Theo tờ Time (Mỹ), một nghiên cứu do Đại học New York tài trợ năm 2017 đã lấy một số tờ 1 USD từ một ngân hàng ở Thành phố New York để phân tích xem trên những tờ tiền này có những loại vi khuẩn nào.
Kết quả nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí khoa học PLOS ONE của Mỹ cho thấy, có hàng trăm loại vi sinh vật trên các tờ tiền. Đáng chú ý, vi khuẩn chiếm phần lớn là loại vi khuẩn gây mụn trứng cá. Họ cũng tìm thấy các loại vi khuẩn từ âm đạo, vi khuẩn từ miệng, DNA của vật nuôi và các loại virut.
Kết quả trên dường như không gây ngạc nhiên cho các nhà khoa học bởi tiền được giao dịch liên tục, chúng có thể lưu hành từ 5 đến 15 năm.
Susan Whittier, nhà vi sinh học tại Trung tâm Y tế Đại học Columbia cho biết: "Mọi người đều không rửa tay trước khi cầm tiền. Bạn không biết ai đã chạm vào tờ tiền đó”.
Một nghiên cứu khác cho thấy một số tờ tiền giấy và tiền xu còn có chứa các mầm bệnh như Escherichia coli (gây tiêu chảy), Salmonella (gây nhiễm khuẩn đường ruột) và Staphylococcus aureus (Tụ cầu vàng).
Đặc biệt, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, đồng tiền USD của Mỹ tạo ra một môi trường khá thuận lợi cho vi trùng sinh sống bởi nó có 75% cotton và 25% lanh. Trong khi đó, những đồng tiền polyme như của Australia và Canada sẽ sạch hơn.
Tuy nhiên, may mắn là, tiền không phải là môi trường có nhiệt độ và độ ẩm phù hợp cho vi sinh vật phát triển và sinh sôi. Hơn nữa, bề mặt xốp, mềm của tiền giúp vi khuẩn, virus dễ dàng bám vào đó. Có nghĩa là chúng sẽ khó truyền sang tay người cầm hay tiền không dễ lan truyền bệnh.
Bà Emily Martin, phó giáo sư dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Michigan cho hay, thậm chí nếu vi khuẩn hay virus từ tiền truyền sang tay thì bạn cũng khó có khả năng bị nhiễm bệnh bởi đã có lớp da bảo vệ cơ thể.
Tuy nhiên, đừng để tiền tiếp xúc vào những vùng ít được bảo vệ, dễ dàng nhiễm bệnh hơn như miệng. Bà khuyên không nên liếm hay ngậm tiền vào miệng hay xoa lên mặt đang có mụn.