Củ khoai tây không chỉ chế biến món ăn ngon mà còn là vị thuốc chữa bệnh

BS Thu Hương |

Khoai tây có thể dùng làm lương thực cũng có thể làm “rau” và cũng là một vị thuốc chữa bệnh...

Theo đông y khoai tây vị ngọt, tính bình. Dùng trong, có công hiệu kiện tỳ hoà vị, ích khí điều trung, chữa các bệnh đường tiêu hoá. Dùng ngoài chữa một số bệnh ngoài da.

1.Cách dùng khoai tây chữa bệnh

Loét dạ dày hành tá tràng: Khoai tây tươi nghiền nát thêm nước sôi để nguội rồi vắt lấy nước. Ngày 2 lần sáng tối, uống mỗi lần 1 bát, liên tục trong 1 tháng. Thêm mật ong hiệu quả càng cao. Hoặc 1kg khoai tây tươi cho nước nghiền nát nhuyễn vắt lấy nước nấu đặc quánh lại thêm mật ong rồi tiếp tục nấu cho sánh để nguội cho vào lọ. Mỗi lần uống 1 thìa 30ml. Ngày 2 lần lúc đói.

Viêm dạ dày, nôn mửa, ăn không ngon miệng: Lấy 100g khoai tây, 10g gừng tươi,1 quả quýt. Tất cả nghiền nát lấy nước, uống 1 thìa 15ml trước bữa ăn.

Củ khoai tây không chỉ chế biến món ăn ngon mà còn là vị thuốc chữa bệnh - Ảnh 1.

Khoai tây hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày, hành tá tràng

Táo bón mãn tính: Giã khoai tây vắt lấy nước uống trước mỗi bữa cơm. Mỗi lần 1 chén con, ngày 3 lần.

Phù thũng, tiểu ít: Khoai tây gọt sạch vỏ giã nát 32g, rễ tranh 24g. Cho vào 400ml nước nấu còn 200ml uống trong ngày. Dùng vài lần.

Hạ huyết áp: Các nhà khoa học viện nghiên cứu thực phẩm Mỹ phát hiện trong khoai tây có nhóm chất kukoamine có khả năng làm giảm huyết áp, trị bệnh mất ngủ. Chất này có nhiều trong khoai tây luộc hơn trong xào, rán. Người huyết áp cao nên ăn khoai tây luộc, nướng cả vỏ, không nên lạm dụng khoai tây chiên rán làm giảm hoạt chất trên.

Tiến sĩ Walter Willet (Harvard) khảo sát thực đơn của người dân vùng Crete (Hy Lạp) và người Bắc Italia- nơi có tuổi thọ cao và bệnh tim thấp do ăn khoai tây và thực phẩm cùng nhóm.

Củ khoai tây không chỉ chế biến món ăn ngon mà còn là vị thuốc chữa bệnh - Ảnh 2.

Khoai tây giúp hạ huyết áp

Đối với bệnh hen suyễn: Các nhà khoa học Pháp có công trình nghiên cứu trên 68.535 phụ nữ trong đó có 2100 người mắc bệnh hen suyễn cùng với 238 loại thực phẩm mà họ ăn hàng ngày. Họ kết luận những phụ nữ ăn nhiều khoai tây, cà rốt, táo, rau các loại có tỷ lệ mắc hen suyễn thấp hơn. Các nhà khoa học khuyên chị em nhất là người có tuổi nên ăn khoai tây.

Chữa quai bị: Khoai tây rửa sạch để ráo nước, mài rồi trộn với dấm bôi vào chỗ sưng.

Chữa chàm, mẩn ngứa: Khoai tây 100g, gừng 10g, quýt 1 quả. Tất cả giã nát đều, vắt nước uống trước bữa ăn.

2. Tính độc của khoai tây

Khoai tây chứa một chất gây độc có tên là solanin. Thông thường chất này có lượng thấp trong khoai tây. Nếu bảo quản không tốt, khoai tây sẽ nảy mầm hoặc thối thì hàm lượng solanin sẽ tăng vọt và có thể gây độc cho người dùng.

Tất cả các bộ phận của cây khoai tây đều có chứa solanin. Trong đó mầm có nhiều nhất. Ruột phần ta ăn chứa ít nhất khoảng 0.05 - 0.1% không gây độc. Mọc mầm 50mg - 100mg /100g. Mầm chứa solanin nhiều hơn ruột 100 lần, ở vỏ cao hơn 7 - 8 lần trong ruột.

Hàm lượng solanin trong vỏ các loại khoai tây tương đương nhau, nhưng khoai tây loại vỏ xanh sau khi gọt vỏ thì hàm lượng solanin trong ruột vẫn cao hơn loại khác. Khi xào nấu không bị giảm. Khi ăn khoai tây chứa solanin tới 0.2g sẽ gây ngộ độc, tới 0,3 - 0,4g gây ngộ độc nặng. Biểu hiện ngộ độc là khô miệng, tê lưỡi, buồn nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, bị độc nặng có thể co giật, khó thở, ngạt thở tử vong (ức chế trung khu hô hấp).

3. Lưu ý khi chế biến khoai tây

Bắt đầu bằng động tác rửa sạch, gọt vỏ. Nếu có mầm, chỗ hư thối, phần có màu xanh phải cắt bỏ, xong ngâm nước lã 30 phút, luộc qua bỏ nước đi. Khi nấu cho vào ít dấm để khử độc.

Nếu mua khoai tây gọt vỏ sẵn thường bị người bán gọt nhanh nên gọt dày làm mất phần dưới vỏ mỏng của khoai tây, là nơi chứa nhiều vitamin C và một số chất dinh dưỡng. Ta hãy ngâm khoai tây vào nước nóng ấm giây lát, rồi thả vào nước lạnh, vỏ mỏng bong ra, bóc gọt rất dễ. Nếu luộc hoặc nướng thì có thể để cả vỏ khi chín mới bóc vỏ. Có ý kiến chỉ cần rửa sạch vỏ rồi để cả vỏ nâu ăn sẽ được nhiều chất dinh dưỡng và năng lượng hơn.

Để nấu khoai tây được chín đều trong ngoài, thì phải dùng lửa nhỏ. Nếu dùng lửa to sẽ gây ngoài chín, trong sống, vì khoai tây dẫn nhiệt kém.

Để hạn chế khoai tây nẩy mầm hư thối và tăng sinh solanin thì tránh phơi khoai tây ngoài nắng. Không cất giữ khoai tây gần khoai lang làm cho khoai tây dễ nẩy mầm đồng thời làm khoai lang dễ bị thối ruột. Nên để chỗ thoáng mát ít ánh sáng. Không để khoai tây vào tủ lạnh gây mùi vị mất ngon thơm. Nên ăn sớm sau khi thu hoạch vì từ thời điểm đó khoai đã bắt đầu giảm hàm lượng vitamin C.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại