Một "kẻ hay đi" với cái tên Hà Lam đã có một bài viết dài về chuyện Huyền Chip và những "cảm tử quân"- những dân phượt chính hiệu đã đi và không trở về với tiêu đề "Đi xa, nói ngoa, chuyện Huyền Chip và những “cảm tử quân”".
Những tranh cãi về chuyến phượt xuyên lục địa của cô gái Huyền Chip vẫn chưa lắng xuống
Dưới đây là nội dung bài viết của Hà Lam:
"Dạo này người ta nói nhiều về Huyền Chip, về cuốn “nhật ký” thứ hai đắt đỏ của cô, ghi lại hành trình của bước chân nhỏ trên khắp thế giới. Nhưng khác với hiện tượng “Xách balo lên và đi”, giờ họ toàn nói về trung thực và tính chính xác đang bị nghi vấn.
Nhân chuyện Huyền Chip
Ôi, thực ra thì, một khi ai đã viết sách, làm phim, tôi ít khi quan tâm quá nhiều về mức trung thực của câu chuyện, ngay cả khi ở trang đầu tiên, nhà xuất bản đã đề rõ to: nhật ký/dựa theo một câu chuyện có thật… Vì có câu chuyện nào được rỉ tai lại mà chẳng là chuyện thêm thắt?
Nhưng một số trường hợp, đôi khi người ta vẫn phải lưu tâm. Như lúc này, khi mà chúng ta đang sống trong thời kỳ mà hở ra một tí, nhẹ thì các bạn trẻ lại phóng xe lên Tây Bắc mà “sống”, nặng thì bỏ mặc học hành, gia đình xuất ngoại. Nên nghiễm nhiên, chúng ta phải “chăm sóc” Huyền Chip nhiều hơn các tác giả lãng mạn. Ai có sức ảnh hưởng tới độc giả cũng đều nên có cái nhìn nghiêm túc về ngòi bút của mình.
Đâu đó trên các diễn đàn, tôi nghe được vài bạn kể lể về người thân của mình, sau khi đọc được sách của Huyền Chip đã nhất quyết ra đi, bỏ lại sau lưng mọi thứ dang dở của tuổi trẻ, xuất ngoại và tìm kiếm cho mình điều gì đó vô định ở tương lai.
Một số bị quẳng về đất mẹ không lâu sau đó, một số khác may mắn hơn vẫn còn lang bạt trên đất người. Chuyện này bỗng dưng làm tôi nhớ đến vài bạn trẻ, những người đã nằm hẳn lại trên các cung đường phượt đẹp như tranh. Liệu họ có học gì trước khi lên đường?
Chuyện những “cảm tử quân”
Phượt không phải là chuyện đùa. Chuyện xách xe tay côn chạy dọc đất nước, gom góp tiền đi bụi ở Châu Âu không dễ ăn như cách mà những người đi trước kể lại trên các diễn đàn. Sức trẻ và sự thiếu hiểu biết là cách nhanh nhất để bạn kết thúc cuộc đời mình trên những vòng đường đèo ngập sương.
Mấy năm gần đây, người ta vẫn hay đưa tin về đôi ba bạn trẻ bỏ dở tuổi thanh xuân ở đường phượt. Cứ mỗi năm, trên các diễn đàn phượt lại “tiễn đưa” một người. Những cái tên như Đăng Già, Hanamichi.tron,Phạm Ngọc Ánh…đã trở thành những nuối tiếc thương và xót xa cho tất cả dân phượt. Tai nạn, sức khỏe kém, khí hậu khắc nghiệt…đủ lý do.
Nhưng ngoài một số tay phượt gạo cội, thì một kiểu rất chung, sự ra đi của họ thường bắt nguồn từ những lý do rất ngu ngốc. Hầu hết họ đều là những “người mới” của cộng đồng phượt. Tham vọng với những cung đường khó, những vùng đất xa xăm.
Tôi không rõ các bạn ấy thực sự đam mê hay chỉ muốn thể hiện điều gì?! Bởi bất kỳ ai nếu chịu khó đọc tin tức, tìm hiểu mọi thứ trước khi bắt đầu chuyến đi đều biết rằng, để chinh phục được những vùng đất mới, những cung đường mới, người ta phải đi từng bước một. Tập tành với những vùng đất dễ tính, làm quen với cuộc sống lang bạt, rèn luyện sức khỏe thích nghi với nắng gió… rồi mới tính tới việc lao đến các cung đường huyền thoại. Đốt cháy giai đoạn trong chuyện này là đốt cháy chính mình.
Tất nhiên, tuổi trẻ thì luôn liều lĩnh. Luôn dám làm những thứ ít ai làm. Luôn thích đạt được những điều chưa ai qua. Nhưng rõ ràng, cái được thừa nhận tiên quyết phải là cái có thể trở về lành lặn. Người ta cần tôn vinh một người sống, lẽ nào bạn muốn được tưởng nhớ như một chiến sỹ ngoan cường?
Người ta bảo, Huyền Chip khiến cho các bạn trẻ có máu “xê dịch” trở nên liều mạng và phó mặc cuộc đời cho cái lý lẽ “màu hồng” được vẽ ra trong cuốn sách. Nhưng ai biết được, với những kẻ cuồng đi như thế, ngay cả không là Huyền Chip, họ hẳn cũng tìm được lý do để ra đi. Nhưng những gì đã nằm trên trang sách, người ta chỉ nên xem nó đơn thuần là chữ. Đừng tin quá.
Đi, là phải về.
Trăm người làm được, không có nghĩa mình làm được. Điều mình làm được đôi khi lại là độc nhất. Cuộc sống luôn có những ngoại lệ như thế. Nên trước khi quyết định làm gì, đi đâu, trải qua nó như thế nào, hãy dành cho bản thân khoảng thời gian bình tâm nhất định. Đừng lao ra đường khi trong lòng còn phấn khích bởi những chia sẻ của bất kỳ tác giả nào. Đọc thì tốt, nhưng phải tỉnh táo. Đừng để đến một lúc lạc chân trên xứ người mới hay tin, tác giả ngày trước chỉ ngồi nhà, search google và viết sách.
Và thêm nữa, đừng quá gay gắt với những người viết chỉ vì mình không thành công. Những lý do chỉ luôn khiến người ta trở nên yếu đuối hơn và không dám đối mặt với sự ngu ngốc thực sự của chính mình.
Người viết cũng là một kẻ hay đi. Nhưng dù có mê đi thế nào vẫn phải thốt lên đôi lời chửi thề trước những lựa chọn ngu ngốc của nhiều bạn. Một cái thẹo trên đường phượt hẳn sẽ là một chiến tích lẫy lừng, để mai này còn kể lại: “Ngày xưa ba/mẹ đã đi như này này, cái thẹo này, là vì như này này…”
Nhưng để kể được câu chuyện đó, vui lòng giữ lại mạng sống. Cảm ơn!"
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)