Theo Al-Masdar news, trong bối cảnh Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) cùng lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường quân đến phía Đông Misrata chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới nhằm vào thành phố chiến lược Sirte. Quân đội của tướng Khalifa Haftar ngay lập tức có phản ứng khi điều động các tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn R-17 Elbrus (Scud-B) đến khu vực.
Các nguồn tin địa phương của Al-Masdar còn cho biết, Quân đội quốc gia Libya (LNA) sẽ sử dụng tên lửa Scud-B để bảo vệ Sirte trước các cuộc tấn công của GNA cũng như quân Thổ. Quân của tướng Haftar cũng tuyên bố sẽ giữ vững thành phố chiến lược này bằng mọi giá.
Trong một số đoạn video được đăng tải trên mạng xã hội vào đầu tuần này, có thể thấy đoàn xe của LNA chở theo ít nhất 12 tên lửa Scud-B công khai tiến vào Sirte, tuy nhiên đi theo chúng lại không có các bệ phóng di động MAZ-543.
Dường như LNA không hề muốn giấu giếm việc sẽ sử dụng tên lửa Scud-B cho trận chiến ở Sirte, cho dù hành động này có thể khiến họ mất đi yếu tố bất ngờ, cũng như đứng trước nguy cơ bị máy bay không người lái (UAV) Thổ Nhĩ Kỳ tập kích tiêu diệt.
LNA công khai vận chuyển đạn tên lửa Scud-B vào Sirte bất chấp việc nó có thể sẽ trở thành mục tiêu của UAV Thổ Nhĩ Kỳ.
Tướng Haftar nghênh ngang mang tên lửa diễu phố, UAV Thổ đang ở đâu?
Dựa vào lịch sử và kinh nghiệm tác chiến của lực lượng máy bay tấn công không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya, có một câu hỏi được đặt ra là tại sao người Thổ làm ngơ khi các xe chở tên lửa Scud-B của LNA di chuyển nghênh ngang giữa Sirte. Bởi trong các trận chiến gần đây ở Al-Watiya, Tripoli hay Tarhuna, UAV Thổ không bao giờ bỏ lỡ những "con mồi" lớn như Scud-B.
Theo giới quan sát, lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đã có sự tính toán nhất định khi không tấn công đoàn xe chở tên lửa của LNA, bởi thông tin tướng Haftar sẽ chuyển tên lửa Scud-B đến Sirte đã có từ hôm 28/6 khi đoàn xe này di chuyển qua thành phố Ajdabiya. Người Thổ có dư thời gian để tổ chức một cuộc tập kích đoàn xe trước khi nó kịp đến Sirte, thế nhưng điều này đã không xảy ra.
Cả Thổ Nhĩ Kỳ và GNA đều nhận thấy sự kỳ lạ trong việc LNA chở tên lửa đạn đạo đi nghênh ngang giữa phố, bởi rất có thể là cái bẫy mà tướng Haftar giăng ra để dẫn dụ UAV Thổ tấn công sau đó "tung lưới hốt trọn ổ" bằng các hệ thống phòng không Pantsir-S1 mới được triển khai tới Sirte.
Bằng cách này, tướng Haftar có thể sẽ đánh 1 trận sạch không kình ngạc, quất sụm chiến thuật "bầy UAV" của Thổ Nhĩ Kỳ khiến LNA khốn đốn trong suốt thời gian qua.
Các hệ thống phòng không Pantsir-S1 của LNA ùn ùn kéo đến thành phố chiến lược Sirte.
Do đó dù tên lửa Scud-B là một mục tiêu có giá trị, quân Thổ vẫn sẽ đợi tới thời cơ thích hợp để tiêu diệt thay vì mạo hiểm bắt lẻ các xe chở đạn tên lửa, bởi không có các bệ phóng di động MAZ-543 LNA có nhiều tên lửa đến mấy cũng vô dụng.
Ở một khía cạnh khác, quân Thổ không muốn "đánh rắn động cỏ" lúc này bởi họ cần dồn quân cho cuộc chiến ở Sirte sắp tới. Một cuộc tập kích vào đoàn xe chở tên lửa Scud-B sẽ vi phạm thỏa thuận ngừng bắn hiện tại, LNA sẽ có cớ để tiến hành các cuộc không kích vào Misrata vốn được GNA sử dụng làm bàn đạp để tấn công Sirte.
Sự tự tin của Quân đội Quốc gia Libya
Trước các hoạt động chuyển quân của LNA xung quanh Sirte, một số chuyên gia quân sự cho rằng tướng Haftar tỏ ra khá tự tin vào khả năng giữ vững thành phố chiến lược này trước cuộc tấn công của GNA. Động thái mang tên lửa Scud-B ra diễu phố ở Sirte cho thấy rõ điều đó.
Rõ ràng thông điệp của LNA là họ không còn sợ các cuộc tập kích bằng UAV của quân Thổ và luôn sẵn sàng đáp trả mọi hành động gây chiến từ GNA.
Mặt khác, LNA có vẻ đã có được bài học xương máu trong các chiến dịch ở Al-Watiya và Tripoli khi để mất 9 hệ thống phòng không Pantsir-S1 vào tay UAV Thổ Nhĩ Kỳ trong những tình huống hớ hênh.
Có thể thấy các hoạt động chuyển quân của LNA hiện tại luôn đi kèm công tác nghi binh và có sự phòng bị nhất định. Điều này thể hiện rõ qua việc các hệ thống Pantsir-S1 luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu khi được vận chuyển đến Sirte, hay việc tách riêng các bệ phóng di động và tên lửa Scud-B để tránh bị máy bay Thổ tập kích.
Có sự hỗ trợ của Nga ở Sirte, LNA tự tin dốc toàn lực vào cuộc chiến này. Ảnh: Military Review.
Sự hỗ trợ của Nga đối với LNA trong việc xây dựng tuyến phòng thủ ở Sirte cũng giúp quân của tướng Haftar tự tin dốc toàn lực vào cuộc chiến này. Chỉ trong vài ngày cuối cùng của tháng 6, Nga đã tổ chức hàng chục chuyến bay vận chuyển vũ khí và quân đến Sirte, trong số đó có cả 11 hệ thống phòng không Pantsir-S1.
Khi hệ thống phòng không xung quanh Sirte được hoàn thiện, LNA gần như không phải lo về các cuộc tập kích UAV Thổ Nhĩ Kỳ như trong các trận đánh trước đó.
Theo một số nhà quan sát, mặc dù tên lửa đạn đạo Scud-B là một thứ vũ khí nguy hiểm nhưng vai trò của nó trong cuộc chiến ở Sirte sẽ không quá lớn, thậm chí LNA đang cố chơi đòn tâm lý chiến đối với GNA chứ không có ý định sử dụng loại vũ khí này. Nhận định này xuất phát từ hai điểm sau:
Một là, Cho tới thời điểm hiện tại chưa có bằng chứng nào cho thấy LNA sở hữu các xe phóng MAZ-543, nếu thiếu bệ phóng di động quân của tướng Haftar phải mất khá nhiều thời gian mới có thể đưa các tên lửa Scud-B vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu chứ chưa nói đến bắn chúng về phía GNA.
Là một trong số các tên lửa đạn đạo chiến thuật thế hệ đầu của Liên Xô, Scud-B chỉ được trang bị hệ thống dẫn đường sử dụng 3 con quay hồi chuyển, độ chính xác của nó khá thấp, bán kính lệch mục tiêu (CEP) lên tới trên 450m. Tuy nhiên, đây là thông số khi tên lửa được triển khai cùng với xe phóng MAZ-543, nếu không có xe phóng sai số CEP có thể còn cao hơn thế.
Từ điểm này có thể thấy tên lửa Scud-B không mang lại cho LNA quá nhiều lợi thế về mặt chiến thuật, kể cả khi họ có trong tay các bệ phóng di động. Trong khi đó tướng Haftar có nhiều loại vũ khí tấn công chiến thuật khác hiệu quả và chính xác hơn so với việc sử dụng Scud-B.
Hai là, tên lửa Scud-B của LNA nhiều khả năng được lấy ra từ các kho vũ khí có từ thời nhà lãnh đạo Muammar al-Gaddafi, qua chừng đó năm liệu các tên lửa này giữ được hệ số chiến đấu đấu tốt nhất.
Một số bức ảnh chụp đoàn xe chở tên lửa vào Sirte cũng cho thấy các tên lửa Scud-B có vẻ đã bị tháo gỡ một phần, chúng cũng không đi kèm đầu đạn.
Quá trình niêm cất bảo quản các loại tên lửa đạn đạo sử dụng động cơ đẩy nhiên liệu lỏng khá phức tạp, bởi chỉ cần một sai số nhỏ cũng có thể ảnh hưởng lớn đến khả năng chiến đấu của khí tài. Vậy LNA lấy đâu ra nguồn nhân lực để có thể phục hồi các tên lửa bị bỏ mặc ngoài sa mạc sau gần 10 năm?
Do đó, không hề nói quá khi cho rằng LNA chỉ muốn sử dụng Scud-B để đe dọa GNA chớ dại mà đánh vào Sirte nếu không muốn nếm mùi tên lửa đạn đạo.
Đoàn xe chở tên lửa Scud-B của Quân đội Quốc gia Libya ra khỏi thành phố chiến lược Sirte.