Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và ngoại trưởng của 28 nước thành viên khác của NATO sẽ đưa ra đề xuất hậu thuẫn về mặt chính trị cho Ukraine nhưng sẽ không cung cấp cho đồng minh Kiev bất kỳ sự hỗ trợ nào về mặt quân sự vượt qua những gì đang có hiện nay. NATO cũng không thực hiện các chuyến đi hộ tống hải quân cho Ukraine.
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine đang leo thang chóng mặt sau khi xảy ra vụ lực lượng Nga nổ súng vào các tàu của Ukraine và sau đó là bắt giữ ba tàu cùng 24 thủy thủ trên tàu của Ukraine.
Trước thềm cuộc họp ngoại trưởng NATO diễn ra trong hai ngày ở Brussels, Bỉ, sắp tới, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, các nước trong liên minh NATO đã thực hiện rất nhiều hoạt động ở Biển Đen và rằng hiện tại, “chúng tôi đang theo dõi sát sao tình hình."
Ông Stoltenberg hồi đầu tuần này đã kêu gọi “sự bình tĩnh và kiềm chế” đồng thời cho rằng “Nga phải phóng thích các tàu và các thủy thủ của Ukraine”.
Kiev cho biết, hoạt động ra vào các cảng của Ukraine ở vùng Biển Azov đã được nối lại sau cuộc đụng độ với Nga ở khu vực này.
Bộ trưởng Hạ tầng của Ukraine – ông Volodymyr Omelyan cho biết, các tàu thương mại đang đi lại qua Eo biển Kerch – nơi nối giữa Biển Azov với Biển Đen. Ông Omelyan cho hay, các cảng Berdyansk và Mariupol “đã được dỡ bỏ phong tỏa một phần” nhờ vào “phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế”. Kiev cáo buộc Nga phong tỏa Eo biển Kerch, không cho các tàu chở hàng hóa của Ukraine đi lại.
Tuy nhiên, Nga khẳng định nước này chưa bao giờ chặn các tàu thuyền đi qua Eo biển Kerch và rằng bất kỳ sự gián đoạn nào trong hoạt động giao thông ở vùng biển này đều liên quan đến tình hình thời tiết xấu.
Mối quan hệ giữa hai nước láng giềng Nga và Ukraine đang xấu đi nghiêm trọng kể từ sau khi xảy vụ đụng độ trên biển hôm 25/11 giữa lực lượng bảo vệ bờ biển Nga với các tàu của Hải quân Ukraine.
Ukraine đang ra sức kêu gọi đồng minh đứng lên ủng hộ họ bằng cách tung ra thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga đồng thời tăng cường sự hiện diện quân sự ở các khu vực quanh biên giới Nga. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko mới đây đã thể hiện sự bất mãn khi cho rằng phương Tây chỉ mới thể hiện sự ủng hộ dành cho Ukraine bằng lời nói chứ chưa có bất kỳ hành động gì.
Không rõ có phải vì lời trách cứ trên hay không, ngày hôm qua, có tin Mỹ đưa các tàu chiến vào khu vực biển gần Nga để thách thức Nga.
Tuy nhiên, giới phân tích tin rằng, hiện tại, cả Washington và các nước đồng minh của Ukraine ở Châu Âu đều tỏ ra không mấy mặn mà trong việc can thiệp sâu vào cuộc khủng hoảng giữa Kiev và Moscow.
Trong lúc này, Ukraine tiếp tục làm căng với Nga. Sau khi áp đặt chế độ thiết quân luật ở một loạt khu vực, Kiev đã triệu tập lính dự bị, triển khai quân đến biên giới với Nga đồng thời liên tiếp tổ chức các cuộc tập trận quân sự như một cách để cảnh cáo Nga.
Những hành động của Kiev cho thấy nước này không ngại đối đầu, thách thức với Nga dù nước láng giềng có sức mạnh quân sự vượt trội so với Ukraine.
Về phía Nga, chính quyền của Tổng thống Putin tỏ ra không khoan nhượng trong cuộc đối đầu với Ukraine bất chấp sức ép từ phương Tây.
Moscow tố cáo các tàu của Ukraine xâm phạm lãnh hải của Nga và giới chức ở Moscow tin rằng, những diễn biến trong thời gian qua thực chất là một “màn kịch được dàn dựng” bởi Tổng thống Poroshenko nhằm làm lợi cho ông này trước thềm cuộc bầu cử quan trọng sắp diễn ra ở Ukraine.