Chuyên gia Việt Nam nói gì về việc AstraZeneca thừa nhận vaccine Covid-19 của hãng có thể gây đông máu?

Ngọc Minh |

Ngày 2/5, AstraZeneca lần đầu thừa nhận vaccine Covid-19 của hãng có thể gây đông máu trong một số trường hợp hiếm gặp.

Trước đó, "gã khổng lồ" dược phẩm đứng trước vụ kiện tập thể cáo buộc vaccine do hãng đồng phát triển với Đại học Oxford gây tử vong và thương tật nghiêm trọng cho hàng chục người dùng.

3 lý do để không hoang mang

Thông tin vaccine Covid-19 của AstraZeneca có thể gây đông máu khiến cho nhiều người dân hoang mang. PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP HCM khẳng định, trường hợp thuốc và vaccine gây ra bất lợi (tác dụng phụ) là luôn có. Việc AstraZeneca công nhận vaccine Covid-19 của hãng có thể gây đông máu trong một số trường hợp hiếm gặp là đúng về mặt khoa học. Tuy nhiên, theo PGS Dũng, người dân cũng không cần quá hoang mang với thông tin này vì 3 lý do sau:

Thứ nhất: Hiện nay, các nhà khoa học đã biết rõ được tại sao có cơ chế của việc tăng đông máu. Hiện tượng đông máu chỉ xảy ra ở một số người nhất định. Đông máu nếu có xảy ra sẽ xuất hiện sau khi tiêm một vài tháng.

"Đối với những người đã tiêm vaccine Covid-19 của hãng AstraZeneca, đã tiêm nhiều lần và tiêm lâu thì sẽ không còn hiện tượng đông máu. Tôi ví đơn giản có người ăn tôm, đậu phộng xong sẽ bị dị ứng luôn. Nhưng ăn xong tới 1-2 tháng không có phản ứng gì thì chắc chắn không có dị ứng", PGS Dũng phân tích.

Chuyên gia Việt Nam nói gì về việc AstraZeneca thừa nhận vaccine Covid-19 của hãng có thể gây đông máu?- Ảnh 1.

AstraZeneca thừa nhận vaccine Covid-19 của hãng có thể gây đông máu trong một số trường hợp hiếm gặp (Ảnh minh họa)

Thứ hai: Vaccine nào cũng có những biến cố bất lợi. Ví như vaccine ngừa Covid-19 của Moderna, Pfizer đã được chứng minh có thể gây viêm cơ tim. Tuy nhiên, khi cân nhắc giữa lợi ích và thiệt hại thì rõ ràng lợi ích mang lại lớn hơn. 

"Nếu như chúng ta không tiêm vaccice thì sẽ có nhiều bệnh nhân tử vong do Covid-19", PGS Dũng nhấn mạnh.

PGS Dũng cho rằng, tại thời điểm Covid-19 đang bùng phát, việc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố các vaccine có thể tiêm được là hợp lý. Do các lợi ích vaccine mang lại qua các thử nghiệm lâm sàng nhiều hơn so với nguy cơ.

Thứ ba: Với công bố chính thức của AstraZeneca, chúng ta đã biết được những nguy cơ của vaccine Covid-19 thì chúng ta sẽ tránh được những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.

"Trong tương lai sẽ cần phải có thêm những nghiên cứu về các biến chứng bất lợi của vaccine để giảm được nguy cơ đông máu xảy ra và loại trừ đối tượng có nguy cơ để không tiêm vaccine", PGS. Dung cho hay.

Có nên tiêm vaccine AstraZeneca nếu dịch Covid-19 tiếp tục xảy ra trong tương lai?

PGS Dũng cho biết thêm, việc một loại thuốc hay vaccine được công bố về tác dụng phụ là điều rất bình thường. Ví như ngay cả việc sử dụng thuốc kháng sinh khi bị nhiễm trùng cũng có thể xảy ra 2 trường hợp: khỏi bệnh hoặc phản vệ (tử vong). Nhưng khi xét nguy cơ sẽ thấp, do vậy bệnh nhân vẫn được dùng thuốc.

"Việc tiêm vaccine Covid-19 của hãng AstraZeneca là tốt với đa số mọi người. Tuy nhiên, có thể xuất hiện các trường hợp cá biệt (số ít) gặp phản ứng. Do vậy, người dân khi tiếp nhận thông tin cần phải bình tĩnh, không nên quá hoang mang lo ngại về vấn đề đông máu của vaccine", PGS Dũng nêu quan điểm.

Cũng theo PGS Dũng, trong lịch sử có rất nhiều vaccine phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm khác đã phải dừng tiêm do tiêm xong xảy ra những biến cố, thậm chí tử vong. Sau đó, các vaccine này đã không còn được lưu hành. Ví dụ, vaccine hợp bào hô hấp cách đây 40-50 năm có thể khiến trẻ mắc bệnh nặng hơn và thậm chí tử vong sau khi tiêm.

"Nếu trong tương lai xảy ra dịch Covid-19 nữa, mọi người có hỏi tôi có nên tiêm vaccine AstraZeneca không. Câu trả lời của cá nhân tôi là vẫn nên tiêm vì lợi ích mang lại là rõ ràng", PGS Dũng nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại