Những manh mối bất ngờ
Việc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận lô hàng hệ thống phòng không chiến lược S-400 đầu tiên từ Nga vào tháng trước đã cung cấp manh mối về lý do tại sao Ankara thực hiện giao dịch gây tranh cãi này và điều gì khiến quốc gia NATO quyết tâm với mục tiêu của mình.
Theo Al-Monitor, các manh mối có có thể được liệt kê như sau:
Đầu tiên, ngày giao hàng bắt đầu vào 12/7, chỉ ba ngày trước dấu mốc 3 năm cuộc đảo chính thất bại (15/7/2016), được Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc dẫn dắt bởi giáo sĩ Fethullah Gulen đang sống lưu vong tại Mỹ.
Đây không phải là một sự trùng hợp. Bởi lịch giao hàng ấn định vào tháng 7/2019 được thực hiện theo yêu cầu của Ankara, một quyết định được công bố từ tận tháng 4/2018.
Với việc các quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ vận hành tên lửa S-400 vẫn đang được huấn luyện ở Nga và hệ thống sẽ chỉ hoạt động vào tháng 4/2020, gần như không có lý do gì cần thiết để hai nước phải vội vàng chuyển giao hệ thống bằng đường hàng không.
Về cơ bản, các chuyên gia cho rằng, tên lửa phòng không S-400 vận chuyển bằng đường biển sẽ là giải pháp nhanh, an toàn và tiết kiệm nhất. Vì vậy, sự xuất hiện của máy bay Nga mang các thành phần S-400 vào đêm trước ngày đánh dấu 3 năm đảo chính là một dấu hiệu cho thấy ý đồ của Thổ Nhĩ Kỳ.
Một dấu hiệu quan trọng khác là việc Thổ Nhĩ Kỳ phát sóng trực tiếp cảnh các máy bay Nga hạ cánh xuống căn cứ không quân Murted bên ngoài Ankara. Chỉ có một số ít quốc gia phát sóng trực tiếp việc nhập khẩu vũ khí trên các kênh truyền hình và truyền thông như vậy.
Cảnh tượng hiếm hoi này nhằm đảm bảo rằng thế giới có thể chứng kiến thời khắc quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ, tượng trưng cho sự thay đổi trong vị thế và liên minh địa chính trị của Ankara.
Ngoài ra, dấu hiệu quan trọng nhất là sự lựa chọn căn cứ không quân Murted làm nơi hạ cánh cho các máy bay Nga mang theo các phần của hệ thống được thiết kế để bắn hạ máy bay chiến đấu của NATO.
Đó là gợi ý cuối cùng giải mã tính biểu tượng về mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ trong thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai.
Cần phải nhớ rằng, Murted đã từng là trụ sở của nỗ lực lật đổ Chính phủ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan năm 2016. Các máy bay F-16 khi đó tấn công tòa nhà quốc hội và các nơi khác đã cất cánh từ căn cứ này, vốn có tên gọi ban đầu là Akinci.
Thổ Nhĩ Kỳ thường có truyền thống đổi tên những nơi đã xảy ra sự kiện xấu. Trong trường hợp này cũng như vậy. Hai tháng sau nỗ lực đảo chính, cái tên Akinci đã biến mất, thay vào đó là Murted, tên gọi đã từng được sử dụng cho đến năm 1995.
Việc để các máy bay Nga mang theo S-400 hạ cánh tại cùng một căn cứ mà từ đó các phi công từng thực hiện đảo chính 3 năm trước là một biểu hiện cho mối quan hệ khủng hoảng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.
Mỹ vẫn là nguyên nhân sâu xa
Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại kịch bản đảo chính có thể xảy ra một lần nữa.
S-400 có thể là hệ thống phòng không hiệu quả nhất thế giới về mặt lý thuyết nhưng điều này không giải thích được tại sao Thổ Nhĩ Kỳ nên mạo hiểm trả giá đắt như vậy để có được vũ khí của Nga.
Nhiều quan điểm cho rằng, S-400 sẽ là vũ khí để bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi mối đe dọa trong nước, cụ thể hơn là lực lượng không quân. Theo đó, chính quyền Erdogan lo ngại sẽ lại có thêm một nỗ lực đảo chính nữa và những thành phần binh sĩ này sẽ sử dụng F-16 để tấn công.
Tuy nhiên, mua một hệ thống vũ khí tân tiến chỉ để phòng bị trước mối đe dọa mơ hồ trong nước có thể không phải là một lý do hợp lý.
Nhưng nếu mối đe dọa xuất phát từ bên ngoài đất nước – giống như những gì Ankara thể hiện nhiều lần trong tất cả các hành động và thông điệp của mình kể từ khi đảo chính - thì tất cả cái giá phải trả ở trên của Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu có ý nghĩa.
Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau cuộc đảo chính, Tổng thống Erdogan đã tới St. Petersburg, cùng với một phái đoàn lớn và hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Các cuộc đàm phán về thỏa thuận S-400 đã bắt đầu sau chuyến thăm đó, dẫn đến việc ký hợp đồng vào tháng 4/2018.
Mức độ thiệt hại mà cuộc đảo chính gây ra cho mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ và việc Washington đã bị mất ảnh hưởng đối với Ankara như thế nào có thể được minh họa bằng một ví dụ sau đây.
Trong những năm trước khi đảo chính diễn ra, áp lực của Mỹ từng khiến Thổ Nhĩ Kỳ hủy bỏ thỏa thuận hệ thống phòng không 3,4 tỷ USD với Trung Quốc.
Tuy nhiên, sau nỗ lực đảo chính, Mỹ đã không thể ép buộc Nhĩ Kỳ từ bỏ thỏa thuận với Nga . Đó là vì Mỹ chính là mối đe dọa mà Ankara nhận thấy và khiến họ phải đi tìm vũ khí từ Nga, tờ Al-Monitor nhận định.
Với cái giá quá đắt mà Thổ Nhĩ Kỳ phải trả khi mua S-400 và mức độ ảnh hưởng của động thái này đối với địa chính trị khu vực, lựa chọn lịch sử của Ankara không có lý do gì để giải thích hợp lý hơn ngoài việc họ cảm thấy phải bảo vệ mình trước Mỹ.
Cụ thể hơn, Chính phủ của Tổng thống Erdogan thấy chính Mỹ đứng sau nỗ lực đảo chính.
Về phần mình, Mỹ không màng đến lời cáo buộc của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng cũng không thực hiện bất kỳ nỗ lực có ý nghĩa nào để chấm dứt những lý lẽ công kích. Điều này càng khiến Ankara cảm thấy nghi ngờ của mình là đúng đắn.
Có thể nói rằng, việc mua S-400 là bước đi của Tổng thống Erdogan để có được sự bảo đảm an ninh và sự trấn an từ Nga trước mối đe dọa mà họ nhận thấy từ chính đồng minh lâu đời – Mỹ.