Con đường đưa Không quân Israel thống trị Trung Đông

QS |

Ưu thế mà Không quân Israel đạt được là nhờ họ có chương trình huấn luyện hiệu quả, nắm được điểm yếu của đối thủ, linh động trong thiết kế và mua sắm trang thiết bị.

Trong bài viết trên tờ National Interest, nhà phân tích Robert Farley cho biết, kể từ những năm 1960, không quân Israel (IAF) – một bộ phận của Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) - đã đóng vai trò trung tâm trong mạng lưới phòng thủ quốc gia.

IDF có được lợi thế lớn khi chiến đấu là nhờ IAF có khả năng phòng thủ chiến trường và bảo vệ cư dân Israel trước các cuộc tấn công đường không của đối phương.

Ngoài ra, lực lượng này còn cho thấy hướng tiếp cận chiến lược và khả năng tấn công các mục tiêu quan trọng từ khoảng cách xa.

Ưu thế của IAF đạt được là nhờ họ có chương trình huấn luyện hiệu quả, nắm được điểm yếu của đối thủ, linh động trong thiết kế và mua sắm trang thiết bị.

Trong nhiều năm qua, Israel đã thử nghiệm nhiều chiến lược khác nhau để tăng cường lực lượng không quân, như mua máy bay chiến đấu từ Pháp, Mỹ và thậm chí là tự chế tạo trong nước. Hiện tại, họ có vẻ đã quyết định kết hợp 2 lựa chọn phía sau, mang lại hiệu quả cao.

Nền tảng công nghệ ban đầu của Israel

Trong thời kỳ đầu, Israel mua bất cứ loại vũ khí nào mà họ mua được, từ bất cứ nhà cung cấp nào mà họ tìm thấy.

Vì thế, IDF được trang bị khí tài có nguồn gốc khác nhau, phần lớn từ các nhà cung cấp châu Âu. Tuy nhiên, tới cuối những năm 1950, Israel đã đạt được mối quan hệ giao dịch vũ khí với một số quốc gia nhất định, đáng chú ý nhất là Anh và Pháp.

Mối quan hệ với Pháp sau này đã "đơm hoa kết trái", mang lại cho Israel những thiết bị quân sự công nghệ cao, trong đó có máy bay chiến đấu Mirage và còn hỗ trợ đáng kể cho chương trình hạt nhân của nước này.

Con đường đưa Không quân Israel thống trị Trung Đông - Ảnh 1.

Máy bay Mirage IIICJ trong bảo tàng không quân Israel. Ảnh: Wiki

Các máy bay chiến đấu Mirage đã trở thành nòng cốt của IAF trong cuộc chiến tranh Sáu ngày năm 1967, trong đó, Israel đã triệt tiêu phần lớn lực lượng không quân của đối phương chỉ trong vài giờ đầu của cuộc xung đột.

Thế nhưng, cũng chính trong năm 1967, Pháp áp đặt lệnh cấm vũ khí đối với Israel, khiến Tel Aviv rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan".

IDF cần thêm máy bay chiến đấu và đồng thời muốn tìm kiếm những khả năng mà các tiêm kích Mirage không có, như khả năng tấn công mặt đất tầm trung.

Chiểu theo những yêu cầu này, Israel đã áp dụng chiến lược "đánh cắp những gì mà họ cần".

Để bổ sung các khung máy bay hiện có, Israel đã tìm cách có được bản thiết kế kỹ thuật của máy bay Mirage thông qua gián điệp, sau đó cho ra đời 2 mẫu máy bay chiến đấu Nesher và Kfir của Tổ hợp công nghiệp hàng không vũ trụ Israel (IAI).

Con đường đưa Không quân Israel thống trị Trung Đông - Ảnh 2.

Chiến đấu cơ Nesher của Israel trên cao nguyên Golan trong chiến tranh Yom Kippur. Ảnh: Wiki

Mẫu Kfir được lắp đặt động cơ mạnh hơn do Mỹ thiết kế và trong một khoảng thời gian, nó đã đóng vai trò là tiêm kích chủ lực của không quân Israel.

Cả hai mẫu máy bay này đều đạt được thành công trên thị trường xuất khẩu, trong đó mẫu Nesher hiện đang phục vụ Không quân Argentina, còn mẫu Kfir có trong trang bị của Colombia, Ecuador và Sri Lanka.

Con đường đưa Không quân Israel thống trị Trung Đông - Ảnh 3.

Máy bay Kfir C.1 do IAI chế tạo. Ảnh: Wiki

Nhiều ý kiến nhận định, sự thành công của mẫu Kfir cho thấy Israel có thể tự đứng vững trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, loại bỏ sự phụ thuộc vào nhà cung cấp nước ngoài.

Tuy nhiên, trên thực tế, Israel vẫn tiếp tục đầu tư mạnh tay vào các loại máy bay nhập ngoại. IDF bắt đầu mua các máy bay F-14 Phantom và F-15 Eagle từ Mỹ vào cuối thập niên 60 và giữa thập niên 70 của thế kỷ trước.

Trong đó, thương vụ F-15 Eagle đã vô tình gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị, bởi 3 chiếc đầu tiên được chuyển giao ngay trước ngày Shabbat (ngày nghỉ trong Do Thái giáo).

Trong cuốn "Israel: The embattled ally", tác giả Nadav Safran cho biết, vào ngày 10/12/1976, các quan chức chính phủ Israel đã tham gia lễ tiếp nhận các máy bay từ Mỹ. Do buổi lễ diễn ra ngay trước ngày Shabbat (11/12) nên một số quan chức sẽ phải vi phạm điều cấm kỵ của ngày lễ linh thiêng này để lái xe từ căn cứ không quân về nhà.

(Theo trang aish.com – một website dành cho người Do Thái, không được châm hoặc dập tắt lửa vào ngày Shabbat. Việc lái xe vì thế được xếp vào một trong những điều cấm kỵ, bởi nó đòi hỏi phải đốt cháy nhiên liệu).

Cuộc tranh luận gay gắt diễn ra tiếp theo đã góp phần buộc ông Yitzhak Rabin chất dứt nhiệm kỳ đầu tiên trên cương vị thủ tướng Israel (sau đó được bầu lại vào năm 1992).

Tuy nhiên, nhiều người ở Israel – những người vẫn còn phấn khởi trước sự thành công đáng kể của mẫu máy bay Kfir và hy vọng lĩnh vực công nghệ cao của Israel sẽ có bước tiến xa hơn – vẫn đặt niềm tin vào tham vọng tự chế tạo máy bay chiến đấu của nước này.

Giống như các đối tác ở Liên Xô và Mỹ, Không quân Israel cho rằng sự pha trộn các loại máy bay chiến đấu ở mức độ cao/thấp sẽ đáp ứng được nhu cầu của họ.

Quan điểm này dẫn tới sự ra đời của Lavi – mẫu máy bay chiến đấu đa nhiệm hạng nhẹ, có thể bổ trợ cho các máy bay F-15 Eagle mà Israel vẫn tiếp tục mua từ Mỹ.

Nó được trang bị một số hệ thống do Mỹ cấp phép, có bề ngoài tương tự F-16 nhưng khác ở kết cấu cánh.

Tuy nhiên, việc phát triển mẫu Lavi từ bản vẽ đòi hỏi phải có sự đầu tư khổng lồ từ phía chính phủ, dù lợi thế của nó (nếu có) trước F-16 cũng không đáng kể.

Bên cạnh đó, Mỹ kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ hơn nhiều so với Pháp và họ cũng có nhiều công cụ đáng sợ hơn để buộc đối tác phải tuân thủ.

Vì thế, mặc dù ban đầu có chút lạc quan về triển vọng xuất khẩu mẫu tiêm kích Lavi nhưng chẳng bao lâu sau, Israel đã nhận ra rằng Mỹ sẽ không cho phép họ xuất khẩu rộng rãi mẫu máy bay sử dụng nhiều bộ phận do Mỹ sản xuất.

Để mẫu Lavi cạnh tranh trực tiếp với F-16 sẽ chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề.

Tháng 8/1987, Nội các Israel "khai tử" dự án Lavi, dẫn tới sự bất mãn từ phía tổ hợp công nghiệp hàng không vũ trụ Israel (IAI) và các công nhân tham gia dự án.

Nỗ lực chính trị nhằm khôi phục dự án đã thất bại. Cuối cùng, Israel nhập khẩu một lượng lớn máy bay chiến đấu F-16 từ Mỹ.

Con đường đưa Không quân Israel thống trị Trung Đông - Ảnh 4.

Nguyên mẫu Lavi B-02. Ảnh: Wiki

Tuy nhiên, ở thế giới bên kia, Lavi vẫn có thể giết chết triển vọng xuất khẩu của tiêm kích F-22 Raptor. Lo ngại rằng Israel đã chia sẻ công nghệ Lavi (và F-16) cho Trung Quốc (dẫn tới sự ra đời của J-10), Quốc hội Mỹ đã cấm xuất khẩu F-22 dưới mọi hình thức.

Quyết định đó đã khiến Israel và một số quốc gia khác không có được mẫu tiêm kích hàng hình này.

Phương án thay thế

Thay vì theo đuổi các dự án máy bay chiến đấu nội địa, gần đây, Israel đã tiến hành nâng cấp sâu rộng các máy bay mua từ Mỹ.

Hai mẫu F-15I "Thunder" và F-16I "Storm" đã được nâng cấp đáng kể để tối ưu hóa cho Không quân Israel. Chúng được mở rộng tầm hoạt động, cải tiến hệ thống điện tử hàng không, cho phép IDF tác chiến hiệu quả ở phạm vi cách xa căn cứ hơn trước.

F-15I, một biến thể của F-15E Strike Eagle, là phương tiện tấn công tầm xa quan trọng nhất của Không quân Israel.

Ngoài ra, Không quân Israel cũng đã tiến hành một số điều chỉnh để tiêm kích F-35 mới mua từ Mỹ phù hợp hơn với hoạt động của họ, như sửa đổi phần mềm.

Tổ hợp công nghiệp hàng không vũ trụ Israel (IAI) vẫn tiếp tục gặt hái thành công lớn, dù không có dự án máy bay chiến đấu đáng kể nào.

Họ tích cực phát triển và xuất khẩu các bộ phận, phụ tùng phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, như đạn dược và hệ thống điện tử hàng không.

Bên cạnh đó, IAI cũng phát triển lớn mạnh hơn trên thị trường UAV, với những thành công đạt được cả trong và ngoài nước.

Bất chấp thất bại của dự án Lavi, ngành công nghiệp quốc phòng công nghệ cao của Israel vẫn phát triển suôn sẻ và sẽ có những tác động đáng kể tới nền kinh tế nước này.

Chính sách công nghiệp của Israel hiện tập trung vào mục tiêu: đầu tư vào những phát minh công nghệ cao mang lại lợi ích cho cả quốc phòng và sự phát triển kinh tế.

Chiến lược phát triển hàng không của Israel hiện nay vẫn phụ thuộc vào mối quan hệ với Mỹ. Bất chấp những lo ngại về an ninh liên quan tới lệnh cấm xuất khẩu F-22, mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ-Israel không bị ảnh hưởng lớn.

Song, nếu "điều không tưởng" xảy ra và Israel phải tìm kiếm một đối tác khác thì với sự thành thục trong lĩnh vực chế tạo hệ thống bộ phận và các hệ thống hỗ trợ, họ sẽ không mất quá nhiều thời gian để tìm kiếm đối tác thay thế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại