Cụ ông Henry Tseng, 111 tuổi là một doanh nhân đã nghỉ hưu, sinh ra ở Nhật Bản và sống tại Los Angeles (Mỹ) từ năm 1975. Tseng luôn chọn đồ ăn nhanh mỗi khi ra ngoài ăn trưa. Ông không kén ăn, đặc biệt thích mì spaghetti, bánh mì kẹp thịt,... Dù vậy, sức khỏe của người đàn ông này vẫn đáng ngưỡng mộ khi vẫn tập gym cùng nhiều bộ môn khác mỗi ngày. Bí quyết nằm ở những thói quen tốt trong chế độ sinh hoạt của cụ ông thọ hơn 100 tuổi:
Vận động chăm chỉ mỗi ngày
Ông Tseng tập thể dục trong phần lớn cuộc đời mình, đa dạng bộ môn từ bơi lội, yoga cho tới các môn thể thao ngoài trời. Người đàn ông này vẫn thực hiện được tư thế yoga trồng chuối ở tuổi 80 và tập thể dục nhịp điệu, khiêu vũ khi đã bước sang độ tuổi 90 đều đặn vào 6h30 sáng.
Huấn luyện viên tại phòng gym cho biết Henry Tseng là nguồn cảm hứng cho các học viên khi cụ ông đều đặn tham gia các lớp tập thể dục cho người cao tuổi 3 buổi/tuần, đạp xe 30 phút trên máy tập mỗi ngày.
Nhờ vậy Tseng không cảm thấy mình già đi và thậm chí không đếm tuổi của bản thân.“Càng lớn tuổi, bạn càng cần thể dục nhiều hơn”, Tseng nói. Kể cả khi không tập thể dục, cụ ông này vẫn thích di chuyển và thực hiện các tư thế yoga đơn giản.
Khi vợ Henry Tseng còn sống, họ thuê cả một bậc thầy yoga về nhà để 2 vợ chồng cùng tập luyện. Vợ Tseng qua đời khi vừa tròn 100 tuổi vào năm 2013. Theo con gái Tseng, cha mẹ cô luôn sống rất lành mạnh, tránh xa rượu và không hút thuốc.
Cụ ông 111 tuổi còn thích tận hưởng ánh nắng mặt trời trong công viên khoảng 1-2 tiếng sau khi tập luyện. “Tôi thích không khí trong lành, nhiều cây cối, bầu trời xanh rộng mở và không quá nhiều người”, Henry Tseng nói.
Ăn uống có nguyên tắc
Ông Henry Tseng ăn uống theo nguyên tắc “sáng ăn như vua, trưa ăn như hoàng tử, tối ăn như người hành khất” - một thói quen ăn uống rất quen thuộc của nhiều người Việt. Cụ ông khẳng định mình không loại bỏ bất kỳ loại thực phẩm nào khỏi chế độ ăn uống và luôn chỉ ăn no khoảng 70%.
Bữa sáng của ông có đa dạng thực phẩm, thường là nửa quả bưởi, nửa quả chuối, bánh mì với bơ và mứt, hai quả trứng luộc mềm, nửa bát ngũ cốc hoặc bột yến mạch, một tách cà phê và một ly nước cam. Ông ăn với tốc độ chậm rãi trong khi vừa đọc báo hoặc xem tivi. Bữa tối của ông rất đơn giản: món súp, trứng tráng, thịt bò xay, thịt lợn hầm hoặc gà nướng.
Một nghiên cứu năm 2013 do Đại học Tel Aviv (Israel) thực hiện cho thấy những người ăn bữa sáng nhiều nhất có lượng insulin, glucose và chất béo trong máu thấp hơn so với những người coi bữa tối là bữa chính. Các nhà nghiên cứu cho biết mức này có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim.
Luôn giữ tinh thần lạc quan
Cụ ông Tseng tự nhận bản thân rất tích cực dù có bất cứ chuyện gì xảy ra. Hầu hết mọi người xung quanh đều ấn tượng với sự lạc quan và tình yêu con người, yêu cuộc sống của ông. Tseng từng nói rằng một trong những bí quyết trường thọ của ông là mỉm cười mỗi ngày và không bao giờ lo lắng.
“Tôi cũng có nhiều rắc rối nhỏ giống mọi người nhưng tôi chẳng để ý quá nhiều đến chúng. Không gì là không thể giải quyết”, Henry Tseng nói.
Người đàn ông này còn thích giúp đỡ mọi người và cảm thấy vui khi những thứ mình làm có ích cho người khác. Ông từng thực hiện nhiều chiến dịch gây quỹ cộng đồng cho trẻ em và hỗ trợ cả người cao tuổi mắc bệnh Parkinson.
Một nghiên cứu năm 2005 của ĐH Adelaide (Úc) cho thấy những người lớn tuổi có nhiều bạn bè có nguy cơ tử vong thấp hơn 22% so với những người có ít mối quan hệ hơn. Và một nghiên cứu năm 2007 ĐH California (Mỹ) tiết lộ sự cô đơn kinh niên thực sự có thể gây bệnh tế bào.
Theo DailyMail