Theo Philippines Aerospace, chính phủ Nga có thể sớm phê chuẩn một khoản tín dụng trị giá tới 2 tỷ USD cho quốc gia Đông Nam Á này để mua sắm vũ khí do Nga sản xuất.
Trong thời gian gần đây, Philippines đã thực hiện chính sách đa phương hóa về vũ khí trang bị, họ đặt mua sản phẩm quốc phòng từ nhiều nguồn khác nhau chứ không phụ thuộc duy nhất vào Mỹ như trước nữa.
Sau hợp đồng đóng mới 2 tàu hộ vệ tên lửa 3.000 tấn HDF-3000, Hải quân Philippines được cho là đang mong muốn mua lại 1 - 2 tàu ngầm diesel-điện Kilo 636.3 bản nội địa của Nga.
Tuy nhiên giá trị của thương vụ này nếu thành công ước tính cũng chỉ vào khoảng 500 - 600 triệu USD, cho nên theo đánh giá thì Philippines sẽ hỏi mua thêm nhiều vũ khí khác.
Hiện tại Không quân Philippines thiếu vắng một chủng loại máy bay chiến đấu đúng nghĩa, họ đang tận dụng những chiếc phản lực huấn luyện FA-50 mua của Hàn Quốc cho mục đích trên.
Không quân Philippines cũng nhiều lần bày tỏ sự ngưỡng mộ về tính năng của các chiến đấu cơ do Nga sản xuất đang phục vụ trong quân đội các quốc gia Đông Nam Á khác.
Có thể trong tương lai không xa, Philippines sẽ hỏi mua tiêm kích đa năng Su-35 hoặc Su-30SM sau khi chứng kiến thành công của dòng chiến đấu cơ Flanker trong Không quân Indonesia, Malaysia và cả Việt Nam.
Ngoài ra có thể với phong cách mua sắm của mình, Philippines sẽ đề nghị được nhượng lại một vài phi đội Su-27SM hoặc Su-30M2 mà Không quân Nga đang sử dụng.
Cách thức thanh toán mà Philippines với Nga áp dụng khả năng cao cũng là hàng đổi hàng, tương tự những gì Moskva từng thực hiện với Indonesia hay Malaysia.
Các hệ thống tên lửa phòng không tối tân của Nga cũng được nhận định là đã nằm trong "tầm ngắm" của lực lượng vũ trang quốc gia Đông Nam Á này.
Mặc dù vậy, viễn cảnh Philippines hỏi mua các hệ thống đình đám như S-400, Buk, Pantsir-S1 hay Tor-M2U... vẫn bị nhận xét là còn tương đối xa vời.
Khả năng cao nhất ở đây là Quân đội Philippines sẽ chỉ đề nghị đặt mua một số tổ hợp tên lửa phòng không vác vai Igla mà thôi, vũ khí này tỏ ra phù hợp với nhu cầu của họ hơn nhiều.
Mặt hàng tiềm năng cuối cùng được nhắc tới chính là xe tăng - thiết giáp, khi trong cuộc chiến với các phần tử ly khai mới đây, Quân đội Philippines gặp rất nhiều khó khăn khi chẳng có một chiếc MBT đúng nghĩa nào.
Nếu có trong tay một vài xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 hoặc xe chiến đấu hỗ trợ tăng BMPT thì có lẽ Quân đội Philippines đã sớm giải quyết xong phiến quân cố thủ tại Marawi.
Nhưng với đặc thù của quốc đảo, Quân đội Philippines ưu tiên đầu tư hơn cho Thủy quân Lục chiến, vì vậy triển vọng dành cho BMP-2 hay BTR-80 sẽ sáng hơn nhiều so với T-72 hoặc T-90.