Tên lửa của tướng Haftar ùn ùn kéo về Sirte
Tờ Avia.Pro của Nga dẫn các nguồn tin địa phương cho biết, Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của tướng Khalifa Haftar nhiều khả năng đang vận chuyển hàng chục tên lửa đạn đạo tầm ngắn R-17 Elbrus (9K72) đến thành phố chiến lược Sirte, nằm ở vùng duyên hải Tây Bắc Libya.
Các nguồn tin này cũng cho biết, đoàn xe chở theo các tên lửa R-17 (hay còn được biết tới với cái tên Scud-B) của LNA đã được nhìn thấy ở thành phố Ajdabiya vào hôm qua 28/6, nếu không có gì thay đổi chúng sẽ đến Sirte trong 1-2 ngày tới.
Theo các chuyên gia quân sự của Avia.Pro, việc quân đội của tướng Haftar liên tiếp triển khai hàng loạt vũ khí mới tới (trước đó là 11 hệ thống Pantsir-S1) cho thấy LNA quyết tâm bảo vệ thành phố Sirte - căn cứ địa chiến lược cuối cùng của họ ở vùng duyên hải Tây Bắc Libya.
Ở chiều hướng ngược lại, lực lượng Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) và lực lượng Thổ cũng bắt đầu rục rịch chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới vào Sirte. Có được Sirte, GNA sẽ dễ dàng hơn trong việc đưa quân xuống phía Nam và kiểm soát phần còn lại ở Tây Nam Libya, nơi tập trung nhiều mỏ dầu lớn.
Đoàn xe chở tên lửa Scud-B của Quân đội Quốc gia Libya xuất hiện ở Ajdabiya, được cho là đang trên đường đến thành phố Sirte.
Các chuyên gia của Avia.Pro còn cho rằng, với tên lửa Scud-B, LNA có thể sẽ phát động một cuộc tấn công chưa từng có nhằm vào các tàu chiến của Thổ Nhĩ Kỳ ở ngoài khơi Libya. Tuy nhiên, ý tưởng trên khó có thể xảy ra bởi các loại tên lửa đạn đạo thế hệ đầu tiên như Scud có hệ thống dẫn đường chưa thật sự hoàn thiện, không phù hợp với vai trò chống hạm.
Hiện vẫn chưa rõ số tên lửa Scud-B của LNA từ đâu mà có. Một số nhà quan sát cho rằng các tên lửa này có từ thời của nhà lãnh đạo Muammar al-Gaddafi, tuy nhiên qua chừng đó năm liệu các tên lửa này còn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Một số nguồn tin khác lại cho biết, tên lửa đạn đạo của LNA có nguồn gốc từ Iran và mới được máy bay vận tải của Nga chuyển đến Libya.
Trong điểm đỏ là vị trí các tên lửa Scud của Quân đội Quốc gia Libya xuất hiện ở Ajdabiya, được cho là đang trên đường đến thành phố Sirte.
Sức mạnh đáng gờm của tên lửa đạn đạo Scub-B
Trong môi trường chiến tranh hiện đại ngày nay các tên lửa đạn đạo tầm ngắn như Scud-B đang dần trở nên yếu thế trước các hệ thống phòng không tiên tiến. Tuy nhiên, chúng vẫn được xem là mối đe dọa tiềm tàng đối với quân đội nhiều nước trên thế giới trong đó có cả Mỹ.
Điều này có thể thấy rõ qua cuộc tấn công quy mô lớn bằng tên lửa của Iran nhằm vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq (tháng 1/2020). Dù thiệt hại từ cuộc tập kích không quá lớn nhưng nó tác động mạnh đến tinh thần chiến đấu của binh sĩ Mỹ ở Iraq, buộc Lầu Năm Góc phải có động thái bố trí lại lực lượng tại quốc gia Trung Đông này.
Cũng cần nhắc lại rằng hầu hết các mẫu tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung của Iran hiện tại đều được phát triển dựa trên "gia đình" tên lửa Scud.
Tên lửa Scud-B xuất hiện trong lễ duyệt binh tại Tripoli vào năm 2009, trước khi nhà lãnh đạo al-Gaddafi bị lật đổ. Ảnh: Esoteric Armour.
Một ví dụ khác là việc phiến quân Houthi sử dụng các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn tương tự như dòng tên lửa Scud (có nguồn gốc từ Iran) để tấn công các căn cứ quân sự hoặc cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia trong suốt thời gian qua, trong khi đó các cơ sở này được bảo vệ bởi các hệ thống phòng không Patriot tiên tiến do Mỹ chế tạo.
Do đó, nếu Quân đội Quốc gia Libya phát động một cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn vào các mục tiêu chiến lược của GNA ở Misrata (nằm cách Sirte hơn 180km) vẫn sẽ tạo lợi thế lớn cho lực lượng của tướng Haftar trên chiến trường.
R-17 Elbrus (9K72) hay Scud-B (theo định danh của NATO) là tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn do Liên Xô chế tạo từ giữa những năm 1960, nó được phát triển từ tên lửa R-11 Zemlya (Scud-A).
Tên lửa Scud-B được đặt trên khung gầm bánh lốp đặc chủng MAZ-543 (8x8) có khả năng cơ động cao trên nhiều loại địa hình. Tầm bắn của Scud-B được giới thiệu lên đến 300km. Tên lửa được trang bị hệ thống dẫn đường sử dụng 3 con quay hồi chuyển cho phép đạt độ chính xác tương đối, bán kính lệch mục tiêu (CEP) trên 450m.
Ngoài đầu đạn thông thường mang theo hơn 900kg thuốc nổ, Scub-B cũng được thiết kế để triển khai các loại đầu đạn hạt nhân có sức công phá từ 5-80kt.