Bản đồ vùng Biển Đen, trong đó có bán đảo Crimea và thành phố cảng Sevastopol. Ảnh: Shutterstock.
Dồn dập các vụ nổ và tấn công ở hậu tuyến quân Nga
Thông tin cho hay, Tổng thống Nga Putin đã thay thế Tư lệnh Hạm đội Biển Đen vào thời điểm chỉ 3 ngày sau khi căn cứ không quân Saki (thuộc hải quân Nga) gần bờ biển Crimea hứng chịu những vụ nổ kỳ lạ gây ra những thiệt hại đáng kể (vào ngày 9/8/2022).
Động thái này diễn ra trong bối cảnh quân đội Ukraine đang chuyển hướng sang giành lại lãnh thổ ở miền Nam và cả ở bán đảo Crimea chiến lược.
Trong khi đó, máy bay Nga đang được đưa vào các căn cứ nằm sâu hơn bên trong bán đảo Crimea hoặc phần lục địa của nước Nga.
Thành phố Sevastopol, nơi đặt đại bản doanh của Hạm đội Biển Đen, được đặt trong tình trạng báo động cao. Ukraine cũng đe dọa tấn công phá hủy cây cầu Kerch nổi tiếng nối Crimea với lục địa Nga.
Đã có 2 cuộc "tấn công" lớn chỉ trong một tuần nhằm vào các mục tiêu quân sự trên bán đảo Crimea do Nga kiểm soát. Các vụ nổ này đã phá hủy một kho đạn và các máy bay quân sự. Hơn 3.000 người đã phải sơ tán.
Dấu hiệu Ukraine áp dụng chiến thuật du kích
Ban đầu Ukraine tỏ ra lưỡng lự thừa nhận mình đứng đằng sau các diễn biến này. Nhưng sau đó ngày càng có dấu hiệu đó là tác phẩm của lực lượng đặc nhiệm Ukraine.
Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014. Bán đảo này đóng vai trò chiến lược là làm bàn đạp tấn công Ukraine trong xung đột quân sự 2022. Ukraine trước đó vạch kế hoạch tái chiếm các lãnh thổ của mình, nhưng cuối cùng một cuộc phản công thực sự vẫn chưa xảy ra. Ukraine có phương tiện để phòng thủ nhưng thiếu quân và thiết bị cho một cuộc tấn công quy mô lớn.
Chính Ngoại trưởng Ukraine Oleksii Reznikov giải thích vào hôm 17/8 rằng kế hoạch của họ bao gồm tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ do Nga chiếm, đặc biệt là Crimea, nhằm làm suy yếu năng lực của các lực lượng quân sự Nga ở tiền tuyến.
Ngoại trưởng Reznikov giải thích với tờ Washington Post: "Chúng tôi đang sử dụng một chiến lược phá hủy kho tàng của họ, hàng hóa của họ, phá hủy sở chỉ huy của họ, tổng hành dinh của họ... Đó là lời đáp trả của chúng tôi trước chiến thuật xay thịt của đối phương".
Giới chức Nga đã thừa nhận kho đạn cất trữ tại căn cứ Saki đã phát nổ nhưng đánh giá tình hình không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, hình ảnh vệ tinh cho thấy có một số máy bay quân sự Nga bị phá hủy.
Nếu nhận định của giới quan sát là chính xác thì loạt vụ nổ vừa qua ở căn cứ Saki và vụ tấn công trụ sở Hạm đội Biển Đen là rất đáng lưu ý.
Vì, các sự kiện này cho thấy Ukraine có khả năng tổ chức "kháng chiến'" hoặc tấn công bằng lực lượng đặc nhiệm ngay bên trong Crimea và có thể ở cả các lãnh thổ khác, sử dụng lối tấn công kiểu du kích nhằm vào các lực lượng Nga. Các cuộc tấn công nhỏ lẻ rất khó chống lại bằng phương pháp chiến tranh quy ước.
Ukraine hiện chưa sở hữu tên lửa có tầm bắn xa đủ vươn tới các căn cứ Nga bên ngoài các vùng lãnh thổ do Ukraine kiểm soát hiện nay. Do vậy, du kích chiến sẽ là chiến thuật mới của Ukraine.
Lối đánh này lôi kéo trực tiếp Crimea vào cuộc chiến Ukraine - Nga hiện nay, đe dọa ảnh hưởng đến năng lực hoạt động quân sự của Nga ở miền Đông Ukraine. Ban lãnh đạo Nga giờ có thể đang chú ý nhiều đến công tác bảo đảm an ninh cho bán đảo Crimea.
Hiện nay chưa rõ liệu Ukraine có tập hợp được các nguồn lực quân sự của mình để tổ chức các cuộc tấn công quy lớn để đẩy quân Nga ra khỏi vùng Donbass và bán đảo Crimea hay không.
Bài toán khó giải Crimea
Vị thế của Crimea là vấn đề chính gây ra tranh cãi giữa Nga và Ukraine kể từ khi Liên Xô tan rã. Vấn đề này có nguồn gốc lịch sử sâu xa. Hải quân Đế chế Nga thời Pi-e Đệ nhất đã coi các cảng tự nhiên của Crimea là một tài sản chiến lược quan trọng.
Thời kỳ Xô viết, Crimea nằm trong lãnh thổ Nga cho đến khi lãnh tụ Liên Xô Nikita Khrushchev trao lãnh thổ này cho Ukraine vào năm 1954.
Khi Liên Xô sụp đổ, ranh giới của các quốc gia mới đồng nhất với ranh giới giữa các nước cộng hòa thành viên của Liên Xô trước đó, và do vậy Crimea vẫn nằm trong quyền quản lý của Ukraine.
Nhưng ngay từ khi đó, tâm lý bất mãn đã xuất hiện trong nước Nga, do tầm quan trọng chiến lược của Crimea và thực tế có tới 60% dân số Crimea là người tộc Nga.
Tuy nhiên, theo Bản ghi nhớ Budapest năm 1994, Nga cam đoan bảo đảm an ninh và toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine, còn Ukraine có trách nhiệm giải trừ toàn bộ kho vũ khí hạt nhân mình và bàn giao số vũ khí đó cho Nga.
Sau này, Nga tìm cách gây ảnh hưởng lên Ukraine thông qua mối quan hệ gần gũi với Tổng thống Ukraine thời trước là Viktor Fedorovych Yanukovych. Tuy nhiên, ông Yanukovych bị lật đổ trong sự kiện Maidan năm 2013.
Tháng 12/2014, Tổng thống Putin quyết định sáp nhập Crimea sau cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea về vấn đề này.
Giới phân tích phương Tây hiện đánh giá rằng ít khả năng Nga sẽ sớm bước vào đàm phán chấm dứt chiến tranh, bất kể tình hình ở Crimea hiện nay.
Nếu đàm phán nối lại, vấn đề Crimea vẫn sẽ là một điểm nghẽn chính. Kết quả cuối cùng sẽ tùy thuộc vào hiệu quả của các chiến dịch quân sự đôi bên cũng như thái độ của chính người dân trên bán đảo Crimea.