Tại Bệnh viện K từng tiếp nhận trường hợp một cặp vợ chồng 35 tuổi, cùng đi khám vì chán ăn, sụt cân nhanh. Riêng người chồng xuất hiện cảm giác đau tức vùng bụng phải. Người vợ có dấu hiệu da khô, môi thâm, củng mạc mắt ánh vàng. Sau khi thực hiện các xét nghiệm sàng lọc bệnh, kết quả cho thấy họ cùng mắc ung thư gan.
Thực tế, đã có không ít trường hợp cả 2 vợ chồng cùng mắc một loại ung thư giống nhau như vậy.
Đáng nói, ung thư là bệnh không có khả năng lây nhiễm, vậy vì sao lại có thể xuất hiện tình trạng này? Và đâu là những loại ung thư có yếu tố hôn nhân? Hãy cùng lắng nghe phân tích của TS. Lê Đức Dũng (Chuyên gia khoa học sức khoẻ tại CHLB Đức).
PV: Có những trường hợp "ung thư hôn nhân" tức là vợ hoặc chồng mắc chung một loại ung thư. Vì sao lại có sự trùng hợp này?
Có thể nói "ung thư hôn nhân" là một khái niệm không chính thống trong khoa học. Khái niệm này thường để ám chỉ việc nhiều thành viên trong một gia đình hay giữa vợ chồng mắc chung 1 loại ung thư. Hoặc xuất hiện sự trùng hợp ung thư.
Cần phải nói rõ ràng ung thư là bệnh không lây nhiễm, do vậy sự trùng hợp này có thể được giải thích bởi hai yếu tố chính là di truyền và môi trường.
Về yếu tố di truyền thì rất có thể cặp đôi đó có cùng một cấu trúc đột biến nào đó có nguy cơ gây ung thư cao. Tuy nhiên, các khả năng ngẫu nhiên thường rất thấp.
Yếu tố thứ 2 và có khả năng cao hơn đó là các cặp vợ chồng thường có môi trường sống và thói quen sinh hoạt giống nhau. Nếu môi trường, thực phẩm, thói quen sinh hoạt đó độc hại thì nguy cơ gây bệnh tật lên cả hai sẽ như nhau.
Bên cạnh đó, việc cùng nhiễm một số vi khuẩn, virus cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư. Do đó một trong hai vợ chồng nhiễm một loại vi khuẩn hay virus nào đó thì người còn lại cũng có nguy cơ cao bị nhiễm.
Khái niệm "ung thư hôn nhân" như là một minh chứng cho chúng ta thấy tầm quan trọng của các yếu tố môi trường lên cơ thể và làm tăng sự phát sinh bệnh tật.
PV: Vậy những loại ung thư nào thì có khả năng trở thành "ung thư hôn nhân" hơn?
Những loại ung thư có khả năng trở thành "ung thư hôn nhân" đó là:
- Ung thư phổi: Chỉ cần một người hút thuốc thì người còn lại sẽ bị ảnh hưởng. Do vậy, khi có vợ hoặc chồng nghiện thuốc lá thì nửa kia sẽ có nguy cơ mắc các bệnh ung thư đường hô hấp cao hơn.
- Ung thư đường tiêu hoá: Trong gia đình, các cặp đôi thường ăn uống giống nhau, có nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn cho nhau. Do đó, nguy cơ có bệnh giống nhau giữa các thành viên cũng tăng lên.
- Ung thư gan: Bị nhiễm viêm gan B làm tăng khả năng ung thư gan. Đáng nói viêm gan cũng có thể bị lây nhiễm giữa các thành viên trong gia đình, đặc biệt là giữa vợ hoặc chồng.
- Ung thư cổ tử cung, ung thư vòm họng: Nhiễm virus HPV làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng bên cạnh hút thuốc thì HPV cũng có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư vòm họng. HPV thì có thể lây nhiễm qua đường tình dục và nước bọt, vì thế các cặp đôi hoàn toàn có thể "lan truyền " loại virus này cho nhau.
PV: Vậy có cách nào để các cặp đôi có thể phòng tránh "ung thư hôn nhân" không thưa anh?
Chúng ta có thể chủ động xây dựng cho mình một môi trường sống lành mạnh giúp hạn chế nguy cơ phát triển bệnh. Ngoài ra, nên có chế độ ăn uống cân bằng, cần giảm thiểu tối đa tiếp xúc với các yếu tố môi trường, thực phẩm có thể tăng nguy cơ cao phát triển ung thư.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng thường khuyên rằng các cặp đôi nên tránh dùng chung những món đồ riêng tư với nhau để phòng tránh lây lan virus, bệnh tật.
Ví dụ như việc dùng chung bát đũa sẽ khiến các bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường tiêu hóa. Theo nghiên cứu đã công bố của các nhà khoa học đến từ trường nha khoa Case Western Reserve (Mỹ), trong khoang miệng có chứa khoảng 700 loại vi khuẩn. Bên cạnh các vi khuẩn có lợi, cũng sẽ có nhiều vi khuẩn gây hại như vi khuẩn Helicobacter pylori (HP), viêm gan A, viêm gan E, vi khuẩn lỵ, vi khuẩn thương hàn, vi khuẩn quai bị…
Hoặc không nên dùng chung dao cạo râu bởi theo các nghiên cứu, việc dùng chung dao cạo râu có thể góp phần lây truyền bệnh viêm gan B, C và HIV, nấm da…
Ngoài ra các cặp đôi nên thực hiện tiêm phòng đầy đủ, ví dụ như tiêm phòng HPV, viêm gan B, C...
Cuối cùng, cần thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe, nếu một trong hai có bất cứ dấu hiệu nào lạ nào thì nên đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị.