.
Chính vì thế, việc tái trang bị đầu đạn hạt nhân chiến thuật lên SLBM Trident II giống như việc làm không hề có logic, nhưng thực tế ẩn chứa mục đích sâu xa của Washington.
“Đó thực sự là chiến lược nguy hiểm. Chúng ta sẽ không thể biết SLBM Trident II Mỹ sử dụng trong trong tương lai mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật hay chiến lược. Và lẽ đương nhiên, khi tên lửa rời bệ phóng sẽ khơi mào cho cuộc chiến tranh hạt nhân tổng lực”, lãnh đạo Viện nghiên cứu Địa chính trị Nga, tướng Leonid Ivasov đánh giá.
Theo ông L. Ivasov, Mỹ đã chuẩn bị cho học thuyết răn đe hạt nhân mới từ đầu những năm 2000. Sau khi Liên Xô tan vỡ, chiến tranh Lạnh kết thúc, giới chức quân sự Mỹ nhận định, các dòng ICBM mang đầu đạn hạt nhân chiến lược đang dần đánh mất vai trò chính của mình.
Các cường quốc sẽ không bao giờ mong muốn sử dụng ICBM vì không có ai chiến thắng trong cuộc chiến tổng lực như vậy. Để đáp ứng các mối đe dọa mới, Mỹ đề ra học thuyết Tấn công nhanh toàn cầu (PGS) với việc sử dụng vũ khí tấn công nhanh phi hạt nhân, ICBM mang đầu đạn thông thường tấn công chính xác bất kỳ địa điểm nào trên Trái Đất.
Tuy nhiên, tới thời gian gần đây, Lầu Năm góc đã có thay đổi học thuyết PGS bằng việc thay thế việc sử dụng đầu đạn thông thường bằng đầu đạn hạt nhân cấp chiến thuật.
Bom hạt nhân B61-12. Ảnh: DefenseTalk.
“Cùng với việc tái trang bị đầu đạn hạt nhân chiến thuật mới lên SLBM Trident II, Mỹ còn đang thực hiện gói nâng cấp sâu với bom hạt nhân B61-12. Phiên bản nâng cấp mới của bom B61 được tăng cường năng lực tác chiến với khả năng dẫn đường chính xác cao.
B61 rất nhỏ gọn, có thể dễ dàng trang bị trên nhiều phương tiện hàng không khác nhau, trong đó có cả máy cường kích A-10. Bom B61-12 đang gây mất cân bằng chiến lược nghiêm trọng tại châu Âu, bất chấp những lời “xoa dịu” của giới chức quân sự Mỹ”, lãnh đạo Viện phân tích Chính trị và Quân sự Nga, Ivan Konovalo đánh giá.
Chiến lược mới là “lời cảnh báo của Washington”?
Theo đánh giá của giới chuyên gia quân sự quốc tế, chiến lược răn đe hạt nhân mới của Mỹ có thể kết thúc bằng thảm họa vì nó đã gián tiếp làm giảm “ngưỡng có thể sử dụng vũ khí hạt nhân đáp trả” của Nga. Tuy nhiên, tất cả vẫn còn phụ thuộc vào hành động thực tế của Lầu Năm góc tuân theo chiến lược mới.
“Có thể tuyên bố của Nhà Trắng về chiến lược răn đe hạt nhân mới chỉ nhằm mục đích gây áp lực đối với Nga. Chúng tôi đã sở hữu năng lực chế tạo tên lửa đạn đạo và hành trình thừa khả năng xuyên thủng lá chắn tên lửa của Mỹ.
Chính vì thế, cũng là dễ hiểu khi Mỹ công bố chiến lược răn đe hạt nhân mới với mục đích cảnh báo chúng tôi”, chuyên gia L. Ivasov đánh giá.
Sẽ không có ai chiến thắng trong cuộc chiến tranh hạt nhân tổng lực. Ảnh minh họa / warfare.ru
Thực tế, Quân đội Nga hiện tại có thừa đủ nguồn lực để đáp trả lại việc mở rộng kho vũ khí hạt nhân cấp chiến thuật của Mỹ tuân theo chiến lược răn đe hạt nhân mới. Rõ ràng, Nga không cần phải bước vào cuộc chạy đua vũ trang mới với Washington.
“Chúng tôi đã tính tới kịch bản này. Tiềm lực về vũ khí hạt nhân cấp chiến thuật của Nga vẫn được duy trì từ thời chiến tranh Lạnh. Cùng với đó, các dòng tên lửa mới của Nga đã có khả năng xuyên thủng bất kỳ lá chắn tên lửa để đưa các đầu đạn tới mục tiêu cần đến.
Như vậy, việc của chúng tôi chỉ là thuyết phục phía Mỹ nên từ bỏ chiến lược răn đe hạt nhân mới để tránh nguy cơ làm tổn hại tới cả hai bên”, chuyên gia I. Konovalo nhấn mạnh.