Đó là những vấn đề mà bài viết của National Interest đặt ra. Theo bài báo, năm 2016, Moscow và Bắc Kinh đã ký một thỏa thuận hợp tác phát triển các máy bay trực thăng dân sự tiên tiến cho thị trường Trung Quốc.
Công ty Trực thăng Nga (Russian Helicopters), thành viên của Tập đoàn Rostec, đã tham gia hỗ trợ các đối tác Trung Quốc trong việc phát triển máy bay trực thăng.
Trung Quốc đã trở thành nhà khai thác máy bay trực thăng Nga lớn nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và điều này có được sau nhiều năm hợp tác giữa các công ty ở hai quốc gia.
Công ty Trực thăng Nga (Russian Helicopters) đã cung cấp cho Công ty TNHH Dịch vụ Hàng không Tổng hợp Trung Quốc dòng trực thăng Mil Mi-171 đa năng đi kèm một bộ động lực phụ SAFIR, được thiết kế để cung cấp không khí cho bộ khởi động động cơ hoặc hệ thống kiểm soát môi trường, cho phép vận chuyển hàng hóa cồng kềnh lên đến 4 tấn.
Mi-17S được giới thiệu trên thị trường thế giới vào năm 2002 và đã được xuất khẩu rộng rãi thông qua nhà xuất khẩu đặc biệt thuộc sở hữu nhà nước Nga là Công ty Rosobornexport cho các khách hàng ở Trung Đông, Đông Nam Á, Châu Phi và Đông Âu.
Ban đầu được thiết kế như một phương tiện vận tải, Mi-171Sh có thể được triển khai trong một loạt các nhiệm vụ bao gồm vận chuyển đường không cho các lực lượng tấn công, vận chuyển hàng hóa, hỗ trợ hỏa lực cho lục quân, tấn công mặt đất, hộ tống các đội quân, sơ tán y tế và và các hoạt động cứu hộ cứu nạn (CSAR).
Loại máy bay trực thăng này, được thiết kế và phát triển để hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết dù ngày hay đêm, có cánh quạt chính năm cánh, cánh quạt đuôi và bánh đáp ba bánh không thể thu vào.
Buồng lái bằng kính có thể chứa ba thành viên phi hành đoàn trong khi cabin chính có thể chứa tối đa 36 binh sĩ hoặc 12 thương binh trên cáng.
Tuần này Defense-Blog đưa tin rằng Trung Quốc hiện đã đặt hàng với công ty Rostec để phía Nga cung cấp thêm 121 máy bay.
Theo báo cáo thường niên của Tập đoàn Rostec, chính phủ Trung Quốc và các doanh nghiệp tư nhân đặt hàng 68 máy bay Mi-171, bao gồm cả phiên bản nâng cấp Mi-171E; 18 trực thăng vận tải quân sự Mi-171Sh; 14 trực thăng Mi-171 với động cơ VK-2500. 21 trực thăng Ansat cũng là một phần của thỏa thuận.
Phần lớn đơn đặt hàng là dành cho Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc (PLA), nhưng không rõ số trực thăng này sẽ được sử dụng như thế nào, nhưng có thể giống với các vai trò của chúng trong quân đội Nga. PLA có thể sẽ sử dụng chúng cùng với trực thăng vận tải Z-8L do Trung Quốc chế tạo.
Vào tháng 8, quân đội Nga thông báo rằng họ đang nâng cấp loại Mi-171Sh Storm, sẽ được trang bị tên lửa dẫn đường.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, các phương tiện truyền thông đưa tin rằng mẫu trực thăng mới sẽ không được đưa vào sản xuất trong vòng hai năm tới.
Mi-171Sh là phiên bản cập nhật mới nhất của Mi-17, được đưa vào phục vụ trong Hồng quân Liên Xô vào những năm 1970 và được sử dụng như một phiên bản máy bay vũ trang - tương đương với Bell UH-1 Iroquois (Huey) của Mỹ.
Phiên bản trực thăng Storm được cho là có tính năng bảo vệ nâng cao và khả năng tấn công được cải thiện, đã được trưng bày tại hội chợ quân sự thuộc Diễn đàn quân sự quốc tế Army-2020 ở ngoại ô Moscow.