Chuyên gia vạch mặt thủ phạm gây 90% ca ung thư phổi ở VN: Nhiều người biết nhưng chưa sợ

Khánh Ngọc |

Bệnh ung thư phổi là bệnh ung thư phổ biến nhất là ở nam giới và đây được xem là căn bệnh ung thư đáng sợ, số bệnh nhân tử vong do bệnh này luôn ở top cao.

Ung thư giai đoạn cuối

Ông Nguyễn Văn B. (61 tuổi, Hà Nội) vào viện vì mất ngủ kéo dài. Theo ông B khoảng hai tháng nay,  ông thường xuyên xuất hiện mất ngủ, mỗi đêm chỉ ngủ được khoảng 3-4 giờ, ngủ không sâu giấc.

Ông đã tự mua thuốc an thần (seduxen) uống nhưng vẫn không ngủ được. Bệnh nhân mệt mỏi nhiều, suy nghĩ nhiều, ăn uống kém nên bệnh nhân đã đến khám tại phòng khám tâm thần – Viện Sức khỏe tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai. 

Tại đây, ông được chẩn đoán rối loạn giấc ngủ, điều trị thuốc an thần, chống lo âu. Sau đó, ông B lại thấy xuất hiện đau tức bụng thượng vị, kèm theo đi ngoài phân lỏng 3-4 lần/ngày. Ông B đi nội soi dạ dày, soi đại tràng, xét nghiệm máu.

Xét  nghiệm chất chỉ điểm khối u CEA tăng cao nên ông  đã được hội chẩn bác sĩ chuyên khoa Ung bướu.

Ông B cho biết mình hút thuốc lá nhiều năm và hút khoảng 1 bao thuốc lá mỗi ngày, ngoài ra, ông còn hút thêm thuốc lào 5 – 6 lần/ngày.

Chuyên gia vạch mặt thủ phạm gây 90% ca ung thư phổi ở VN: Nhiều người biết nhưng chưa sợ - Ảnh 1.

Nhiều bệnh nhân ung thư phổi phát hiện khi đã quá muộn

Khi chụp Pet/CT có nhiều khối u trung thất, xương, gan bác sĩ kết luận ông bị ung thư phổi phải loại biểu mô tuyến, giai đoạn T2N3M1b (giai đoạn IV, di căn gan, xương, hạch ổ bụng). Ông phải uống thuốc chống hủy xương và điều trị theo phác đồ của bệnh viện. Sau một thời gian bệnh tiến triển tốt.

Hay như trường hợp của ông Đào Văn Th, cũng bị ung thư phổi di căn não. Ông Th cho biết trước khi vào viện ông biểu hiện động kinh, đau đầu, nôn và yếu nửa người trái. Bệnh nhân được chụp cộng hưởng từ sọ não phát hiện hình ảnh u não nên được chuyển vào Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu – Bệnh viện Bạch Mai để điều trị.

Tuy nhiên, khi làm các xét nghiệm khác và được xác định ung thư biểu mô tuyến của phổi, có đột biến gen EGFR,

Hiện ông Th đang được điều trị triệu chứng; chống phù não, co giật, giảm đau, xạ phẫu bằng dao gamma quay ổ di căn não và điều trị đích Erlotinib (Tarceva) 150mg uống hàng ngày. Sau ba tháng bác sĩ đánh giá bệnh tiến triển tốt.

Bệnh nhân còn đến quá muộn

PGS Mai Trọng Khoa cho biết 80 – 85 % bệnh nhân đến tâm điều trị ở giai đoạn muộn và đến nay bệnh ung thư phổi vẫn trở thành nan giải. Dù tại bệnh viện có nhiều bệnh nhân được điều trị thành công nhưng chỉ kéo dài thời gian sống của họ thêm thời gian. 

Nói về ung thư phổi, GS Mai Trọng Khoa cho biết ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất về tỷ lệ mắc, là nguyên nhân tử vong hàng đầu do ung thư trên thế giới và ở Việt Nam. Ung thư phổi chiếm khoảng 12% những loại ung thư nói chung trên thế giới. 

Số liệu thống kê cho thấy, vào năm 2012, trên toàn thế giới có khoảng 1,83 triệu người mắc ung thư phổi mới được chẩn đoán. Các nhà nghiên cứu ước tính có khoảng 1,59 triệu người tử vong vì căn bệnh hiểm nghèo này, trong đó ở châu Âu là 354.000 người, riêng ở Anh là 35.400 người.

Chuyên gia vạch mặt thủ phạm gây 90% ca ung thư phổi ở VN: Nhiều người biết nhưng chưa sợ - Ảnh 2.

Hút thuốc nguyên nhân gây ung thư phổi hàng đầu

Vào năm 2016, ở Mỹ có đến 1/3 số bệnh nhân tử vong vì ung thư là do căn bệnh ung thư phổi (khoảng 158.000 người). Căn bệnh này chỉ chiếm 13% tổng các loại ung thư, nhưng tỷ lệ tử vong là 28% trong số tất cả các loại bệnh ung thư. Đặc biệt ung thư phổi thuộc loại có tỷ lệ tử vong cao nhất.

Tại Việt Nam, ung thư phổi được xếp hàng thứ nhất trong tổng số 10 loại ung thư thường gặp ở cả hai giới và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Theo thống kê của ngành y tế, năm 2000 mới chỉ có 6.905 ca mới phát hiện mắc bệnh ung thư phổi, đến năm 2013, con số này đã lên trên 20.000 người. 

GS Khoa nhấn mạnh chỉ trong vòng 13 năm, tỷ lệ người mắc bệnh đã gia tăng gấp 4 lần – một con số đáng báo động về sự gia tăng nhanh chóng của căn bệnh nguy hiểm chết người này. 

Cho đến nay, số bệnh nhân nam giới mắc bệnh này cao hơn so với nữ giới, cứ 12 nam giới mắc ung thư phổi thì có 4-10 bệnh nhân nữ giới, với tỷ lệ khoảng 29,6/100.000 người (ở nam giới) và 7,3/100.000 người (ở nữ giới). Bệnh nhân mắc bệnh ung thư phổi bị tử vong chỉ xếp sau ung thư gan. 

Ung thư phổi chia làm 2 nhóm: ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ, trong đó 80-85% là ung thư phổi không tế bào nhỏ.

Đến nay, GS Khoa nhấn mạnh 90 % bệnh nhân ung thư phổi là có hút thuốc lá và đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ung thư phổi, người hút thuốc lá có nguy cơ bị ung thư phổi cao gấp 10 lần so với người không hút. 

Chính vì thế, cách phòng bệnh tốt nhất là không hút thuốc lá cũng như tránh xa những làn khói thuốc xung quanh. Ngoài ra, người dân nên có thói quen đi kiểm tra sức khỏe để phát hiện sớm. GS Khoa cho rằng chỉ cần chụp phim Xquang là có thể phát hiện được ung thư phổi thay vì chờ đợi đến khi có triệu chứng ho, ho ra máu thì bệnh đã tiến triển xa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại