Người chê phóng viên quay clip bạo hành trẻ em bị "ném đá" dữ dội

Bích Hiền (TH) |

(Soha.vn) - Nhiều ý kiến trái chiều về người quay clip bảo mẫu bạo hành trẻ em ở cơ sở mầm non Phương Anh, quận Thủ Đức, TP.HCM. Vấn đề được độc giả đặt ra: Vô cảm hay không?

  Toàn cảnh vụ bảo mẫu BÓP CỔ, ĐÀY ĐỌA, HÀNH HẠ TRẺ EM khiến dư luận phẫn nộ

LTS: Vụ việc bạo hành trẻ em ở cơ sở mầm non Phương Anh, quận Thủ Đức, TP.HCM vẫn chưa hết nóng. Dư luận đang chờ đợi kết quả điều tra và xử lý của cơ quan chức năng đối với hai bảo mẫu bạo hành trẻ em. 

Rẽ sang một hướng khác, nhiều độc giả đặt ra vấn đề về người quay clip vạch tội các bảo mẫu: Bỏ công để quay một clip gây dậy sóng, tác giả xứng đáng là anh hùng hay kẻ vô cảm? Cái tâm của người quay ở đâu khi chứng kiến cảnh các bé bị bạo hành mà không hề có một hành động can thiệp? Ý kiến này chỉ mang tính cá nhân, đồng tình hay ném đá là do những đánh giá của độc giả.

Vụ bạo hành trẻ em: Người quay clip có vô cảm? 1

Hình ảnh trong clip bảo mẫu cơ sở mầm non Phương Anh bạo hành trẻ em được phóng viên báo Tuổi Trẻ ghi lại.

Chỉ vài ngày trước đây, cư dân mạng đã xôn xao khi có người đặt vấn đề so sánh tác giả clip bảo mẫu hành hạ trẻ em ở cơ sở mầm non Phương Anh với nhiếp ảnh gia Kevin Carter - tác giả của bức ảnh nổi tiếng “Kền kền chờ đợi”. Sự so sánh ở đây ngụ ý về độ nhẫn tâm khi hai tác giả chứng kiến cảnh đau thương hoặc ngang tai trái mắt nhưng vẫn đủ kiên nhẫn để chụp ảnh và quay clip nhằm mưu cầu mục đích riêng của bản thân.

Trên một diễn đàn công khai, bạn đọc lại một lần nữa đặt ra vấn đề về tư cách của người quay clip vụ việc, đồng thời có lời biện minh cho những hành động của các cô giáo trẻ: “Tôi có theo dõi bài viết một vài ngày gần đây và có câu hỏi: người quay clip đã làm gì để ngăn chặn tình trạng lúc đó hay chỉ đơn giản là quay được phim và viết bài lập công? Xét về góc độ nào đó, người quay clip cũng vô cảm giống như hai cô giáo mầm non thôi, chỉ biết lợi cho bản thân.

Còn về vấn đề với hai cô giáo kia, tôi không bàn luận đến vì đã có pháp luật xử lý rồi. Nhưng cho tôi hỏi các anh các chị ở đây, bao nhiêu người đã từng là cha là mẹ? Ở nhà chúng ta giữ một trẻ nhỏ một ngày thôi là đã đủ mệt, các cô giáo này thì sao? Hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh đó để có cái nhìn tổng quát hơn, tránh sự phiến diện.

Tỉ lệ giáo viên mầm non ra trường đông và đồng thời tỉ lệ bỏ việc cũng cao do áp lực công việc, có ai muốn làm việc 12 tiếng/ngày với đồng lương ít ỏi như hiện nay? Các anh chị có thể so sánh với các cô giáo mầm non trường điểm nhưng đó là thiểu số các anh chị ạ! Nhìn vào mặt bằng chung, số lượng giáo viên mầm non còn trụ lại với nghề luôn thấp hơn so với nhu cầu do giáo viên bỏ việc rất nhiều.

Một số ý kiến khác cho rằng nên lắp camera, không phải trường nào và không phải phụ huynh nào cũng sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để đầu tư camera. Điều đó phụ thuộc vào mức sống của gia đình. Nếu có điều kiện, họ sẵn sàng cho con em mình vào học các trường điểm, chất lượng cao chứ không phải là mầm non tư thục như trên.

Đề nghị mọi người hãy có cái nhìn tổng quan hơn về vấn đề này!

Vụ bạo hành trẻ em: Người quay clip có vô cảm? 2

Hình ảnh trong clip bảo mẫu cơ sở mầm non Phương Anh bạo hành trẻ em được phóng viên báo Tuổi Trẻ ghi lại.

Tuy nhiên, ý kiến trên dường như đã tạo ra một làn sóng phẫn nộ mới của dư luận. Hầu hết bạn đọc đều không đồng tình với cách đặt vấn đề của người nêu ý kiến.

Bạn nói chuyện cứ như người không hiểu chuyện. Làm sao không xót? Nhưng quay để củng cố chứng cứ, hơn nữa mức độ cũng chưa thể gây ra án mạng. Nếu trường hợp thật sự bé bị bỏ vào thùng chắc chắn họ sẽ vô cứu. Bạn nói họ vì lợi ích bản thân? Lợi ích gì khi họ yêu cầu bảo mật danh tính? Ngườita giúp tìm ra được tội ác thì bạn ngồi trên bàn phím mà phán là vì lợi ích bản thân.Hại não thật!” – Bạn Dương Chinh nhận xét đầy bức xúc.

Thế người quay phim có thể làm gì? Xin lỗi về pháp luật không cho phép. Công lao của anh ta và điều anh ta có thể làm là cho cả thế giới thấy điều đó. Cái đó không gọi là giúp đỡ để tránh tình trạng bạo hành trẻ nhỏ thì gọi là gì? Vô cảm à? Người viết có cảm thấy đây là lời kết tội phiến diện và thiếu I ốt không? Còn camera tôi cho rằng với 3 - 4,5 triệu 1 bé/tháng hiện nay dư sức lắp. Nhà tôi lắp camera chỉ 15 triệu cho 3 cái, tôi không tin trường mầm non không đủ tiền để làm.” - là ý kiến đầy xác đáng của bạn Lê Chấn Thiên về vai trò của người quay clip.

Theo dõi khá sát diễn biến sự việc, bạn Đặng Bá Hải cũng lên tiếng bảo vệ cho tác giả clip: “Người quay clip đã nói rồi. Anh sợ mọi người không tin những gì anh thấy nên mới quay clip này. Điều anh làm được là ngăn chặn hành vi độc ác của 2 bảo mẫu kia bây giờ và mãi mãi.

Nếu không kiên nhẫn để quay thì lấy đâu ra chứng cứ xác nhận sự hành hạ của hai bảo mẫu với mấy đứa nhỏ tội nghiệp kia? Tiếp nữa, lý do áp lực công việc mà em nêu ra là không hợp lý! Chẳng lẽ vì áp lực mà bản thân mỗi người cho mình cái quyền hành hạ trẻ em dã man như vậy sao?” – ý kiến của bạn Thúy Hiền Lê Thị tỏ ý đồng tình với tác giả đoạn clip và phản đối những lý do ngụy biện có thể đưa ra để bênh vực hai bảo mẫu.

Đặt câu hỏi về động cơ của người đưa ra ý kiến trên, bạn Bam Boo cho rằng: "Chắc người này là bà con họ hàng gì với hai bảo mẫu này nên mới bênh như vậy?".

Tương tự với những ý kiến trên, bạn Dieple cho rằng: “Nếu không quay clip thì sẽ không có đủ bằng chứng đưa hai bảo mẫu này ra pháp luật. Tôi nghĩ người đứng ngoài quay cũng xót lòng không kém nhưng nếu chỉ biết can ngăn thôi thì bảo mẫu kia sẽ chối ngay.

Về vấn đề có nên hay không dùng áp lực công việc để biện minh cho những bảo mẫu bạo hành trẻ, bạn Bích Vân Phạm công tác ở Đài PT-TH Quảng Ngãi cho rằng: “Không thể đổ lỗi cho áp lực công việc được. Nếu không làm được thì nên bỏ nghề (như những cô giáo khác) chứ tại sao lại trút lên đầu con trẻ? Đó thuộc về phạm trù đạo đức, những con người đã làm việc tàn nhẫn mà còn biện bạch và đổ lỗi cho khách quan thì không đáng để bàn.”

Mặc dù có nhiều ý kiến phản đối, thậm chí còn bị cho rằng: “Thật đáng xấu hổ khi thốt ra những lời như thế” nhưng người đưa ra ý kiến trên một lần nữa lại một lần nữa cố gắng bảo vệ chính kiến của mình bằng cách trích đăng một ý kiến mang tính tương đồng: “Cha mẹ lấy đâu ra quyền để giám sát các cô? Hãy thử trải nghiệm công việc của giáo viên mầm non một ngày xem họ bị áp lực như thế nào. 

Giám sát họ như vậy khác nào giam lỏng họ 10 tiếng đồng hồ trong trường mầm non. Cộng với chế độ đãi ngộ không cao, còn có giáo viên mầm non nào còn hứng thú mà dạy học, chăm sóc con các bác? "Con sâu làm rầu nồi canh", không chỉ vì thế mà chụp mũ hết giáo viên mầm non như vậy được. Nếu còn trang bị thêm camera để phụ huynh giám sát nữa thì giáo viên mầm non phải chăng được đào tạo để trở thành bảo mẫu giam lỏng?", My Lê bình luận.

Phóng viên cố kìm nén khi quay cảnh bảo mẫu hành hạ trẻ tàn bạo

Trên tờ tuổi trẻ, hai phóng viên trực tiếp tác nghiệp clip bảo mẫu hành hạ trẻ dã man cũng đã có những chia sẻ tới độc giả. Theo đó, phải mất hơn 1 ngày họ mới tìm được vị trí đặt máy quay. Trong quá trình tác nghiệp, cả nhóm đều rất đau lòng khi chứng kiến cảnh cô giáo tát đôm đốp vào mặt trẻ và xúc cơm rất tàn bạo. Thế nhưng, nhóm phóng viên thống nhất phải ghi hình và thu thập bằng chứng càng nhanh càng tốt mới có thể giải cứu các bé nên dù đau lòng nhưng cố nén lại.

Video bạo hành trẻ đang khiến dư luận dậy sóng. 

 

Bạn đánh giá ra sao về việc làm của những tác giả clip bảo mẫu hành hạ trẻ em ở cơ sở mầm non Phương Anh? Theo bạn, họ xứng đáng là những anh hùng hay đáng bị lên án vì sự nhẫn tâm, lạnh lùng trước nỗi đau của các em nhỏ? Hãy gửi ý kiến của bạn về cho chúng tôi vào Ô bình luận dưới đây hoặc gửi thư về địa chỉ: btv@soha.vn

Những bài bình luận tốt sẽ được đăng tải và nhuận bút trong vòng 24h. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại