May mắn thay, cơ duyên đưa Thuỳ Trang gặp gỡ dì Hai - người không máu mủ ruột rà nhưng đã sẵn sàng nuôi nấng và chăm lo trong từng cử động của cô gái trẻ. Mẹ ruột của Trang cho biết: “Lúc sinh Trang, tôi bị băng huyết nên phải nằm trong phòng hồi sức cả tuần lễ. Trang lúc đó rất yếu nên mới gửi cho người dì Hai chăm trong thời gian mẹ bệnh. Lo xong việc, tới rước Trang về thì bé khóc không chịu về, thế là ở với dì Hai luôn”. Cuộc sống đủ đầy yêu thương, hai dì cháu là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho nhau, vượt qua những giông bão của cuộc đời.
Khoảng 5 - 6 tuổi, ở độ tuổi vốn dĩ vô lo vô nghĩ, Thuỳ Trang đã bắt đầu nhận thức về những điều không bình thường của cơ thể. Cảm giác mặc cảm, tự ti từ đó luôn quấn lấy Trang, khi cô nhận thấy cơ thể quá mong manh và phải chạnh lòng nhìn bạn bè đồng trang lứa vui vẻ đến trường. Cơ thể đã đau đớn, nhưng tinh thần Trang càng đau hơn khi phải nghe những lời xì xào bàn tán: “Nhìn tật nguyền đáng sợ vậy sao ba mẹ không bỏ đi mà còn nuôi làm gì”.
Mắc căn bệnh quái ác, việc Trang thường xuyên bị tổn thương dường như không còn quá xa lạ. Nhưng điều bất ngờ vẫn là nghị lực phi thường của cô từ bé: “Những lần như vậy, bé nằm im ru trên nệm êm rồi chịu đựng chứ không hề khóc la gì”.
Nhắc lại tai nạn kinh hoàng nhất đối với dì Hai khi luôn bên cạnh chăm sóc Trang, người phụ nữ U70 xúc động: “Cách đây 3 năm, trong một chuyến từ thiện ở Trà Vinh, Trang ngã xuống và gãy lìa xương. Lúc đó, không có gì để băng bó, hai dì cháu để vậy ôm nhau về 200km, vậy mà vẫn vượt qua được”.
Mẹ Trang cũng rưng rưng tiếp lời: “Ước gì con khoẻ mạnh thì đổi gì cô cũng đổi. Mấy lần ngủ mơ thấy con đi được, cô thấy dắt nó đi mua giày, mua áo đầm. Cô mừng khủng khiếp, vậy mà mở mắt hoá ra mình nằm mơ”. Giấc mơ tưởng chừng như vô cùng giản đơn nhưng sao lại quá đỗi khó khăn với người mẹ này.
Thuỳ Trang cho biết từng nhiều lần nghĩ đến vô số điều tiêu cực, mà khủng khiếp nhất là “bây giờ mình mà chết đi chắc cũng không có gì tiếc đâu”. Nhưng rồi, giữa dòng suy nghĩ hỗn độn đó, Trang lại nghĩ về nguồn động lực của cuộc đời - là người thân và tình yêu thương xung quanh. Như xương rồng giữa sa mạc đầy khắc nghiệt, Thuỳ Trang lại mạnh mẽ vực dậy và tiếp tục hành trình.
Khi được hỏi về một niềm mong ước, Thuỳ Trang cho biết: “Em có một nhóm bạn đều bị xương thủy tinh, các bạn đều không có công việc ổn định và tụi em truyền năng lượng tích cực cho nhau, dạy nghề, tâm sự,... tụi em cảm thấy cuộc sống vui vẻ hơn”. Trải qua bao đau đớn, Thùy Trang đồng cảm sâu sắc với những nỗi đau và khó khăn của những người đồng cảnh ngộ, cô cũng hiểu tình thương của xã hội là quan trọng nhường nào. Do đó, Thùy Trang muốn giúp đỡ, lan tỏa tình thương đó đến những hoàn cảnh khó khăn để giúp họ tự tin và cố gắng vì cuộc sống của chính mình.
Hiện tại Thuỳ Trang đang sở hữu tiệm chuyên hàng thủ công tên “Vườn của Mộc”. Cô học cách làm hoa trên mạng xã hội và bắt đầu kinh doanh khoảng 3 năm trở lại đây. Công việc này không chỉ giúp Trang có thêm thu nhập, mà còn là đam mê, niềm tin của cô gái có nghị lực sống phi thường. Đó cũng là thông điệp mà Trang muốn gửi gắm đến những người đồng cảnh ngộ: dẫu cho số phận bất công nhưng họ vẫn luôn mạnh mẽ nỗ lực để vượt qua mọi nghịch cảnh./.