Nhận kết quả mắc gút, suy thận độ II từ bác sĩ, bà H.T.N (63 tuổi, tại Thanh Oai – Hà Nội) đã rất bất ngờ. Bà N cho biết, cách đây khoảng 2 tuần bà bị đau các khớp chân và tay nên có tới bệnh viện tại địa phương để khám. Tại đây, bà được chẩn đoán bị viêm khớp. Bác sĩ có kê thuốc cho bà về nhà uống.
Sau khi uống thuốc, bà N thấy các triệu chứng đau giảm. Tuy nhiên khoảng 1 tuần gần đây, khi ăn cơm bà N luôn cảm thấy thức ăn có mùi như thuốc kháng sinh. Ngoài triệu chứng này, bà N còn bắt đầu bị phù chân và đau nhức các khớp trở lại. Bà N đã đi khám, kết quả khám cho thấy bà bị suy thận độ II, gút cấp tính và phải nhập viện điều trị nội trú.
Ngồi tại hành lang bệnh viện để chờ các con của mình làm thủ tục nhập viện, bà N tâm sự bà không ăn thịt nhiều. Chính vì thế bà không hiểu tại sao bà lại mắc gút và suy thận. Tuy nhiên, bà N có tiết lộ, bà thường xuyên ăn nội tạng động vật, nhất là lòng lợn, lòng gà, mề gà. Vì nhà bà gần chợ nên bà luôn mua được nội tạng tươi và ăn món ăn này thường xuyên.
Khi nghe bác sĩ nói căn bệnh gút và suy thận của bà N đến từ cách ăn uống không cân đối, thường xuyên ăn nội tạng, bà đã rất bất ngờ. Trước đây, bà N nghĩ chỉ những món sơn hào hải vị mới gây ra gút. Bà không hề biết những món ăn từ nội tạng động vật lại cũng có nguy cơ gây ra gút và suy thận.
Kiểu ăn uống gây hại cho khớp và thận
ThS.BS Hoàng Thị Thúy, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho hay, nguyên nhân gây ra bệnh gút là do sự rối loạn chuyển hóa acid uric trong cơ thể. Ở Việt Nam, lạm dụng bia rượu và chế độ ăn uống thừa quá nhiều chất đạm là 2 nguyên nhân dẫn đến rối loạn chuyển hóa acid uric, gây ra bệnh gút.
Việc ăn quá nhiều thực phẩm giàu chất đạm, các động thực vật chứa nhiều purin như hải sản, nấm, trứng, nội tạng động vật là nguyên nhân khiến cho acid uric trong máu tăng.
Khi acid uric trong máu tăng, thận không kịp lọc để đào thải dẫn đến acid tích tụ thành tinh thể urat trong các mô, nhất là trong các khớp xương. Tinh thể urat tích lũy nhiều trong các khớp xương sẽ gây viêm nhiễm, đau nhức khó chịu, từ đó gây ra bệnh gút.
Ngoài các thói quen xấu khi ăn uống, bệnh gút còn có nguyên nhân do di truyền hoặc do tác động của môi trường đến cơ thể làm cho hàm lượng acid uric tăng và không được đào thải kịp thời ra khỏi cơ thể.
Mối liên hệ giữa bệnh gút và suy thận
BSCKII Lê Quang Hải, Khoa Thận - Tiết niệu - Lọc máu, Bệnh viện Nông Nghiệp cho hay, chế độ ăn giàu chất đạm làm cho acid uric trong máu tăng. Lúc này, acid uric sẽ lắng đọng ở các cơ quan của cơ thể dưới dạng tinh thể urat. Các tinh thể urat lắng đọng trong các mô khe thận gây tổn thương, hình thành nên các tổ chức xơ, dày chèn ép và gây ra suy thận. Do vậy bệnh gút nếu không được kiểm soát sẽ ảnh hưởng tới thận và gây ra suy thận.
Suy thận do gút thường đến muộn hơn so với đái tháo đường và tăng huyết áp. Do vậy, đối với trường hợp mắc gút, để phòng tránh suy thận cần tuân thủ điều trị tốt. Nếu bệnh nhân không uống thuốc và tuân thủ điều trị sẽ dẫn tới suy thận.
Đối với những trường hợp suy thận chưa ở giai đoạn cuối, nếu tuân thủ điều trị, thay đổi chế độ ăn sẽ làm chậm quá trình tiến triển bệnh.