Bệnh nhi tên là N.Đ.L. Theo lời kể của bé, khi đang chơi nhà phao bé bị đầu của một bạn đập vào mắt bên trái. Ngay sau tai nạn, bệnh nhi được người nhà đưa đi cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ ghi nhận mắt bên trái em L. bị sưng bầm mí mắt nặng, kèm theo hình ảnh nhiễu loạn, nhìn 1 hình thành 2 hình, gãy nhiều xương ổ mắt và nghiêm trọng hơn là tình trạng “lé mắt” do kẹt cơ mắt vào đoạn xương gãy.
Với lâm sàng điển hình của một tình trạng lé mắt sau chấn thương đụng dập, em L. được bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng 1 chỉ định chụp CT scan sọ não và MRI để có thể đưa ra chẩn đoán chính xác và kế hoạch phẫu thuật thích hợp.
Nghiêm trọng chẩn đoán ban đầu, kết quả CT và MRI cho thấy bé bị “Gãy thành dưới hốc mắt bên trái, theo dõi kẹt cơ trực dưới mắt trái qua vị trí gãy” kèm theo “phù nề dây thần kinh thị, cơ trực trong, cơ trực ngoài mắt trái. Cơ trực dưới mắt trái biến dạng phù nề khả năng chui qua vị trí gãy, bị kẹt và bị kéo căng”.
Vị trí cơ trực kẹt vào đoạn xương gãy được ghi nhận trong quá trình mổ.
Sau chẩn đoán, các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng 1 nhận định tình trạng nặng của bệnh nhi cần can thiệp phẫu thuật. Kế hoạch phẫu thuật cần có sự phối hợp của nhiều chuyên khoa Mắt, Răng Hàm Mặt, Tai Mũi Họng,... Bác sĩ Trần Châu Thái - Trưởng đơn vị Mắt Bệnh viện Nhi đồng 1 đã hội chẩn với tập thể, bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu - Trưởng khoa Răng Hàm Mặt và bác sĩ Tai Mũi Họng. Các bác sĩ đã cùng đưa ra nhận định và lên kế hoạch mổ chi tiết. Cuộc phẫu thuật kéo dài 1 giờ và đã thành công . Sau mổ, cơ vận động của mắt bên trái đã được phục hồi lại nguyên trạng, kèm theo một số kỹ thuật chuyên dụng nhằm tránh tình trạng kẹt cơ tái phát sau mổ.
Sau mổ 4 ngày, tình trạng lé mắt của bệnh nhi đã được cải thiện ngoạn mục, với việc em L. không còn nhìn 1 hình thành 2 hình cũng như vận động mắt phục hồi bình thường.
Phẫu thuật nhiều chuyên khoa nhằm phục hồi tình trạng lé mắt của bệnh nhi.
Theo BS Thái, bệnh nhi may mắn vì kịp thời can thiệp cứu được cơ vận động mắt, và cũng nhờ có sự phối hợp nhiều chuyên khoa của Bệnh viện Nhi đồng 1 khiến cho cuộc phẫu thuật đạt được thành công hơn mong đợi.
Qua đây, BS.Thái cũng lưu ý đến các bậc phụ huynh khi lựa chọn các địa điểm vui chơi nên cân nhắc đến tính an toàn, nhắc nhở con cái tránh những vận động hay loại hình trò chơi mạnh, dễ dẫn đến tai nạn và chấn thương.
Trong trường hợp nếu có xảy ra chấn thương mắt, “Việc quan trọng hàng đầu là cần đưa các em đến ngay trung tâm y tế, tốt nhất là có phòng khám hoặc khoa Mắt để có thể đánh giá thị lực cũng như các chấn thương đi kèm, nhằm điều trị tốt nhất cho các em”.
Ở nước ta, chấn thương mắt là nguyên nhân đứng thứ hai gây mù loà. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra chấn thương mắt trong sinh hoạt hằng ngày như vấp ngã, bị văng hóa chất vào mắt, bỏng do nhiệt hay tai nạn xảy ra trong lúc tập thể dục và hay xảy ra ở đối tượng trẻ em. Phần lớn các trẻ bị chấn thương mắt ở nông thôn do cha mẹ bận rộn, không để ý đến con cái.
Trẻ thường có những trò chơi tự phát, có thể không nguy hiểm nhưng chỉ sơ sảy một chút là làm tổn thương mắt. Các chấn thương ở mắt thường để lại di chứng giảm thị lực. Ở trẻ em, cấu trúc nhãn cầu chưa phát triển ổn định, phản ứng viêm mạnh, có thể ảnh hưởng mắt. Nếu trẻ được đưa đến bệnh viện sớm và sơ cứu đúng cách, nguy cơ tổn thương mắt sẽ được hạn chế.
Chấn thương mắt rất đa dạng, có thể ảnh hưởng đến mắt, mô mềm và cấu trúc xương vùng lân cận. Có thể tạm chia chấn thương mắt do tai nạn sinh hoạt thành 3 dạng: chấn thương đụng dập, chấn thương xuyên thủng và bỏng mắt.