Đã nhiễm biến thể cũ của Omicron có thể mắc lại chủng mới BA.4, BA.5?

N.Dung |

Khả năng miễn dịch của vắc-xin hay sau khi mắc Covid-19 sẽ giảm sau 4 đến 6 tháng, trong khi người đã nhiễm biến thể phụ BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM vừa thông tin về 3 trường hợp mắc Covid-19 nhiễm biến thể phụ của Omicron là BA.4 và BA.5 ghi nhận trên địa bàn. Trước đó, chiều 1-7, đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết kết quả giải trình tự gene của Bệnh viện Bạch Mai ghi nhận có 3 người tại Hà Nội nhiễm biến thể phụ BA.5.

Theo Thứ trưởng phụ trách Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, trên thế giới, biến thể phụ BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều quốc gia và đã xuất hiện tại Việt Nam. "Biến thể phụ này có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể phụ BA.2 (biến thể phụ phổ biến tại Việt Nam hiện nay). Do đó, thời gian tới, các ca nhiễm biến thể phụ BA.5 có thể ghi nhận nhiều hơn trong cộng đồng, làm tăng số ca mắc"- ông Tuyên nhận định.

Đã nhiễm biến thể cũ của Omicron có thể mắc lại chủng mới BA.4, BA.5? - Ảnh 1.

Xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân

Thông tin thêm về biến thể phụ mới đã xâm nhập Việt Nam, GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) biến thể phụ BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn biến thể BA.1, BA.2 từ 10-13%. Hai biến thể này có thể thoát miễn dịch, nghĩa là những người đã mắc BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5.

Để phòng bệnh, GS Lân cho biết bằng các biện pháp ngăn chặn cơ học hay biện pháp hành chính xã hội sẽ không tạo sự đồng thuận hoặc sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, tiêm vắc-xin tiếp tục là "lá chắn" quan trọng. Khi tiêm mũi 3, mũi 4, vắc-xin Covid-19 giúp cơ thể củng cố thêm miễn dịch và đặc biệt sẽ phòng được biến thể phụ BA.5

"Thực tế có người băn khoăn khi họ mắc biến thể phụ BA.2 thì dấu hiệu, triệu chứng rất nhẹ nhưng khi tiêm vắc-xin lại lo lắng vì bị sưng, đau, đỏ tại chỗ tiêm... Tuy nhiên, những phản ứng sau tiêm chủng ấy sẽ qua đi trong vài ngày. Nhưng ngược lại, trong tương lai dịch Covid-19 rất khó dự đoán nên chúng ta sẽ yên tâm hơn khi đã tiêm vắc-xin"- GS Lân giải thích.

Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cũng thông tin theo nghiên cứu, khả năng miễn dịch của vắc-xin hay sau khi đã mắc Covid-19 sẽ giảm dần theo thời gian, cụ thể giảm sau 4 - 6 tháng. Do vậy, việc tiêm nhắc lại vắc-xin Covid-19 định kỳ sẽ duy trì được miễn dịch. Minh chứng rõ ràng nhất là sự thay đổi từ chủng gốc cho đến chủng Anpha, Beta, Delta và Omicron thì đến nay vắc-xin vẫn rất hiệu quả.

Nguy cơ nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5 ở trẻ em

Nói về nguy cơ nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5 ở trẻ em, PGS-TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết tỉ lệ mắc của trẻ em kể từ khi bắt đầu dịch Covid-19 đến nay tương đương với tỉ lệ mắc trên người lớn, tức là khoảng 20-25% trẻ em mắc Covid-19. Các ca bệnh khó, bệnh nặng chủ yếu liên quan đến bệnh mạn tính, bệnh nền. Trong khi đó trẻ em là nhóm yếu thế bởi chưa được tiêm chủng nhiều, đặc biệt là nhóm dưới 11 tuổi. Hiện Việt Nam đang triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, nhóm dưới 5 tuổi chưa có vắc-xin Covid-19 để tiêm.

PGS Điển cho rằng nếu biến thể BA.4, BA.5 lây lan nhanh sang cộng đồng, tức là trẻ em có lây lan và có tỉ lệ mắc bệnh nặng và đặc biệt trẻ em là nguồn lây sang cho người già, người lớn khác dễ dàng hơn vì đối với trẻ em, các giải pháp liên quan đến khẩu trang, khử khuẩn kém hơn so với người lớn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại