Giáo sư Hồ Đại Nghĩa là chuyên gia tim mạch nổi tiếng Trung Quốc. Ông duy trì thói quen đi bộ suốt hàng chục năm. Điều này không những giúp đầu gối của bác sĩ 77 tuổi không còn đau nhức, vấn đề về đĩa đệm ở thắt lưng và bệnh gan nhiễm mỡ được cải thiện.
Cơn đau do gai xương ở gót chân phải gây ra cũng hoàn toàn biến mất, nền tảng thể lực của người đàn ông này tốt hơn so với những người bạn cùng lứa tuổi. Huyết áp và lượng đường trong máu của giáo sư này ở mức ổn định.
Giáo sư Hồ Đại Nghĩa, bác sĩ tim mạch tại Bệnh viện Nhân dân Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc)
Trong một bài giảng đặc biệt về tim mạch, giáo sư Hồ Đại Nghĩa cho biết đi bộ là bài tập kéo dài tuổi thọ hiệu quả nhất phù hợp với người trung niên và cao tuổi. Những người ở độ tuổi này không nên tập quá mức hay với cường độ cao, điều quan trọng là phải duy trì thói quen tập thể dục đều đặn.
Tuy đi bộ là một bài tập dễ thực hiện, phù hợp với mọi lứa tuổi nhưng chuyên gia cũng lưu ý 4 sai lầm mà nhiều người vẫn mắc phải gây ra hậu quả khôn lường khi đi bộ như chấn thương hay các bệnh về đường hô hấp.
Không khởi động trước khi đi bộ
Theo chuyên gia tim mạch này, nhiều người lầm tưởng rằng đi bộ là hoạt động nhẹ nhàng nên không cần khởi động như các bộ môn khác. Nhưng trên thực tế, nếu không khởi động làm nóng người, bạn sẽ tăng nguy cơ gặp chấn thương, khi đi bộ cũng không đạt được hiệu suất tốt nhất.
Chưa kể đến việc sau khi tập xong có thể gặp tình trạng đau nhức khớp, cơ thể ê ẩm. Vậy nên giáo sư 77 tuổi khuyên mọi người nên khởi động bằng các động tác làm tăng nhịp tim 5-10 phút sau đó mới bắt đầu đi bộ.
Thời gian, địa điểm tập không phù hợp
Sau một đêm ngủ dậy, việc vận động ngay khi bụng đói dễ dẫn đến máu chưa lên não, gây chóng mặt, đứng không vững, đặc biệt nguy hiểm cho những người mắc bệnh tim. Nếu đi tập quá sớm, cơ thể sẽ hít phải nhiều khí cacbonic không tốt cho sức khỏe. Buổi sáng cũng là thời điểm thời tiết còn se lạnh, dễ khiến mạch máu bị co lại, gây đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
Giáo sư Hồ Đại Nghĩa chỉ ra thời gian phù hợp nhất cho việc đi bộ là khoảng 6-7 giờ sáng hoặc buổi chiều sau 4 giờ, khi ánh nắng mặt trời không quá gắt. Bạn cũng không nên chọn đi trên vỉa hè vì sẽ hít phải khí thải của các phương tiện giao thông có hại cho phổi. Thay vào đó nên đi ở khoảng không gian thoáng mát, nhiều cây như công viên, sân tập.
Ảnh minh họa
Đi bộ sai tư thế
Nghiêng người về phía trước hoặc ngửa người về phía sau là sai lầm nhiều người vẫn mắc phải khi đi bộ mà không hay biết do không có ai điều chỉnh tư thế giúp. Tư thế này gây căng thẳng cho hông, dẫn đến các vấn đề lâu dài như đau lưng và hông.
Giáo sư 77 tuổi cũng nhắc nhở những người có thói quen vừa đi bộ vừa cúi xuống lướt điện thoại hoặc cúi xuống nhìn chân mình sẽ gặp vấn đề về lưng, cổ, vai. Điều này có thể gây mất tập trung khi luyện tập và tạo thêm áp lực lên đầu gối hoặc mắt cá chân để giữ thăng bằng.
Bác sĩ Hồ Đại Nghĩa khuyên mọi người nên giữ thẳng lưng, cằm song song với mặt đất, vai thả lỏng còn bụng hóp lại. Tư thế này sẽ giúp bạn căn chỉnh cơ thể và không dồn thêm trọng lượng không cần thiết lên hông và lưng dưới của bạn.
Không sử dụng tay hoặc đánh tay sai cách
Ảnh minh họa
Sử dụng tay khi đi bộ giúp bạn giữ thăng bằng và nếu không đánh tay khi đi bộ, bạn có thể gặp vấn đề với lưu lượng máu. Cụ thể là ảnh hưởng đến sức khỏe mô của bạn và bạn có thể nhận thấy bàn tay của bạn bị đỏ và sưng lên, đặc biệt là khi thời tiết nóng. Việc chỉ để tay 2 bên hông mà không đung đưa chúng còn làm nhịp đi bộ chậm lại.
Vậy nên theo giáo sư Hồ Đại Nghĩa, người tập luyện thể dục bằng cách đi bộ cần thả lỏng để tay cử động tự nhiên, đung đưa phù hợp với các bước đi của mình. Ngoài ra bạn cũng không nên vừa cầm chai nước vừa đi bộ vì việc nắm chặt chai nước bằng một tay trong thời gian dài khi đi bộ có thể gây sưng tấy, không giữ thăng bằng với cánh tay còn lại.
Theo Toutiao