Bạo hành trẻ em: Các bà mẹ lan truyền cách bảo vệ con

Bích Hiền |

(Soha.vn) - Vụ việc hai bảo mẫu bạo hành trẻ em đang là tâm điểm chú ý của dư luận đồng thời làm dấy lên lo lắng làm thế nào để bảo vệ trẻ ở trường?

Những sự việc bạo hành, gây mất an toàn cho trẻ mẫu giáo liên tục diễn ra trong thời gian gần đây khiến cho những người làm cha mẹ cảm thấy lo lắng và bức xúc. Thông qua mạng xã hội, nhiều cha mẹ đã rỉ tai nhau những cách bảo vệ con mình khi ở trường. Đây chỉ là những kinh nghiệm cá nhân, có người đồng tình hoặc không nhưng dù sao vẫn là những chia sẻ quý giá mà cha mẹ có thể tham khảo.

Bảo vệ con ở trường thế nào khi không có tiền

Cảnh trẻ em bị bạo hành tại cơ sở mầm non tư thục Phương Anh, quận Thủ Đức, TP.HCM đang làm nóng dư luận những ngày qua. (Ảnh minh họa)

1. Khảo sát, tìm hiểu về ngôi trường bạn định cho con mình theo học:

- Vào bếp xem họ cho trẻ ăn gì? Nguồn thức ăn và cách chế biến có an toàn không? Kinh nghiệm cho thấy nếu cả thầy cô, hiệu trưởng, cán bộ trường đều cùng ăn ở đó thì cha mẹ có thể yên tâm.

- Lấy số điện thoại của cấp dưỡng. Gọi điện thoại cho cấp dưỡng để làm quen, làm thân, tìm hiểu thông tin về trường thông qua người này.

- Đi vòng quanh trường xem đồ chơi ở đó có vệ sinh sạch sẽ, an toàn không? Bàn ghế có đúng chuẩn, có góc cạnh nguy hiểm không?

- Làm quen, nói chuyện với tạp vụ, nhân viên bảo vệ, khéo léo điều tra xem trường có “tiền sử” gì nguy hiểm không? Có từng xảy ra kiện cáo gì không? Từ những người này có thể tìm hiểu được rất nhiều thông tin về trường.

- Hãy kín đáo dò hỏi những người xung quanh trường xem họ có nói gì không? Những nhà trẻ tư nhân thường lẫn trong khu dân cư, thể nào cũng có ai đó thấy cái gì đó bất thường.

- Lặng lẽ tìm hiểu về hiệu trưởng của trường, gồm những thông tin về học vấn, chuyên môn, cách quản lý, tính cách và tâm huyết với nghề…

2. Giai đoạn đưa con vào trường:

- Nói chuyện riêng với cô giáo chính và cô bảo mẫu về những điểm của con mình, nếu cần thiết thì viết vào miếng giấy để vào túi xách của con mỗi ngày.

- Thái độ cư xử với cô giáo hòa nhã, thân thiện nhưng cũng phải nghiêm khắc, tỏ rõ quan điểm không đồng tình với việc bạo hành trẻ, ép trẻ ăn… Một cách tế nhị phụ huynh nên đưa cho các cô thông điệp sẽ cứng rắn nếu con mình bị bạo hành ở trường.

- Vẫn tiếp tục sử dụng những kênh thông tin như bác bảo vệ, cấp dưỡng, tạp vụ… để bạn có thể nắm được thông tin ngay cả khi trường không có camera.

- Luôn trò chuyện với con hàng ngày để biết trong trường xảy ra những chuyện gì: Trẻ rất hay giấu diếm và có khi vì sợ cô giáo nên không dám nói với cha mẹ nếu có bị đối xử không tốt. Vì thế, cha mẹ phải biết cách để “điều tra”. Cần nói xa nói gần, chặn đầu chặn đuôi để trẻ kể ra nhiều chuyện.

Ví dụ: Thay vì hỏi cô có đánh con không thì nên hỏi: “Mẹ nghe bạn Bi nói bạn ấy bị đánh, cô giáo có còn đánh bạn nào trong lớp con nữa không?”

- Mỗi ngày con về nhà, khi tắm con, hãy chú ý da thịt con, đặc biệt là lòng bàn tay, bàn chân và đầu các khớp tay con

- Mỗi tuần cố gắng tìm cách đến trường đột xuất bằng cách giả vờ quên đồ gì đó cho con (nếu họ đóng cửa và phải gõ cửa thì hãy để ý phản ứng của những đứa trẻ khi có người lạ, ánh mắt của chúng có cầu cứu không?

- Nếu con đi nhà trẻ 1 tuần rồi mà vẫn khóc, níu áo mẹ và thảm thiết khổ sở thì hãy xem lại và làm những bước bên trên trước khi quá muộn!

3. Khi con gặp sự cố dù là nhỏ nhất:

- Trò chuyện với con thật kỹ để biết nguyên nhân của sự cố. Từ đó, cha mẹ nên bình tĩnh tìm ra cách xử lý.

- Nếu cần thiết thì nên trao đổi với cô giáo, bảo mẫu, hiệu trưởng về sự cố con mình gặp phải. 

Ngày 17/12, clip 2 bảo mẫu “ác quỷ” là Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý có hành vi hạnh hạ nhiều trẻ em đã gây chấn động dư luận.

Cụ thể, hai bảo mẫu này đã bóp cổ, bẻ cổ, gí đầu xuống đất, lấy khăn bịt mũi, tát bôm bốp vào mặt các em nhỏ. Thậm chí, bảo mẫu Lý dùng tay xốc ngược bé gái lên cao rồi nắm tóc cho chúi đầu vào trong thùng phuy đựng nước cao 1,5m mặc cho bé gái la hét, hai tay bấu víu lấy chân khóc lóc, van xin trong tuyệt vọng.

Ngay trong chiều 17/12, Công an quận Thủ Đức (TP.HCM) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam hai đối tượng Lê Thị Đông Phương (31 tuổi, chủ cơ sở trông giữ trẻ tư nhân Phương Anh, 18 đường Hiệp Bình, P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức, TP.HCM) và Nguyễn Lê Thiên Lý (19 tuổi) để điều tra hành vi Hành hạ người khác.

Video bạo hành trẻ đang khiến dư luận dậy sóng.

Kính mời độc giả chia sẻ thêm những kinh nghiệm bảo vệ con mình tránh được bạo lực học đường, đặc biệt là với những bé cấp mẫu giáo hoặc tiểu học. Những thông tin tốt sẽ được tòa soạn trả nhuận bút trong vòng 24h. Quý độc giả muốn bình luận, nêu ý kiến về vấn đề này, xin gõ vào ô Viết bình luận phía dưới bài báo. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại