Cơ thể xuất hiện 4 dấu hiệu này, cẩn thận tiểu đường 'ghé qua'

Mộc Trà |

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, nếu cơ thể xuất hiện những dấu hiệu này thường xuyên thì bạn cần nghĩ ngay đến bệnh tiểu đường.

Theo Bác sĩ CKII Trần Thùy Ngân, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, Việt Nam có hơn 5 triệu người bị tiểu đường, trong đó 50% trường hợp không biết bản thân mắc bệnh. Và khi phát hiện ra tiểu đường, chỉ có khoảng 30% người phát hiện bệnh được điều trị tốt.

Cho đến thời điểm hiện nay, vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào tìm ra phương pháp chữa khỏi hoàn toàn bệnh đái tháo đường. Trước khi mắc tiểu đường, người bệnh thường bị rối loạn dung nạp glucose (đường), các dấu hiệu cảnh báo hầu như không có hoặc dễ bị nhầm với triệu chứng của bệnh lý khác.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tiểu đường là hiện tượng dư thừa đường trong cơ thể, biểu hiện là lượng đường trong máu luôn ở mức cao. Phát hiện sớm bệnh tiểu đường giúp bệnh nhân có phương pháp điều trị tốt nhất cũng như có biện pháp phòng tránh biến chứng một cách hiệu quả. Dưới đây là một số dấu hiệu có thể giúp bạn nhận biết sớm bệnh tiểu đường:

Tiểu nhiều: Tình trạng này xảy ra là do lượng đường trong máu cao hơn bình thường, thận phải hút nước từ các mô pha loãng glucose rồi bài tiết qua nước tiểu. Sau đó, các tế bào sẽ đẩy chất lỏng vào máu, đào thải đường. Trong quá trình lọc, thận không hấp thu chất lỏng dẫn đến tiểu nhiều. Trẻ nhỏ mắc bệnh tiểu đường type 1 thường đái dầm vào ban đêm, tiểu không tự chủ. Trường hợp mắc bệnh nặng có thể bị mất nước.

Khát nước: Khi lượng đường trong máu cao, cơ thể sẽ loại bỏ đường dư thừa qua nước tiểu. Vì thế, người bệnh bị mất nước và chất điện giải, dẫn tới khát nước quá mức.

Đói: Bệnh nhân thấy đói do cơ thể không có khả năng dùng đường nhằm tạo năng lượng. Ở người bình thường, insulin đưa đường từ máu đến các tế bào nhằm nạp năng lượng cho cơ thể. Trường hợp lượng đường trong máu tăng, đường không được chuyển hóa thành năng lượng, từ đó tạo cảm giác đói.

Mệt mỏi: Lượng đường trong máu cao có thể khiến bệnh nhân mệt mỏi. Đây là kết quả của tình trạng thiếu hoặc kháng insulin, thực phẩm hấp thụ không được sử dụng làm năng lượng nuôi dưỡng cơ thể. Hầu hết những người mắc tiểu đường type 1 và 2 đều có triệu chứng mệt mỏi.

Ngoài các triệu chứng trên, bệnh nhân còn bị khô miệng, khô da, ngứa, vết thương trên da khó lành, nhiễm trùng khoang miệng, mắc bệnh gai đen (nhiều mảng da đổi màu thành nâu, đen). Nam giới mắc bệnh trong thời gian dài dễ rối loạn cương dương….

"Khi thấy cơ thể xuất hiện các dấu hiệu trên trong một thời gian dài và không rõ nguyên nhân, mọi người nên đến các cơ sở y tế sớm nhất để khám và điều trị kịp thời", PGS Lâm lưu ý.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại