Blog Chuyên gia xin giới thiệu dưới đây bài viết của thạc sĩ Alina Petre - một cái nhìn toàn cảnh, đầy đủ nhất từ trước đến nay về thức uống phổ biến ai cũng dùng: nước chanh.
Nước chanh vẫn được nhắc đến là thức uống có lợi cho sức khoẻ với nhiều tác dụng phòng chống bệnh tật.
Trong cộng đồng sống khoẻ theo phương pháp thay thế (alternative health – gồm các liệu pháp không sử dụng thuốc thông thường như liệu pháp tự nhiên, tập luyện, dinh dưỡng...), nước chanh là "thuốc" khá phổ biển cho mục đích kiềm hoá.
Tuy nhiên, ai cũng biết nước chanh có nồng độ pH thấp và vì thế nên được xem là có tính axit chứ không phải kiềm.
Bài viết này nhằm nghiên cứu vì sao nước chanh được sử dụng cho mục đích kiềm hoá dù độ pH của nó là thuộc tính axit, và tác dụng của nước chanh với cơ thể bạn.
pH là gì?
Vài nét về chuyên gia Alina Petre
Trình độ: MS (Master of Science) Thạc sỹ khoa học, RD (Registered Dietitian) Chuyên gia dinh dưỡng chính thức.
Sau khi hoàn thành chương trình cử nhân dinh dưỡng tại Canada, Alina nhận bằng thạc sỹ tại Anh.
Bài viết này của Alina Petre đăng trên Authority Nutrition.
Authority Nutrition là một trang cung cấp thông tin về dinh dưỡng và sức khoẻ dựa trên bằng chứng khoa học, thông qua các bài viết của chuyên gia.
Khi thảo luận về thực phẩm axit hay kiềm, cần phải hiểu khái niệm độ pH. Hiểu nôm na, pH là giá trị đánh giá mức độ axit hay kiềm của chất lỏng, theo thang đo từ 0-14. Mức pH 7 được xem là trung tính. Nếu pH dưới 7 là có tính axit và pH trên 7 được xem là tính kiềm.
Trong thang pH, sai lệch một đơn vị có nghĩa nồng độ axit chênh lệch gấp 10 lần, theo cấp số nhân. Lấy ví dụ, pH 5 có độ axit cao gấp 10 lần pH 6 và cao hơn 100 lần pH 7. Do chứa nhiều axit citric nên chanh có pH ở mức axit.
Theo FDA, nước chanh có độ pH rơi vào khoảng 2 và 3.
Như vậy nước chanh có tính axit cao hơn nước thường từ 10.000-100.000 lần!
Lợi ích của thực phẩm kiềm hoá
Trong những năm gần đây, chế độ ăn kiềm hoá ngày càng phổ biến. Sở dĩ như vậy là theo nguyên tắc thực phẩm bạn tiêu thụ có thể thay đổi pH của cơ thể bạn.
Thẳng thắn mà nói, chưa có bằng chứng về tác dụng của chế độ ăn kiềm hoá. Theo các nghiên cứu, thực phẩm bạn ăn có rất ít ảnh hưởng tới pH máu.
Tuy nhiên, chế độ ăn kiềm hoá phân loại thực phẩm thành ba nhóm:
- Thực phẩm axit hoá: Thịt, gia cầm, cá, sữa, trứng và cồn.
- Thực phẩm trung tính: Chất béo tự nhiên, tinh bột và đường.
- Thực phẩm kiềm hoá: Trái cây, quả hạch, các loại đậu và rau củ.
Những người đề xướng chế độ ăn kiềm hoá cho rằng ăn nhiều thực phẩm axit làm tăng tính axit của cơ thể, tăng nguy cơ bị ốm đau, bệnh tật.
Ví dụ, nhiều người tin rằng cơ thể sẽ lấy canxi kiềm ở xương nhằm giảm tác hại của các thực phẩm axit hoá mà cơ thể hấp thụ.
Một số người cũng cho rằng ung thư chỉ phát triển trong môi trường axit và có thể phòng tránh hay thậm chí là chữa khỏi nếu bạn theo chế độ ăn kiềm hoá.
Vì thế, những người theo chế độ ăn kiềm hoá nỗ lực cải thiện sức khoẻ và giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách giảm các thực phẩm axit hoá và tăng cường thực phẩm kiềm hoá.
Vì sao nước chanh được cho là có khả năng kiềm hoá dù có độ pH axit
Dù thực phẩm mang tính kiềm hoá hay axit hoá cho cơ thể thì cũng không liên quan tới độ pH của nó trước khi được cơ thể tiêu hoá.
Thay vào đó, nó phụ thuộc vào việc chất phái sinh tạo ra khi cơ thể hấp thu và chuyển hoá có tính axit hay kiềm.
Một phương pháp giúp ước đoán sản phẩm phái sinh của một thực phẩm thuộc loại nào đó là kỹ thuật "phân tích tro".
Thực phẩm được đốt trong phòng thí nghiệm nhằm giả lập quá trình tiêu hoá của cơ thể. Độ pH của tro sau khi đốt sẽ giúp phân loại thực phẩm là axit hay kiềm. Phân tích tro là lý do vì sao đôi khi người ta nói thực phẩm tạo ra "tro" axit hay kiềm.
Tuy nhiên, phân tích tro là phương pháp ước đoán không chính xác, vì vậy hiện nay các nhà khoa học thường sử dụng một công thức khác giúp phân loại thức ăn dựa trên mức độ tải axit lên thận (PRAL).
PRAL của một loại thực phẩm là lượng axit đưa vào thận sau khi cơ thể chuyển hoá thức ăn đó. Thường thì thận giữ độ pH máu ổn định bằng cách loại bỏ axit hoặc kiềm dư thừa qua nước tiểu.
Các chất dinh dưỡng có tính axit như chất đạm, photpho, và lưu huỳnh làm tăng lượng axit mà thận phải thải loại. Thịt và lúa gạo có các chất này, vì thế làm tăng PRAL.
Trong khi đó, hoa quả và rau củ chứa nhiều chất dinh dưỡng mang tính kiềm như kali, canxi và magie. Chúng làm giảm lượng axit mà thận phải thải loại và vì thế làm giảm PRAL.
Cũng giống các loại trái cây khác, nước chanh chứa các chất phái sinh mang tính kiềm sau khi được chuyển hoá. Vì vậy, nó làm giảm PRAL.
Đó là lý do vì sao nước chanh được xem là chất kiềm hoá mặc dù trước khi được tiêu hoá thì chỉ số pH của nó ở mức axit.
Note: Sau quá trình tiêu hoá và trao đổi chất, nước chanh tạo ra các chất phái sinh mang tính kiềm, khiến nước tiểu kiềm hơn. Bởi vậy nước chanh được xem là thực phẩm kiềm hoá mặc dù trước khi được tiêu hoá thì nó có độ pH axit.
Nước chanh có thể kiềm hoá nước tiểu chứ không phải kiềm hoá máu
Nhiều người đề xướng chế độ ăn kiềm hoá sử dụng giấy đo pH để kiểm tra độ kiềm của nước tiểu. Họ cho rằng đây là phương pháp giúp họ xác định nồng độ kiềm thực sự của cơ thể mình.
Sai lầm là ở chỗ, dù nước chanh giúp làm pH nước tiểu kiềm hơn nhưng nó lại không có tác dụng tương tự với máu.Thực tế, một số nghiên cứu chỉ ra rằng thực phẩm bạn ăn có rất ít tác dụng lên pH máu.
Để minh hoạ điều này, các nhà nghiên cứu ước tính bạn cần ăn khoảng 8kg cam – với khả năng kiềm hoá tương tự chanh – cùng lúc để có thể tăng pH máu thêm chỉ 0,2. Lý do thực phẩm có rất ít tác dụng lên pH máu vì cơ thể cần duy trì pH ở mức 7,35-7,45 để các tế bào hoạt động bình thường.
Nếu pH máu ở ngoài mức thông thường này, bạn sẽ rơi vào tình trạng nhiễm axit trao đổi chất hoặc nhiễm kiềm trao đổi chất, điều này rất nguy hiểm hoặc thậm chí chết người nếu không được điều trị.
Tuy nhiên, hiếm khi xảy ra tình trạng này do cơ thể có khả năng ngăn ngừa pH máu lệch khỏi thang an toàn. Một trong những cách thức cơ thể sử dụng để giữ pH ổn định đó là dùng thận để lọc bỏ axit dư thừa qua nước tiểu.
Đó là lý do nước tiểu của bạn có thể trở nên axit hơn trong vài giờ sau khi ăn nhiều thịt bò hoặc kém axit hơn sau khi ăn thực phẩm kiềm hoá.
Trong khi độ axit của nước tiểu biến động phụ thuộc thực phẩm cơ thể tiêu thụ, thì pH máu lại giữ ổn định. Vì vậy, uống nước chanh giúp nước tiểu kiềm hơn nhưng lại không tác dụng gì với pH máu.
Note: Nước chanh có tác dụng kiềm hoá với nước tiểu. Tuy nhiên, trái ngược với tiền đề của chế độ ăn kiềm hoá, nước chanh lại có rất ít tác dụng lên pH của máu.
Độ pH của thực phẩm có quan trọng không?
Những người theo chế độ ăn kiềm hoá cho rằng thực phẩm bạn ăn ảnh hưởng tới sức khoẻ thông qua tác động tới pH máu. Luận điểm của họ đó là thực phẩm kiềm hoá ngăn ngừa loãng xương và có khả năng phòng chống hoặc điều trị ung thư.
Tuy nhiên, như đã nói bên trên, lý thuyết này hoàn toàn bỏ qua vai trò của thận trong việc ổn định pH máu, cùng với các phương pháp khác cơ thể sử dụng để duy trì pH.
Thêm vào đó, đối lập với quan điểm phổ biến, nhiều nghiên cứu trên diện rộng cho thấy chế độ ăn axit không ảnh hưởng tới lượng canxi trong cơ thể.
Thực tế, một số nghiên cứu đã liên hệ chế độ ăn nhiều protein thường được cho là mang tính axit, với tình trạng xương tốt hơn.
Về việc nhiều người cho rằng thực phẩm axit gây nên ung thư, thì đã có các báo cáo toàn diện cho thấy không có mối liên hệ trực tiếp giữa lượng thực phẩm axit bạn tiêu thụ với rủi ro mắc ung thư.
Tuy nhiên, chế độ ăn kiềm có một số lợi ích sức khoẻ đối với một số đối tượng nhất định.
Ví dụ, những người mắc bệnh thận thường phải hạn chế lượng protein đưa vào cơ thể. Áp dụng chế độ ăn kiềm hoá giúp giảm chút ít nhu cầu đó của cơ thể. Nó cũng giúp giảm nguy cơ sỏi thận. Tuy vậy, cần có thêm nhiều nghiên cứu trước khi đưa ra kết luận rõ ràng.
Note: Cơ thể bạn được thiết kế để giữ pH máu ở trong một khoảng hẹp và an toàn. Thực phẩm bạn ăn ảnh hưởng rất ít tới độ pH này.
Các lợi ích khác của nước chanh
Mặc dù có rất ít tác dụng kiềm hoá máu, thì uống nước chanh thường xuyên vẫn có một số lợi ích khác cho sức khoẻ.
Nước chanh chứa hàm lượng cao vitamin C là chất chống oxy hoá mạnh mẽ giúp hệ miễn dịch khoẻ mạnh, ngăn ngừa và chống lại bệnh tật. Một khẩu phần 30ml nước chanh cung cấp khoảng 23% lượng vitamin C cơ thể cần mỗi ngày.
Ngoài ra, sử dụng đồ uống giàu vitamin C như nước chanh trong khi ăn giúp tăng khả năng hấp thu một số loại khoáng, bao gồm sắt.
Nước chanh cũng chứa một lượng nhỏ các chất chống oxy hoá giúp giảm nguy cơ bệnh tim bằng cách củng cố mạch máu, giảm viêm và phòng chống tích luỹ các mảng bám trong thành mạch.
Thêm vào đó, đã có những nghiên cứu cho thấy thường xuyên sử dụng nước chanh giúp phòng chống hình thành một số loại sỏi thận.
Thường xuyên sử dụng nước chanh giúp tăng cường hệ miễn dịch, tăng khả năng hấp thu chất khoáng, giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và phòng chống một số loại sỏi thận.
Kết luận
Nước chanh có độ pH axit trước khi được cơ thể tiêu hoá. Tuy nhiên, sau quá trình trao đổi chất, nó tạo ra các chất phái sinh mang tính kiềm.
Các chất phái sinh kiềm này khiến nước tiểu kiềm hơn nhưng có rất ít ảnh hưởng tới pH máu.
Vì vậy, bất kể lợi ích nào nước chanh mang lại cho sức khoẻ thì cũng không phải do nó có khả năng kiềm hoá.
Ngọc Mai dịch từ https://authoritynutrition.com/lemon-juice-acidic-or-alkaline/