Rối loạn tâm thần ở dân văn phòng, ảnh minh hoạ.
Áp lực công việc, không cân bằng được các yếu tố trong cuộc sống, mối quan hệ, gia đình, sức khỏe… là những yếu tố có thể khiến dân văn phòng dễ mắc các bệnh về rồi loạn tâm thần.
Cô nhân viên trẻ bị kiệt sức do không biết "từ chối"
Trường hợp bệnh nhân N.T (25 tuổi) tới khoa Sức khỏe tâm thần bệnh viện E khám trong tình trạng mệt mỏi, mất ngủ, đi làm thiếu tập trung và hay có những cơn rùng mình sợ hãi. Khi khai thác tiền sử, các bác sĩ phát hiện nguyên nhân dẫn tới tình trạng của bệnh nhân là do nhận quá nhiều việc, sếp giao gì cũng nhận và không muốn mất lòng ai.
Bệnh nhân T coi công việc là tất cả, ai giao việc gì cũng làm. Do vậy chỉ sau 2 năm ra trường, bệnh nhân được đánh giá rất cao trong công việc. Dần dần bệnh nhân gặp những vấn đề stress, tâm lý, cơ thể yếu đi rất nhiều và không hoàn thành tốt công việc như trước.
Theo Ths.BSNT Nguyễn Viết Chung, Khoa Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện E), bệnh nhân bị rối loạn lo âu, trầm cảm, có triệu chứng cơ thể mất ngủ, vã mồ hôi và nhổ tóc một cách vô thức, dẫn tới mất cả một mảng tóc. Lúc này, bệnh nhân cảm thấy không ổn mới bắt đầu đi khám.
"Bệnh nhân bật khóc trước mặt bác sĩ khi hỏi về công việc. Nữ bệnh nhân cho rằng đã cố gắng hết sức trong công việc nhưng không nhận được sự đền đáp", bác sĩ Chung nói.
Trường hợp rối loạn trầm cảm này khá điển hình và dễ gặp ở dân văn phòng khi không cân bằng được công việc của chính mình. Dù bệnh nhân T chưa có ý định tự sát nhưng nếu không được can thiệp kịp thời thì hậu quả sẽ rất khôn lường.
Không cân bằng được công việc, bệnh nhân rơi vào rối loạn tâm thần, ảnh minh hoạ.
Bất cứ ai cũng có thể bị rối loạn tâm thần
Bác sĩ Chung cho biết ai cũng có thể mắc những rối loạn tâm lý, rối loạn tâm thần mức độ nặng nhẹ khác nhau, không riêng gì nhóm làm việc tại văn phòng.
Riêng đối với nhóm dân văn phòng thì dễ bị mắc phải những rối loạn tâm thần hơn do đặc điểm áp lực công việc lớn, stress kéo dài dẫn tới bản thân bị mắc các rối loạn tâm thần mà không nhận ra.
Theo bác sĩ Chung, để nhận ra một người có đang bị rối loạn tâm thần thì không khó, những cái khó ở đây là làm sao giúp cho bệnh nhân chấp nhận có bệnh và điều trị.
Nếu có các bệnh cơ thể đau, ốm, sốt mọi người sẽ tới viện khám ngay. Đối với những rối loạn tâm thần thì chỉ khi có hậu quả mọi người mới tìm đến bác sĩ. Như vậy, việc nhận diện ra các rối loạn tâm thần, can thiệp sớm là rất quan trọng, giúp người bệnh nhanh trở lại cuộc sống bình thường.
Bác sĩ Chung cho hay, dấu hiệu nhận biết rối loạn tâm thần là xem môi trường công việc, vấn đề gia đình, các mối quan hệ, sức khỏe có đang gặp vấn đề gì hay không.
Về môi trường làm việc: Đôi khi người có rối loạn tâm thần không có nghĩa là sẽ có những phản ứng gay gắt trong cộng việc. Bệnh nhân chỉ cảm thấy căng thẳng, mất tập trung, cảm thấy thiếu động lực sáng tạo, chậm trễ trong công việc.
Về môi trường trong gia đình: Người có rối loạn tâm thần sẽ không duy trì được mối quan hệ, xa rời với vợ hoặc chồng, con. Đối với người chưa lập gia đình cần xem lại mối quan hệ với các thành viên trong gia đình.
Về các mối quan hệ khác: Ví dụ đối với dân văn phòng chưa có gia đình sẽ có cá mối quan hệ lãng mạn. Nhưng mối quan hệ đó sẽ không phát triển được do vấn đề về stress, căng thẳng, có những cơn phản ứng cảm xúc.
Hoặc người bệnh không thể phát triển được mối quan hệ, ngày càng thu hẹp dần, ít tham gia hoạt động xã hội, bạn bè.
Về vấn đề sức khoẻ: Đây là dấu hiệu giúp người bệnh dễ nhận ra nhất. Người bệnh sẽ có những dấu hiệu mất ngủ, cảm giác mệt mỏi, hồi hộp, đánh trống ngực, cảm giác nặng ngực, rối loại tiêu hoá, rối loại chức năng tình dục, khó thở…; dễ có phản ứng tiêu cực trong cuộc sống: dùng chất gây nghiện, gây ảo giác, uống rượu bia để giải tỏa hoặc làm tổn thương bản thân (cắn tay, nhổ tóc, rạch tay…).
"Thường các dấu hiệu rối loạn tâm thần này sẽ do người thân bên cạnh nhận ra. Ít trường hợp có thể tự nhận ra được các vấn đề rối loạn tâm thần để đi khám", bác sĩ Chung nói.
Để phòng ngừa rối loạn tâm thần, theo chuyên gia cần phải cân bằng các yếu tố trong cuộc sống, công việc, quan hệ bạn bè, sức khoẻ; không nên sống chỉ nghiêng về một thái cực.
Bác sĩ Chung lưu ý mỗi người nên có thời khóa biểu cho chính bản thân mình. Cân bằng mọi thứ trong cuộc sống không phải dễ, do vậy mỗi cá nhân sẽ phải tự học cách.
Trong công việc, cuộc sống, gia đình mỗi người cần nhận biết để tìm ra sự cân bằng và luôn phải giữ cho mình sự cởi mở, nên đi khám sức khỏe tâm thần định kỳ 6 tháng - một năm/lần.