Với tựa đề: "Huyền Chip - Hay lầm tưởng về du lịch bụi", Rosie Nguyễn đã làm sáng tỏ hầu hết những những vấn đề nghi ngờ của dân mạng về chuyến đi của Huyền Chip.
Dưới đây là phần 2 bài viết của Rosie Nguyễn: (bấm xem lại phần 1)
Hai, về visa. Một số bạn ngây thơ phát biểu rằng: phải có tay trong bộ ngoại giao mới xin được visa qua 25 nước, hay muốn xin visa phải có ít nhất 5000$ trong túi, thế mà dám bịa chuyện bố láo. Xin thưa, chỉ có những nước phát triển như Anh, Mỹ, Nhật, Úc mới yêu cầu chứng minh thu nhập/tài sản khi xin visa.
Lý do là vì họ e ngại người Việt xin visa qua được đến đó rồi trốn lại luôn, nên khi có tài sản giá trị lớn ở Việt Nam thì bảo đảm một phần rằng những người này sẽ trở về sau đó. Còn những quốc gia khác thì hầu như chỉ cần nộp hồ sơ là có thể lấy được.
Để đến Sri Lanka, bạn chỉ cần điền vào một cái form trên mạng, nộp 25 USD, là có ngay visa Sri Lanka. Muốn lấy visa đến Ấn Độ? 40 USD và bộ hồ sơ hợp lệ, thế là bạn có thể đến thăm đền Taj Mahal. Thử xem các nước mà Huyền chip đã đi qua: Kenya, Ethiopia, Tazania... đa phần là những quốc gia nằm dưới cùng trong bảng xếp hạng GDP đầu người thế giới, họ có gì để lo sợ chứ?
Ba, hậu quả nguy hiểm. Một số người bảo rằng nếu những gì Huyền Chip nói không phải là sự thật, và những câu chuyện của cô kích động người trẻ liều mạng đi bụi, thì hậu quả sẽ rất nguy hiểm. Hậu quả thế nào? Nguy hiểm gì chứ? Con vẹt trong lồng luôn cho rằng rừng xanh là nguy hiểm, con ếch trong ao tù luôn sợ hãi xung quanh.
Mình thách các bạn trẻ ra đi đấy, cứ liều mạng đi, xem có dám chăng. Cứ thử đi thử đi, để biết có thực sự nguy hiểm không. Cứ thử đi thử đi, rồi bạn sẽ biết thế giới bên ngoài tuy có khác biệt so với môi trường của bạn, nhưng ở đâu cũng có nhân loại, ở đâu cũng có tình người. Những người ở các đất nước khác dù màu da màu tóc khác nhau, nhưng sẽ mở rộng vòng tay chào đón bạn, miễn bạn có cái tâm tốt lành, và một chút cẩn trọng hợp lý.
Ngay cả nếu bạn có bỏ mạng trên đường đi như anh chàng Chistopher Mc. Candless trên đường khám phá Alaska hoang dã, thì ít ra sau này tên tuổi của bạn cũng sẽ được dựng thành phim, như bộ phim "Into the wild" đã tạo cảm hứng cho biết bao nhiêu người đam mê lữ hành trên toàn thế giới. Còn hơn là chết già trong một căn phòng cũ kỹ mà vẫn chưa làm được việc gì đẹp đẽ cho cuộc đời mình.
Cách đây vài năm, Raphael Fellmer và bạn gái anh Nieves Palmer đi lữ hành từ Châu Âu qua Châu Mỹ không có một xu nào dính túi. Ngược lại, họ không dùng tiền và từ chối tất cả các hỗ trợ về tiền bạc trên hành trình của mình. Họ chỉ dùng hitchhiking (đi nhờ xe) và boat-hiking (đi nhờ tàu) để đi, giúp việc trong các nông trại để có chỗ nghỉ đêm, thuyết giảng trong các trường đại học để đổi lại bữa trưa.
Và họ lan tỏa thông điệp về một thế giới của lòng nhân đạo, của tình yêu thương và niềm tin vào những điều tốt đẹp ở đời, về sự hòa hợp giữa con người với con người và con người với thiên nhiên, về sự phù du của đồng tiền. Hành trình của đôi bạn trẻ này giờ đã kết thúc với một gia đình nhỏ ấm cúng, với những dự án hỗ trợ cộng đồng qua trang web Eotopia.
Do vậy, những việc Huyền Chip làm tuy có quá tuyệt diệu, đến nỗi không thể tin được đối với người Việt, nhưng thực ra chỉ là chuyện bình thường trên thế giới. Sai lầm của Huyền (lại một sai lầm nữa) là đã viết về nó, với những chi tiết không rõ ràng, lại có phần đánh bóng lên câu chuyện của mình, khiến người đọc không tin rằng tất cả đều là sự thật.
Traveler không phải là những người quá giàu có, nhưng họ là những người tự do. Huyền chip đã là một traveler với những tố chất riêng, với niềm đam mê chinh phục những con đường mới. Gần đây, chạy theo danh tiếng, những câu chuyện của em đã dần mất đi chất lửa, nét say mê đặc sắc ấy.
Dù vẫn không có nhiều ấn tượng tốt về em, nhưng mình vẫn mong em đứng vững qua những giông bão này, để lấy lại ngọn lửa đam mê, để tiếp tục là người truyền cảm hứng, giúp người trẻ Việt bước ra khỏi môi trường chật hẹp của mình và khám phá thế giới chung quanh. Để Việt Nam có thêm nhiều người lữ hành, và bớt đi các anh hùng bàn phím."
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)