Đây là cấu hình 4 tàu tên lửa Molniya tiếp theo của HQVN: Bầy sói biển tàng hình?

Ly Vy |

Thiết kế mới của các tàu tên lửa Molniya vừa được Nga công bố dường như tỏ ra rất phù hợp để lựa chọn cho loạt 4 chiến hạm tên lửa tấn công nhanh tiếp theo của HQVN.

Thiết kế mới hoàn hảo

Như chúng tôi đã đưa tin, Nhà máy đóng tàu Vympel (Nga) hiện đang thi công 2 tàu tên lửa tấn công nhanh đề án 1241.8 Molniya với thiết kế mới cho Hạm đội Biển Đen.

Đây sẽ là 2 chiếc tàu tên lửa đề án 1241.8 đầu tiên của Hải quân Nga cho dù nước này đã sở hữu rất nhiều tàu tên lửa lớp Molniya khác. Các thế hệ tàu này phần lớn trang bị tên lửa chống hạm Moskit hoặc P-20/22.

Đây là cấu hình 4 tàu tên lửa Molniya tiếp theo của HQVN: Bầy sói biển tàng hình? - Ảnh 1.

Đây là cấu hình 4 tàu tên lửa Molniya tiếp theo của HQVN: Bầy sói biển tàng hình? - Ảnh 2.

Mẫu thiết kế tàu tên lửa đề án 1241.8 Molniya thế hệ mới đang được đóng cho Hạm đội Biển Đen, Nga.

Đây là cấu hình 4 tàu tên lửa Molniya tiếp theo của HQVN: Bầy sói biển tàng hình? - Ảnh 3.

Thay đổi căn bản ở thiết kế này là phần thượng tầng được làm lại hoàn toàn, 2 bệ phóng KT-184 được bố trí nằm ngang và sử dụng pháo AK-176MA với thiết kế tàng hình.

Khác với các tàu tên lửa đề án 1241.8 Molniya đã bán hoặc cho phép đóng theo giấy phép của Việt Nam, Ấn Độ và Turkmenistan, thiết kế tàu của Nga đã có sự thay đổi lớn với phần thượng tầng được làm lại hoàn toàn và bố trí tên lửa chống hạm Uran đặt nằm ngang thay vì dọc thân tàu như trước.

Một điều khá thú vị là Nga vốn đã có nhiều thiết kế tàu tên lửa cỡ nhỏ thế hệ mới như đề án 21631 hay sắp tới đây sẽ biên chế hàng loạt các tàu thuộc đề án 22800, lớp tàu tên lửa Molniya vốn không còn được Nga chế tạo thêm bất kỳ khung thân nào (ngoài xuất khẩu).

Cả 2 tàu hiện tại đang thi công cũng chỉ là đóng dựa trên khung thân của 2 tàu đề án 1242.1 vốn đang dang dở từ những năm 1990 của thế kỷ trước.

Như vậy, vì sao Nga phải "tốn công" thiết kế lại 1 mẫu tàu tên lửa đề án 1241.8 thế hệ mới chỉ để áp dụng với 2 tàu đóng cho Hạm đội Biển Đen.

Điều này có thể giải thích là bởi rất có thể Nga muốn thông qua 2 tàu này để giới thiệu cho các khách hàng nước ngoài bởi các tàu tên lửa lớp Molniya vốn là sản phẩm xuất khẩu rất thành công của Liên Xô và Nga tại phân khúc này.

Với thiết kế cũ, các tàu tên lửa lớp Molniya mà cụ thể ở đây đang nói đến là đề án 1241.8 tỏ ra khá lép vế so với các thiết kế tàu tên lửa thế hệ mới vốn có hình dáng tàng hình và tính năng ưu việt cho tác chiến hiện đại.

Việc thiết kế lại dựa trên 1 khung thân có sẵn và hiệu quả đã được chứng minh qua quá trình hoạt động lâu dài sẽ dễ dàng thu hút các khách hàng nước ngoài hơn thay vì các thiết kế tàu mới vốn khá đắt đỏ.

Đây là cấu hình 4 tàu tên lửa Molniya tiếp theo của HQVN: Bầy sói biển tàng hình? - Ảnh 4.

Tàu tên lửa đề án 1241.8 Molniya do Việt Nam chế tạo theo giấy phép phóng thử tên lửa chống hạm Uran-E trong đợt diễn tập vào năm 2017.

Việt Nam có nên quan tâm đến mẫu thiết kế mới này của tàu đề án 1241.8 Molniya?

Hiện tại, Việt Nam đang là quốc gia sở hữu tới 8 tàu tên lửa đề án 1241.8 Molniya - số lượng lớn nhất trên thế giới, trong đó có 2 tàu mua nguyên chiếc từ Nga và 6 tàu đóng theo giấy phép trong nước.

Quá trình đóng 6 tàu tại Việt Nam cũng đã có 1 số thay đổi trong trang bị bên trong cũng như pháo chính AK-176M được trang bị phiên bản mới hơn, tích hợp hệ thống quang truyền hình hiện đại ngay trên pháo với loạt 4 tàu từ M3 - M6. Tuy nhiên, các thay đổi này vẫn không đáng kể và thiết kế cũng như bố trí vũ khí vẫn gần tương tự như nguyên bản.

Có 1 số thông tin từ phía Nga, mà cụ thể ở đây là từ Tập đoàn Vympel và Viện thiết kế Trung ương Almaz cho biết rằng Việt Nam có thể ký hợp đồng đóng thêm 4 tàu tên lửa Molniya nâng cấp.

Như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ đến việc áp dụng thiết kế mới của tàu tên lửa đề án 1241.8 của Nga lên các tàu Molniya tiếp theo được đóng tại Việt Nam.

Đây là cấu hình 4 tàu tên lửa Molniya tiếp theo của HQVN: Bầy sói biển tàng hình? - Ảnh 5.

Tàu tên lửa đề án 1241.8 Molniya của Việt Nam phóng tên lửa chống hạm Uran-E, có thể thấy pháo hạm AK-176M trên tàu được trang bị thiết bị quang tuyến hiện đại (nằm trong nắp chụp).

Việc áp dụng thiết kế mới này có thể đem lại 1 số ưu điểm như sau:

- Tăng khả năng tàng hình: đây có thể coi là xu thế chung trong thiết kế tàu chiến hiện đại ngày nay, các tàu lớp Molniya vốn là thiết kế từ những năm 1970 nên hoàn toàn không đáp ứng được tiêu chí này.

- Vũ khí được bố trí gọn gàng hơn: thay vì bố trí 4 cụm bệ phóng KT-184 dọc 2 bên thân tàu thì thiết kế mới giảm còn 2 bệ KT-184 đặt ngang liền với khối thượng tầng giúp giảm độ bộc lộ radar.

Tuy nhiên, tàu thiết kế mới có số lượng tên lửa mang theo ít hơn, chỉ có 8 quả, trong khi các tàu tên lửa đề án 1241.8 Molniya hiện nay mang được đến 16 tên lửa chống hạm Kh-35. Đổi lại, việc sở hữu các ưu điểm như trên là đáng giá.

Nếu như hợp đồng đóng thêm 4 tàu tên lửa Molniya mới tại Việt Nam được thông qua thì rõ ràng thiết kế này rất đáng để xem xét, áp dụng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại