Với tựa đề: "Huyền Chip - Hay lầm tưởng về du lịch bụi", Rosie Nguyễn đã làm sáng tỏ hầu hết những những vấn đề nghi ngờ của dân mạng về chuyến đi của Huyền Chip.
Huyền Chip - Xách balô lên và đi.
Sau đây là nội dung bài viết của Rosie Nguyễn:
"Mình biết Huyền chip từ ngày em ấy chưa nổi tiếng, ngày em vẫn lang thang ở Sài Gòn, ấp ủ một chuyến đi. Lúc đó mình mới tham gia vào trang Couchsurfing, thấy em hay hỏi thông tin travel trên diễn đàn, xin ý kiến từ những traveler khác, những người có nhiều kinh nghiệm đi bụi.
Nhưng lúc đó cũng chả có ấn tượng gì lắm, vì Couchsurfing là nơi mà dân du lịch vòng quanh thế giới đầy rẫy, nơi những ý tưởng đi xuyên lục địa cứ nảy ra hằng ngày như nấm mọc sau mưa, chẳng có gì lạ. Bẵng đi một thời gian, một người bạn mình bảo có em này hay lắm, và quăng cho mình link Facebook của Huyền.
Lướt qua những trang nhật ký của em ở Brunei, Malaysia, Ấn Độ, lòng vòng các nước Châu Á, thấy em có vẻ là một người khá cá tính. Rồi "Xách balô lên và đi" xuất bản, Huyền chip đột nhiên nổi lên như một hiện tượng mới, được báo chí và giới trẻ tung hô. Cái tên Huyền chip trở thành một thương hiệu khá ăn khách. Đến mình cũng phải ngỡ ngàng.
Phải nói thẳng một điều là mình không hề yêu thích Huyền chip, thần tượng hay ngưỡng mộ gì em ấy cả. Thậm chí còn thấy bình thường. Trước Huyền chip, đã có rất nhiều người Việt đi bụi khắp thế giới, và họ xứng đáng được tôn vinh hơn rất nhiều. Bác Nguyễn Tường Bách, một thành viên lão luyện của diễn đàn Phượt vừa xuất bản "Đường xa nắng mới", với chuyến đi lên Tây Tạng và khám phá đỉnh Ngân Sơn linh thiêng - thế giới của các vị Phật theo quan niệm của người Tây Tạng.
Cuốn sách thể hiện những chiêm nghiệm sâu sắc của một con người đã từng phiêu bạt giang hồ với vốn kiến thức uyên thâm, những cảm khái đáng quý của một tính cách khiêm tốn và giản dị. Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai với "Tôi là một con lừa" và hành trình độc đáo mô phỏng con đường Hồi giáo qua những vùng mưa bom lửa đạn như Lybia, Syria, nhằm cho độc giả những cái nhìn sâu sắc hơn về văn minh Lưỡng Hà, văn hóa Trung Đông và Hồi giáo, khiến cả bạn bè phương Tây cũng phải nể phục.
Những hành trình đó chẳng phải rất mạo hiểm phiêu lưu, chẳng phải mang những mục đích rất đáng quý đó sao? Nhưng có mấy ai biết đến tên tuổi của họ? Sách của họ in ra, nhanh chóng chìm trong những kệ sách đầy tiểu thuyết ngôn tình vớ vẩn.
Thế tại sao Huyền chip lại nổi tiếng dường ấy?
Thứ nhất, em ấy biết cách để tự lăng xê bản thân. Thứ hai, em ấy có mối quan hệ khá thân thiết với báo giới, khiến việc PR tên tuổi Huyền chip chuyên nghiệp và dễ dàng hơn.
Thứ ba, bản thân Huyền là một người có nhiều kỹ năng khá, như kỹ năng viết lách, kỹ năng xin việc làm, kỹ năng phượt... Mình dùng từ kỹ năng chứ không phải tài năng. Vì những gì Huyền thể hiện chưa đến mức gọi là tài năng. Vì mình biết những điều đó không chỉ riêng Huyền mà bất kỳ người nào cũng có thể trau dồi được qua thời gian.
Mới đây, Huyền chip ra mắt tập 2 của "Xách balo lên và đi" với tựa đề: "Đừng khóc ở Châu Phi". Mình chưa đọc hết tập 1 của "Xách balô lên và đ và cũng không có ý định mua tập 2, đơn giản vì mình không thích giọng văn của em ấy lắm. Nhưng mình không hiểu sao một số bạn lại nghi ngờ tính chân thực của những câu chuyện đó.
Đến Trần Ngọc Thịnh, một Fullbrighter (người từng được học bổng Fullbright của chính phủ Mỹ) được khá nhiều người theo dõi cũng bày tỏ sự ngờ vực, nhưng với giọng điệu nhẹ nhàng.
Còn những người khác thì phân tích từng điểm một, chế nhạo, thậm chí xúc phạm nhân phẩm em ấy bằng những lời lẽ chẳng lấy gì làm hay ho.
Là một phượt tử nghiên cứu khá kỹ về xuất nhập cảnh, visa, du lịch, đi bụi và các vấn đề liên quan, mình thấy những suy luận phản bác Huyền chip thực sự hết sức buồn cười. Những người nghi ngờ Huyền Chip là những người chưa hiểu gì về cái gọi là đi bụi.
Vì vậy, mình muốn đính chính một số điều mà người trẻ hay nhầm tưởng, không phải để bênh vực cho Huyền Chip, mà là để giúp những người muốn đi mà chưa đi được có cái nhìn đúng đắn hơn về phượt.
Một, 700 USD đi vòng quanh thế giới. Tiếng Anh có hai từ riêng biệt: "traveler" và "tourist", để phân biệt hai kiểu du lịch. Cùng là đi, nhưng kiểu tourist mà người Việt thường biết là những người du lịch nghỉ dưỡng, ở khách sạn, thăm danh lam thắng cảnh, mua quà cáp biếu bạn bè, và trở về.
Còn traveler là những người đi để hiểu về văn hóa bản địa, để kết bạn với dân địa phương, để làm giàu vốn sống của mình. Traveler tránh những nơi đông khách du lịch, ăn ở lăn lóc cùng dân bản xứ, khám phá những vẻ đẹp mà tourist không thể nào thấy được. Dĩ nhiên bạn không thể tour chỉ với 700 USD trong túi.
Nhưng bạn có thể travel với số tiền còn ít hơn thế. Câu chuyện của Huyền Chip thực sự không có gì nổi bật ở các nước Châu Âu, nơi việc nghỉ làm đi bụi vài năm về làm tiếp là chuyện thường ngày ở huyện. Với sự trợ giúp của các trang web chuyên về lữ hành, traveler có thể hitchhiking (xin đi nhờ), ở homestay Couchsurfing, xin làm việc trong HelpX để đổi lấy chỗ ngủ và thức ăn, hoàn toàn không mất tiền.
Các bạn trẻ phản đối Huyền chip chắc không hề biết rằng có một nghề mới nổi ở phương tây được gọi là "professional traveler" - dân lữ hành chuyên nghiệp. Những người này đi đến đâu làm việc đến đấy, làm đủ mọi nghề từ viết blog, chụp ảnh, phục vụ, làm báo... tất cả chỉ để kiếm đủ tiền và đi đến địa chỉ tiếp theo, cứ thế phiêu bạt khắp năm châu và sống cả đời trên những con đường lạ.
Khá nhiều người bạn của mình trên Couchsurfing đi lữ hành theo những cách không tốn nhiều tiền như vậy, và họ đã đi nhiều nơi trên thế giới. Mình cũng đã nhiều lần đi bụi và thấy chi phí không cao. Có một sự thật mà chỉ những người đã đi rồi mới biết, đó là bạn không cần có quá nhiều tiền để có thể "travel".
Thế nhưng, sai lầm của Huyền Chip ở đây là đã vô tình PR rầm rộ với danh hiệu: "Chỉ 700 USD đi vòng quanh thế giới", khiến khá nhiều người hiểu nhầm rằng chuyến lữ hành của em có tổng chi phí chỉ 700 USD mà không biết rằng đó thực ra chỉ là số tiền mặt em có trong túi khi mới bắt đầu hành trình, không biết Huyền đã phải cày cật lực, làm lụng khổ sở trên mỗi chặng đường tiếp theo ra sao.
* Bài viết được chia làm 2 kỳ. BẤM VÀO ĐÂY để đọc tiếp.