Chúng ta đang chuẩn bị bước sang năm thứ 3 của đại dịch COVID-19. Biến thể Delta đang dần bị Omicron soán ngôi. Để COVID-19 có thể chuyển từ đại dịch thành bệnh đặc hiệu cần phải có những giải pháp cụ thể mà xuất phát điểm phải từ bản thân của chính chúng ta.
Chúng ta cần chủ động nhiều hơn là bị động. Hãy học hỏi những kinh nghiệm từ quá khứ, hãy sữa chữa những sai lầm trước khi quá muộn, hãy tối ưu hoá những cách chúng ta sẽ làm và tối ưu hoá cả chính bản thân chúng ta.
Cố Giám đốc sáng tạo của hãng thời trang Lanvin, ông Alber Elbaz đã từng nói: "Người ta thường hay bảo 'Đừng sửa những gì không hỏng'. Nhưng theo tôi hãy sửa trước khi nó bị hỏng". Ông Alber Elbaz đã qua đời sau khi nhiễm COVID-19 vào tháng 4/2021.
Với ý nghĩ đó, bác sĩ phẫu thuật thần kinh của Trung tâm Y tế Emory kiêm Trưởng bộ phận phóng viên y tế của đài CNN (Hoa Kỳ), ông Sanjay Gupta đã đưa ra một danh sách những giải pháp đơn giản mà ai cũng có thể làm được để đối phó với đại dịch trong năm mới.
1. Tiêm phòng
Tiêm mũi vaccine tăng cường là cách tốt nhất để chống lại Omicron. Ảnh minh hoạ.
Đây là việc cần làm đầu tiên trong năm mới. Mặc dù vaccine ngừa COVID-19 đã xuất hiện hơn 1 năm nay nhưng cho tới hiện tại chỉ có khoảng 62% quốc gia trên thế giới được tiêm chủng đầy đủ.
Tiêm phòng là cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc các biến chứng nặng nề nếu chẳng may bị nhiễm COVID-19. Theo một thống kê gần đây, nỗ lực triển khai tiêm vaccine của Hoa Kỳ đã ngăn chặn được 1,1 triệu ca tử vong do COVID-19, hơn 10,3 triệu ca nhập viện và gần 36 triệu ca mắc mới (tính đến 11/2021). Tuy nhiên, đáng tiếc là vẫn nhiều ca tử vong có thể phòng ngừa được đã xảy ra trong thời điểm vaccine luôn có sẵn.
Vaccine rất có hiệu quả trong việc chống lây nhiễm Delta, biến thể vẫn đang gây ra nhiều đợt bùng phát ở nhiều quốc gia. Một số nghiên cứu sơ bộ cho thấy nhiều loại vaccine hiện hành kém hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa nhiễm Omicron nhưng chúng vẫn được chứng minh giúp giảm thiểu các trường hợp nhập viện và tử vong, đặc biệt là với các mũi tiêm nhắc lại. Vì vậy, hãy đi tiêm vaccine ngay lúc này nếu bạn đã đủ điều kiện tiêm chủng.
2. Tăng cường sức khoẻ thể chất
Bên cạnh vaccine, có những cách quan trọng khác để giúp cơ thể chống lại dịch bệnh. Chúng ta thường có động lực để giữ gìn sức khoẻ thông qua những lo sợ về những bệnh tật mà mình có thể mắc trong tương lai. Chúng ta ăn uống đúng cách để phòng ngừa ung thư hoặc sa sút trí tuệ ở tuổi già, tập thể dục để tránh mắc bệnh tim mạch. Đại dịch đã dạy chúng ta rằng cơ thể khoẻ mạnh là điều tốt nhất có thể bảo vệ chúng ta khỏi nguy cơ mắc các bệnh lý nghiêm trọng, không chỉ bây giờ mà còn trong nhiều thập kỷ sau này. Hãy giữ cho bản thân luôn được khoẻ mạnh nhất có thể để tăng khả năng chống lại virus SARS-CoV-2 nếu không may bị nhiễm.
Ăn uống đủ chất tăng cường sức khoẻ cho cơ thể. Ảnh minh hoạ.
Nếu bạn hút thuốc, hãy cố gắng bỏ. Nếu bạn không tập thể dục, hãy bắt đầu. Hoạt động thể chất rất quan trọng để có một sức khỏe tốt - ngay cả những việc có vẻ bị xem nhẹ như đi bộ cũng có thể mang lại hiệu quả kỳ diệu.
Nếu bạn mắc các bệnh lý mạn tính về gan, thận, tim hoặc bệnh tiểu đường, hãy cố gắng quản lý bệnh thật tốt vì tất cả những tình trạng này đều đã được chứng minh có thể gây ra những biến chứng tồi tệ khi bị nhiễm COVID-19.
Béo phì và thừa cân cũng là những tình trạng có liên quan tới những ca bệnh COVID-19 nặng. Hãy giữ cân nặng ở mức độ hợp lý.
Tuy nhiên, thay vì ăn kiêng để giảm cân, hãy ăn uống đúng cách và đủ chất để tăng cường hệ miễn dịch. Không nên tập trung vào 1 loại thực phẩm, nên ăn đa dạng nhiều loại thức ăn. Có thể kích thích sự hoạt động của vi khuẩn có lợi trong đường ruột bằng cách bổ sung các loại thức ăn lên men như sữa chua, dưa muối. Các vi khuẩn có lợi trong đường ruột được cho là có tác dụng trong việc tăng cường hệ miễn dịch.
Điều cần lưu ý đó là: dù bạn chọn loại thực phẩm nào, hãy lắng nghe cơ thể để biết mình có phù hợp hay không.
3. Nhà cũng là phòng tuyến chống dịch
Hãy đảm bảo mọi người trong gia đình bạn đều đã được tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 cũng như các loại vaccine cần tiêm hàng năm để ngừa các loại bệnh thường gặp khác như cúm.
Bên cạnh đó, mỗi thành viên trong gia đình nên có thói quen sát khuẩn tay và các bề mặt tiếp xúc nhiều. Bạn nên chuẩn bị sẵn nhiều khẩu trang trong nhà để có thể dùng bất cứ lúc nào cần thiết. Nếu có quyết định tụ tập trong nhà, hãy đảm bảo giữ thông thoáng gió bằng cách mở cửa sổ hoặc bật máy lọc không khí có màng lọc chuyên dụng. Nhiều chuyên gia y tế khuyên rằng hãy làm các xét nghiệm nhanh trước khi quyết định gặp gỡ bạn bè hoặc tụ họp với người thân.
Hãy áp dụng mô hình phô mai Thụy Sĩ: Không có biện pháp nào có hiệu quả 100% trong việc bảo vệ bạn khỏi nguy cơ nhiễm COVID-19 nhưng với mỗi lớp bổ sung, bạn sẽ được bảo vệ nhiều hơn.
Mô hình phô mai Thuỵ Sĩ trong việc bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Ảnh: Clevelandclinic.
4. Chống dịch từ chính tâm trí của bạn
Sức khoẻ tâm thần là điều vô cùng quan trọng, đặc biệt trong thời kỳ đại dịch. Hãy luôn giữ tâm trạng thoải mái, vui vẻ. Những bài tập thiền, yoga, vẽ, hát hoặc chăm sóc một vài cây xanh trong nhà cũng có thể giúp bạn cảm thấy thư giãn hơn. Hãy quan tâm tới những người xung quanh mình, hãy làm những điều bạn yêu thích.
Hãy cùng nhau hành động vì tương lai của chúng ta. Xin kính chúc quý độc giả một năm mới nhiều sức khoẻ và bình an!
(Nguồn: CNN, tổng hợp)