Cuộc truy kích "vô tiền khoáng hậu", địch tháo chạy tán loạn: Hừng hực khí thế tiến về Sài Gòn

Nguyễn Bá Kiến - Cựu chiến binh sinh viên Đại học Thủy Lợi |

Tiểu đoàn hành tiến qua đèo Hải Vân, sương mù dày đặc, xe chỉ có đèn gầm, đường lạ nên bộ đội ta phải có 2 người mặc áo trắng, chạy gằn phía trước làm cọc tiêu sống.

Xe tăng, xe quân sự và nhiều phương tiện chiến tranh khác của địch vứt bừa bãi ở Huế trong lúc tháo chạy. Ảnh : Hoàng Thiểm - TTXVN.

Xe tăng, xe quân sự và nhiều phương tiện chiến tranh khác của địch vứt bừa bãi ở Huế trong lúc tháo chạy. Ảnh : Hoàng Thiểm - TTXVN.

LTS: Trong cuộc tổng tiến công nổi dậy Mùa Xuân 1975, thắng lợi của Chiến dịch tiến công Huế - Đà Nẵng có ý nghĩa chiến lược, cùng với thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên, nó đã làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh, tạo ra những điều kiện rất cơ bản, góp phần giải phóng Sài Gòn và hoàn toàn miền Nam một cách nhanh chóng.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt hồi ức của các cựu chiến binh về những ngày tháng hết sức gian khổ nhưng lại rất đỗi hào hùng ấy.

-------------

KÝ ỨC CỦA LÍNH PHÁO CAO XẠ

Kỳ 1: "Pháo tép đa năng" 37mm cực lợi hại ở Khu 4: Bảo vệ tiêm kích MiG và tên lửa SAM-2 trước hàng đàn máy bay Mỹ

Kỳ 2: Pháo cao xạ bảo vệ lãnh tụ Cuba Fidel Castro, Nguyên thủ đầu tiên và duy nhất trên TG vào thăm vùng giải phóng Quảng Trị

--------------

Kỳ 3: Từ Trị Thiên tiến về Sài Gòn

Từ Trị Thiên...

Cuối tháng 2/1975, cả đơn vị hành quân theo Đường 9 trở lại Khe Sanh để từ Đường 14 Đông Trường Sơn tới Nam Đông - Khe Tre, củng cố đội hình, cùng công binh sửa chữa đường sá... chuẩn bị cho chiến dịch sắp mở màn.

Thời kỳ này qua thực tế chiến trường đã hình thành một kỹ năng chiến đấu mới của pháo cao xạ. Đó là hạ nòng bắn thẳng vào mục tiêu công phá công sự, các loại xe cơ giới hoặc tốp bộ binh địch đang co cụm để yểm trợ bộ binh ta.

Lượng thuốc nổ trong một đầu đạn 37 ly tương đương một quả lựu đạn, khả năng sát thương rất cao. Những thùng đạn nổ, đạn lõm (để diệt xe cơ giới) đã được chuẩn bị, đánh dấu kỹ càng.

Cuộc truy kích vô tiền khoáng hậu, địch tháo chạy tán loạn: Hừng hực khí thế tiến về Sài Gòn - Ảnh 1.

Tác giả - Sinh viên Nguyễn Bá Kiến ngày nhập ngũ năm 1970

Khi đi ngang qua Khe Sanh, chúng tôi biết tin Trung đoàn tên lửa 263 cũng đã có lệnh kéo khí tài vượt Trường Sơn qua đất bạn Lào.

Tháng 3/1975, sau khi chiến dịch Tây Nguyên mở màn, Mặt trận Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng với lực lượng chủ lực là Quân đoàn 2 cũng bắt đầu nổ súng. Đội hình cánh quân hướng tây nam Huế gồm Sư đoàn bộ binh 325 và các lữ đoàn tăng, pháo mặt đất, cao xạ, công binh...

Sau khi đánh tan các cứ điểm địch ở tây Huế là Mỏ Tàu, Bạch Mã, Núi Bông... chúng tôi tiến xuống Quốc lộ 1 - đoạn cầu Truồi - chặn đường rút về Đà Nẵng của địch. Bị đòn hiểm, quân địch ở Huế tháo chạy tán loạn bằng đường thủy qua cửa Thuận An, Tư Hiền.

Trước đó, Tiểu đoàn chúng tôi đã bảo vệ cho pháo binh ta đặt trên Ao Trâu pháo kích Đà Nẵng và các tốp địch rút chạy trên Quốc lộ 1, gây thiệt hại nặng nề cho địch.

Những ngày cuối tháng 3 năm ấy, quân ta siết chặt vòng vây Đà Nẵng, quân địch tại đây và số tàn quân từ Quảng Trị, Huế tranh nhau xuống tàu theo đường biển chạy về Sài Gòn. Trong chiến dịch này pháo cao xạ chúng tôi hầu như không gặp sức kháng cự đường không của địch.

Đêm 28/3 Tiểu đoàn hành tiến qua đèo Hải Vân, sương mù dày đặc, xe chỉ có đèn gầm, đường lạ nên bộ đội ta phải có 2 người mặc áo trắng, chạy gằn phía trước làm cọc tiêu sống. Qua cầu Liên Chiểu chỉ gặp tàn binh ném vài quả lựu đạn nhưng không gây thương vong.

Cuộc truy kích vô tiền khoáng hậu, địch tháo chạy tán loạn: Hừng hực khí thế tiến về Sài Gòn - Ảnh 2.

Bộ đội Giải phóng giữa hàng trăm xe tăng, thiết giáp bị lính địch bỏ lại ở cửa biển Thuận An. Ảnh tư liệu

Sáng sớm ngày 29/3, Đà Nẵng không còn bóng địch. Chúng tôi cùng bộ binh vào chiếm giữ sân bay Nước Mặn. Lần đầu tiên trận địa ở ngay sát bờ biển, trong đại đội tôi hầu hết quê ở miền núi hoặc các tỉnh trung du nên nhiều anh lần đầu thấy biển.

Nhưng có lẽ chẳng ai có cảm giác say sưa thích thú vì xác người khắp bãi biển, chình trương dưới nắng, bốc mùi tử khí sặc sụa…

... tiến về Sài Gòn

Sau một tuần nghỉ ngơi chuẩn bị, sáng ngày 6/4, trải dài hàng cây số trên đường tiến về phía nam là đội hình quân binh chủng hợp thành hùng dũng hành tiến. Chúng tôi được cấp trên thông báo một dải các tỉnh miền trung từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa đã được giải phóng.

Khi dừng nghỉ ở Tam Kỳ, Chính trị viên Tiểu đoàn đi từng xe thông báo điện của Đại tướng Tổng Tư lệnh ra lệnh cho các đơn vị thần tốc tiến về Sài Gòn.

Cũng như bao chiến sĩ khác, cuốn theo nhịp hối hả của cuộc chiến, chúng tôi hầu như không quan tâm đến những sinh hoạt đời thường. Không còn khái niệm đêm ngày, ăn ngủ, tắm rửa...

Khi ở ngoài Bắc, lính cao xạ đi đâu cũng đem theo phản gỗ làm giường. Vào chiến trường có thêm cái võng.

Còn bây giờ, người nào cũng chỉ có ba lô và chúng tôi có thể ngủ nghỉ ở bất cứ chỗ nào: trên thùng đạn, trên sàn xe, trong bụi cây hay trong bất cứ chỗ nào có đủ một chỗ nằm ở bên ven đường...

Giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy khâm phục những anh nuôi trên đường hành quân. Thương anh em, họ cố gắng hết mình để có được cơm nắm, nước sôi cho chiến sĩ. Lương khô thì chúng tôi luôn có sẵn nhưng nắm cơm trắng vẫn là "nhất hạng".

Tôi sinh vào ngày 12/4 nhưng cho đến giờ vẫn không thể nhớ nổi ngày đó của năm 1975 tôi ở chỗ nào trên trên đường từ Đà Nẵng đến Phan Rang. Khi đơn vị tiến gần đến sân bay Thành Sơn - Phan Rang, chúng tôi thấy địch đang tháo chạy.

Cuộc truy kích vô tiền khoáng hậu, địch tháo chạy tán loạn: Hừng hực khí thế tiến về Sài Gòn - Ảnh 4.

Xe tăng và pháo của quân giải phóng truy kích quân địch tại cửa ngõ vào sân Phan Rang.

Trực thăng bay lượn lên xuống như bầy nhặng nhưng tiếc là chúng đều ngoài tầm bắn của chúng tôi.

Khi bộ binh ta đã đập tan phòng tuyến Phan Rang của địch, Tiểu đoàn pháo cao xạ chúng tôi dừng bên đường gần căn cứ Du Long của địch chờ lệnh. Những tốp tàn binh quân đội Sài Gòn trút bỏ quân phục, mặc quần áo thường dân, thất thểu đi trên những lối mòn ven đường chính để tránh quân ta đi trên đường lớn.

Đấy là số lính còn sống sót đang trên đường tìm cách trở về nhà. Đói khát, mệt mỏi hằn rõ trên từng gương mặt. Họ không giấu mình là lính Sài Gòn khi được hỏi chắc vì biết là có muốn nói dối cũng không được.

Hai ngày sau khi Phan Rang thất thủ, địch tiếp tục rút chạy khỏi Phan Thiết sau khi không chống đỡ nổi sức tiến công của quân ta. Khi chúng tôi tiến qua cầu Phú Long, xe cộ, khí cụ ngổn ngang, xác chiếc tăng M41 còn cháy đen bên đường.

Qua Phan Thiết khoảng bốn chục cây số, đơn vị đặt trận địa ở khu lò gạch gần Ngã ba Ông Đồn, sát với phòng tuyến của địch lúc đó. Một tốp máy bay F-5E của địch bay trên cao, lượn lờ dò xét. Ta và địch vẫn đang giao chiến ác liệt ở Xuân Lộc và chúng tôi vẫn đang ở phía cuối đội hình tác chiến, thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ.

Cuộc truy kích vô tiền khoáng hậu, địch tháo chạy tán loạn: Hừng hực khí thế tiến về Sài Gòn - Ảnh 6.

Pháo cao xạ hành quân tiến về Sài Gòn

Sáng 21/4, Xuân Lộc - Long Khánh đã hoàn toàn được ta kiểm soát, địch rút theo đường 1 về Sài Gòn và theo tỉnh lộ 2 về Bà Rịa. Ngày 23/4, Tiểu đoàn 6 chúng tôi từ ngã ba Long Khánh - Bà Rịa hành quân tới khu rừng cao su Phú Mỹ ven tỉnh lộ 2 đặt trận địa.

Không đào công sự, chỉ hạ kích lấy thăng bằng, pháo vẫn được ngụy trang và chúng tôi mắc võng ngủ dưới tán rừng cao su.

Tương quan lực lượng khi ấy thì ta áp đảo quân đội Sài Gòn không chỉ ở bộ binh, xe tăng, pháo mặt đất... mà lực lượng phòng không của chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ tình hình, áp chế không quân địch để yểm trợ bảo vệ bộ binh, xe tăng, pháo binh tấn công Sài Gòn.

Không kể các đơn vị phòng không 14ly5, 12ly7, tên lửa vác vai... của các sư đoàn bộ binh, các trung đoàn bộ đội địa phương mà chỉ riêng Sư đoàn 673 chúng tôi đã có 5 trung đoàn pháo cao xạ 37ly và 57 ly đủ để chế áp hữu hiệu lực lượng không quân địch.

Đặc biệt còn có 2 trung đoàn tên lửa SAM-2 của ta đang trên đường tới miền Đông Nam Bộ sẵn sàng tham chiến nếu chiến dịch kéo dài.

Như vậy trong gần hai tháng trên chiến trường, từ Quảng Trị, chúng tôi đã vượt hơn một ngàn cây số tới đây - vùng đất cận kề Sài Gòn - Chợ Lớn. Tuy chưa giao chiến thực sự với không quân địch trận nào nhưng trên đường hành quân, trong đội hình một binh đoàn chủ lực cũng là dịp để chúng tôi lớn mạnh, trưởng thành hơn.

Thời gian ngưng nghỉ mấy ngày ấy để quân ta bước vào trận chiến cuối cùng với tên gọi "Chiến dịch Hồ Chí Minh". Chúng tôi ai cũng phấn chấn và hiểu được rằng ngày toàn thắng đã tới rất gần. Đúng là những ngày hừng hực khí thế "Tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù. Tiến về Sài Gòn giải phóng thành đô"!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại