Lực lượng tuần duyên– Vũ khí "đánh úp" của Nga nhằm vào Ukraine, phương Tây cũng ngỡ ngàng

QS |

Cuộc đụng độ gần đây giữa Ukraine và Nga tại eo biển Kerch và biển Azov đã khiến lực lượng tuần duyên Nga - vốn không nhận được nhiều sự chú ý – bỗng trở thành tâm điểm.

"Vũ khí" mới của Nga

Các đoạn video được công bố cho thấy tàu tuần duyện của Nga đâm húc vào một tàu kéo của Ukraine, khiến nó hư hỏng.

Video tàu tuần tra Nga đâm húc tàu kéo của Hải quân Ukraine

Theo War is Boring, tuần duyên là một thành phần của lực lượng bảo vệ biên giới Nga. Họ đã có lịch sử lâu đời và huy hoàng, với ngày kỷ niệm được tổ chức vào 28/5 hàng năm.

Trong một đợt tái cơ cấu hành chính vào năm 2003, các đơn vị bảo vệ biên giới – vốn là lực lượng độc lập – chuyển về dưới quyền quản lý của Cơ an An ninh Liên bang Nga (FSB).

FSB đã kế thừa KGB trở thành một nhân tố quan trọng trong lực lượng tình báo, an ninh và chỉ huy nội bộ của nhà nước Nga. Do đó, tuần duyên Nga vừa là lực lượng hành pháp, vừa là tổ chức tương tự như cơ quan tình báo, mặc dù ban đầu vai trò của họ được xác lập là lực lượng hành pháp trên biển.

Vụ đụng độ tại eo biển Kerch có lẽ là cột mốc đánh dấu sự tiến triển của lực lượng tuần duyên Nga sau 15 năm nằm dưới sự quản lý của FSB.

Mức độ hợp nhất giữa tuần duyên và FSB vẫn chưa rõ ràng, mặc dù sự vụ vừa qua cho thấy mức độ kiểm soát của FSB đối với lực lượng này khá cao. Ngoài ra, lực lượng yểm trợ đường không cho chiến dịch này có vẻ đến từ các đơn vị trực thuộc quân đội Nga, cho thấy FSB và quân đội Nga có sự phối hợp hoạt động sâu sắc hơn.

Nhân tố bất ngờ

War is Boring nhận định, cuộc đụng độ tại eo biển Kerch có thể sẽ khuyến khích Nga sử dụng lực lượng tuần duyên nhiều hơn trong các chiến dịch "vùng xám" (hung hăng dưới ngưỡng để tránh bị trả đũa quân sự), đồng thời đặt ra các câu hỏi về nguy cơ lực lượng Mỹ-NATO đụng độ với Tuần duyên Nga.

Chiến dịch ở eo biển Kerch phản ánh một phương thức sử dụng mới đối với lực lượng tuần duyên Nga, tương tự như cách Trung Quốc hoặc Iran sử dụng lực lượng cảnh sát biển, các lực lượng bán quân sự và lực lượng chiến tranh pháp lý.

Trong bài viết gần đây, chuyên gia Conor Kennedy cho biết, Trung Quốc đang sử dụng lực lượng cảnh sát biển và lực lượng hàng hải dân sự với hiệu quả cao để khẳng định sự hiện diện, tiến hành các chiến dịch quấy rối, phá hoại… và lấy những điều đó làm cớ cho một hành động quân sự "phòng thủ", cũng như thu thập thông tin tình báo.

Lực lượng tuần duyên– Vũ khí đánh úp của Nga nhằm vào Ukraine, phương Tây cũng ngỡ ngàng - Ảnh 2.

Ảnh do FSB cho thấy tàu Nga và Ukraine áp sát nhau ở eo biển Kerch ngày 25/11/2018.

Tương tự như cách Trung Quốc sử dụng lực lượng phi quân sự - cảnh sát biển và hàng hải dân sự - để hoàn tất các mục tiêu chiến lược trong khi tránh làm leo thang tình hình, thì Moscow có lẽ cũng đã thận trọng khi lựa chọn lực lượng tuần duyên hành động tại eo biển Kerch.

Việc triển khai Hải quân Nga tới gần eo biển này sẽ có xu hướng làm tình hình leo thang hơn, bởi đây sẽ là cuộc đụng độ quân sự. Trái lại, việc sử dụng Tuần duyên chỉ khiến vụ việc trở thành vấn đề thực thi pháp luật, thay vì hành động chiến tranh do quân đội xử lý.

Trên bờ, tình hình tại miền đông Ukraine vẫn đang bế tắc. Theo War is Boring, dường như người Nga xem sự leo thang ở biển Azov như một phương thức để phá vỡ thế bế tắc này, sử dụng tấm bình phong hợp pháp mà lực lượng tuần duyên tạo ra.

Mặc dù Ukraine và phương Tây đã lường trước tình huống Nga chiếm giữ bờ biển Azov, nhưng không ngờ tới khả năng Nga sử dụng lực lượng tuần duyên. Quyết định triển khai lực lượng tuần duyên theo cách này sẽ mở ra một chuỗi lựa chọn mới cho Moscow ở biển Azov và xa hơn nữa.

Một lý do khác thúc đẩy Nga sử dụng lực lượng tuần duyên, thay vì hải quân, có thể xuất phát từ vụ tai nạn chìm ụ khô PD-50 tại Severodvinsk. Những tác động do thảm họa này gây ra có lẽ đã len lỏi vào các kế hoạch hoạt động của Hạm đội Biển Đen.

Nếu như nó thúc đẩy sự phát triển của "hải quân nước lục" (hoạt động ở vùng ven bờ) thì việc lực lượng tuần duyên có vai trò ngày càng lớn hơn sẽ là điều logic.

Việc đưa lực lượng tuần duyên vào cuộc chơi không chỉ mang lại sự linh hoạt cho Nga về chiều sâu, mà còn cả về phạm vi.

Tương tự như cách thử nghiệm nhiều chiến thuật khác nhau tại Syria và Ukraine, Nga có thể đánh giá hiệu quả sử dụng lực lượng tuần duyên ở những nơi khác.

Tuần tra bờ biển là một trong những lĩnh vực còn lại mà các quốc gia NATO và Nga vẫn hợp tác một cách hiệu quả. Lực lượng tuần duyên Mỹ, Canada và Na Uy vẫn phối hợp với Nga trong các vấn đề an ninh mềm như kiểm soát hoạt động đánh bắt cá, tìm kiếm cứu hộ, xử lý sự cố tràn dầu…

Các lực lượng tuần duyên Mỹ và Nga vẫn phối hợp kiểm soát hoạt động đánh bắt cá tại biển Bering và bắc Thái Bình Dương thông qua đường biên giới chung trên biển. Do đó, cuộc đụng độ tại eo biển Kerch sẽ làm dấy lên những câu hỏi đầy thách thức về sự hợp tác tiếp theo giữa hai lực lượng này.

Việc Moscow triển khai lực lượng tuần duyên trong cuộc đụng độ tại eo biển Kerch càng tạo áp lực lớn hơn cho chiến dịch cô lập của Mỹ và đồng minh nhằm vào Nga. Nó cũng khiến phương Tây lo ngại về đường hướng tiến hành các chiến dịch phi truyền thống của Nga trong tương lai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại