Đau bụng, tắc ruột vì giun
Anh Nguyễn Văn Đông trú tại Diễn Châu, Nghệ An người gầy ốm, da xanh như tàu lá. Anh thường xuyên đau bụng nhưng gia đình đưa đi khám không phát hiện ra bệnh gì.
Đến khi bụng của anh chướng to như cái trống, đau không ăn được, da vàng, anh đến bệnh viện siêu âm thì bác sĩ phát hiện giun chui cuống mật và siêu âm ổ bụng phát hiện rất nhiều giun đũa.
Các bác sĩ cho sử dụng thuốc tẩy giun thu được hàng trăm con giun đang chui từ ổ bụng lên cuống mật hứng thức ăn.
Hình ảnh con giun qua ống nội soi.
Hay trường hợp của chị Trần Thị Lụa, Ý Yên, Nam Định cũng tương tự. Chị Lụa đau bụng nhiều ngày không khỏi.
Đau từ bụng tan toả ra lưng nên chị Lụa đi khám tổng quát. Bác sĩ cho làm nội soi tiêu hoá. Hình ảnh nội soi khiến bác sĩ phải giật mình vì giun đũa kết lại trong ruột gây tắc ruột.
Các bác sĩ phải gắp giun nhưng rất khó vì giun nhiều và kết chặt lại với nhau.
Chị Lụa đang mang thai không thể sử dụng thuốc nhưng giun làm viêm tuyến mật và tuỵ nên bác sĩ buộc phải sử dụng thuốc tẩy giun dưới sự kiểm soát chặt chẽ để cứu chị Lụa.
Giáo sư Đề cho hay người ta coi thường bệnh giun nên không bao giờ kiểm tra ký sinh trùng trong cơ thể.
Trong khi đó, giun gây ra nhiều bệnh lý khác nhau, có thể gây tử vong nếu giun chui vào cuống mật và tuỵ gây viêm tuỵ, viêm cuống mật.
Có những bệnh nhân da vàng, mắt vàng vì bị giun chui vào cuống mật, gây viêm gan cấp tính. Có những bệnh nhân bị tạo ổ áp xe trong gan tạo mủ rất kinh khủng.
Giun đũa gây thủng ruột, gây tắc ruột, viêm ruột thừa, làm suy nhược cơ thể vì giun ăn hết chất dinh dưỡng của người. 10 con giun một ngày ăn hết 3 gram chất đạm tương tương với 20 gram thịt bò.
95 % người mắc phải
Một con giun trưởng thành cư trú ở ruột non có thể đẻ 240 nghìn trứng/ngày. Trứng chưa được thụ tinh hay đã thụ tinh sẽ theo phân đi ra ngoài.
Người nuốt phải trứng giun, ấu trùng sẽ nở ra khỏi vỏ trứng và chui vào thành ruột theo hệ thống tuần hoàn vào phổi.
Ấu trùng sống ở phổi 10 – 14 ngày sau đó nó sẽ chui qua thành phế nang đến phế quản và hầu rồi lại theo thực quản xuống ruột non phát triển thành giun trưởng thành.
Bệnh giun đũa phổ biến ở Việt Nam. Tổ chức Y tế thế giới WHO ước tính trên thế giới có 1, 4 tỷ người bị nhiễm giun đũa và 60 nghìn người chết do giun đũa hàng năm
Tại Việt Nam, bệnh giun đũa là một bệnh xã hội nghiêm trọng với tỷ lệ nhiễm cao từ 85 đến 95%.
Chúng đã ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng lao động của hàng chục triệu người cũng như sự phát triển thể lực và trí tuệ của trẻ em.
Theo Giáo sư Đề, tỷ lễ nhiễm giun đũa đứng đầu hàng trong các bệnh đường ruột và tại miền bắc ở các vùng đồng bằng là 80-95%, vùng trung du 80 -90%, vùng núi 50-70%, vùng ven biển 70%.
Miền trung vùng đồng bằng 70,5%, miền núi 38,4% ven biển 12,5%. Tây Nguyên chỉ có từ 10 đến 25%. Miền nam vùng đồng bằng 45-40%, vùng đống bằng sông Cửu Long dưới 10%.
Khi giun vào bụng, đẻ trứng và thành giun trưởng thành gây ra các bệnh rối loạn tiêu hóa với các triệu chứng như đầy bụng, khó tiêu, đau vùng bụng trên, quanh rốn.
Giảm ngon miệng, chán ăn, không biết đói.
Các triệu chứng viêm ruột mãn tính như táo bón, tiêu chảy xen kẽ, bất thường, kéo dài. Mức độ rối loạn tiêu hóa tùy thuộc vào số lượng giun sinh sống trong ruột.
Ngoài ra, giun đũa còn gây dị ứng, gây đau bụng do giun chui cuống mật.
Giun đũa ở trẻ em cao hơn người lớn, gây ra suy dinh dưỡng, chán ăn ở trẻ. Đặc biệt, nhiễm giun có thể tái nhiễm sau điều trị 6 đến 9 tháng vì thế các chuyên gia khuyên nên tẩy giun 6 tháng 1 lần.
Điều trị giun đũa, giáo sư Đề cho biết chỉ cần cho sử dụng thuốc trị giun.
Tuy nhiên, để điều trị giun đũa hiệu quả, các bác sĩ khuyên nên điều trị cả gia đình, có thể điều trị ở cơ sở y tế hoặc ở nhà. Thuốc điều trị giun đũa rất rẻ và bán rộng rãi trên thị trường.