Mầm mống của những bất đồng
Theo Arabnews, sự mâu thuẫn bắt đầu len lỏi vào mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Nga. Có lẽ, điều này xuất hiện từ lâu nhưng bị ẩn giấu sau các tham vọng chung trong từng dự án giữa hai bên.
Tuy nhiên, khi sự hợp tác của hai nước ở Syria có dấu hiệu sa lầy và Libya trở thành đấu trường cạnh tranh, sự mâu thuẫn này ngày càng trở nên rõ rệt.
Dấu hiệu mâu thuẫn đầu tiên xuất hiện khi Nga thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ giảm quy mô hành lang ở phía Đông sông Euphrates, Tây Bắc Syria trong nỗ lực đẩy lùi Đơn vị bảo vệ Nhân dân người Kurds.
Ban đầu Thổ Nhĩ Kỳ muốn thiết lập một khu vực rộng 30-40km và dài 440km từ Euphrates tới biên giới Iraq.
Nhưng cuối cùng, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ còn thiết lập được khu vực rộng 10km và dài 220km. Hơn nữa, ban đầu, Ankara muốn để các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra khu vực này, nhưng Moscow thuyết phục các binh sĩ của Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra chung với Nga.
Sự hợp tác giữa hai nước cũng gặp khó khăn ở Idlib vì sự khác biệt lớn trong mục tiêu hợp tác giữa hai bên.
Mục đích của Thổ Nhĩ Kỳ là mở rộng khả năng bảo vệ nhiều nhất có thể đối với một số nhóm ở đó trong khi Nga và chính phủ Syria lại muốn loại bỏ các nhóm phiến quân ở đây. Vì sự khác nhau trong mục tiêu, sự mâu thuẫn là điều khó tránh.
Ngoài ra, còn có một sự khác biệt cơ bản về phạm vi ngừng bắn được quy định trong thỏa thuận theo nghị quyết 2254 của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc mà theo đó, tất cả các nước đều phải "ngăn và đàn áp các hoạt động của khủng bố, mặt trận Al-Nusra cũng như tất cả các cá nhân, nhóm, và các thực thể liên quan đến Al-Qaeda cùng các nhóm khủng bố khác, theo chỉ định của Hội đồng Bảo An".
Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ
Thổ Nhĩ Kỳ đang bảo vệ Mặt trận Al-Nusra vì thế họ đã dự định thuyết phục các phe nhóm tương đối ôn hòa hơn trong nhóm này, sau này đổi tên thành Hayat Tahir Al-Sham ngừng các hoạt động khủng bố. Dù vậy, Thổ Nhĩ Kỳ không thể thực hiện được kỳ vọng này.
Ngày 5/3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và người đồng cấp Nga Putin đã đồng ý dọn hành lang dài 6km ở hai bên đường cao tốc M4 và khai mở cho giao thông hoạt động.
Các cuộc đàm phán ở Moscow kéo dài 6 giờ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã diễn ra đầy căng thẳng nhưng đều mang tính xây dựng. Trong buổi đàm phán, Moscow có phàn nàn rằng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa thực hiện được lời hứa.
Và "mặt trận" Lybia
Tuy nhiên, sự khác biệt rõ ràng nhất giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở vấn đề Libya. Nga công nhận Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) nhưng cũng ủng hộ Tướng Khalifa Haftar, người chống lại chính phủ này.
Sau những thất vọng với Tướng Haftar, Moscow bắt đầu do dự về việc liệu có nên tiếp tục ủng hộ nhân vật này hay không.
Libya giữ vai trò quan trọng. Nếu Nga thành công trong việc nắm giữ Libya, Moscow sẽ thiết lập được sự hiện diện quân sự và kinh tế ở đó. Sự hiện diện quân sự của Nga ở đây sẽ góp phần răn đe NATO. Sự hiện diện kinh tế ở đây của Nga sẽ giúp Moscow sở hữu một phần tài nguyên dầu mỏ dồi dào của Libya.
Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ cũng chớp lấy cơ hội bằng cách trở thành một đồng minh không thể thiếu của GNA. Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ quân sự cho chính phủ này và đang tiếp tục đàm phán với chính phủ hợp pháp của Libya trong việc để Ankara thành lập các căn cứ không quân và hải quân ở đây.
Khó khăn bủa vây Thổ Nhĩ Kỳ khi GNA chịu tác động mạnh của tổ chức Anh em Hồi giáo. Và giờ đây, với việc Mỹ quan tâm tích cực hơn tới cuộc khủng hoảng Libya nền tảng cán cân sức mạnh trong khu vực có thể sẽ bị lung lay.
Nhiều điều sẽ phụ thuộc vào việc Nga và Mỹ có thể tìm được trung gian hay không. Và nếu điều này xảy ra, rất có thể cả Nga và NATO sẽ cùng hợp tác chống lại tổ chức Anh em Hồi giáo. Điều này sẽ gây phiền toái cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Lợi ích của Mỹ ở Libya sẽ không thể tách khỏi yếu tố Nga. Thổ Nhĩ Kỳ nhận thức được rằng việc nghiêng quá nhiều về phía Mỹ sẽ tạo rạn nứt trong quan hệ với Nga.