Chuyên gia Nhi khoa Bệnh viện Bạch Mai: Thoát vị hoành bẩm sinh - chớ nên xem thường

Linh Trang |

Thoát vị cơ hoành bẩm sinh ở thai nhi gây ra nhiều khó khăn trong chẩn đoán, có khả năng ảnh hưởng nặng đến hô hấp cũng như tác động ít nhiều đến các cơ quan tim, não, thận.

Cứu sống bé trai sinh non bị thoát vị hoành trái thể nặng

Mới đây, tại Khoa Ngoại tổng hợp - BV Nhi Đồng TP. HCM vừa cấp cứu thành công một bé trai sinh ra khi mới được 30 tuần tuổi. Lúc sinh bé nặng 1,1 kg. Qua kiểm tra, bác sĩ phát hiện bé bị thoát vị hoành trái bẩm sinh thể nặng, khiếm khuyết gần 3/4 cơ hoành với lách, dạ dày, toàn bộ thùy trái gan.

Đặc biệt gần như toàn bộ ruột nằm trong lồng ngực và thiểu sản phổi (tình trạng kém phát triển của các phế nang, đường khí, và các mạch máu trong phổi).

Chuyên gia Nhi khoa Bệnh viện Bạch Mai: Thoát vị hoành bẩm sinh - chớ nên xem thường - Ảnh 1.

Tỉ lệ tử vong do thoát vị hoành đã giảm nhưng vẫn chiếm từ 20 – 50%

Ths.Bs Tạ Huy Cần - Khoa Ngoại tổng hợp BV Nhi Đồng TP.HCM cho hay: "Ê-kíp quyết định phẫu thuật cho bé. Tuy nhiên ca mổ này rất khó khăn, bởi bệnh thoát vị hoành ở trẻ đủ tháng cũng đã rất phức tạp.

Theo BS Cần, bé sinh non, thiểu sản phổi vì phổi bị các tạng trong ổ bụng thoát vị lên lồng ngực chèn ép, trước mổ cần phải hồi sức để ổn định tương đối tình trạng hô hấp".

Ổ bụng bệnh nhi nhỏ do tình trạng các tạng thoát vị nằm trong ngực. Sau khi đưa các tạng thoát vị xuống bụng cũng gây nhiều khó khăn cho việc khâu lại vết mổ ở bụng.

Bé bị thương tổn cơ hoành nên sẽ rất khó khăn để tái tạo lại, chưa kể có khả năng thoát vị tái phát sau mổ.

"Cần phải tiếp tục hồi sức sau mổ tích cực, đòi hỏi nhiều trang thiết bị hiện đại và kinh nghiệm của bác sĩ hồi sức sơ sinh" - BS Cần cho biết, ngay cả các nước phát triển thì các trường hợp tương tự tỷ lệ tử vong cũng rất cao.

Thoát vị cơ hoành bẩm sinh ở thai nhi là gì?

Liên quan đến hiện tượng khiếm khuyết bẩm sinh kể trên, PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai chia sẻ: "Thoát vị cơ hoành bẩm sinh ít xảy ra, là bệnh lí xảy ra do quá trình hình thành cơ hoành ở bào thai không được hoàn thiện. Khiếm khuyết trong quá trình này sẽ để lại khe hở trên cơ hoành của trẻ".

"Điều này dẫn đến hệ quả lồng ngực và ổ bụng không được ngăn cách hoàn toàn. Các tạng trong ổ bụng của bệnh nhân như dạ dày, ruột, lách, gan có thể đi lên lồng ngực qua khe hở của cơ hoành".

Dấu hiệu nhận biết thoát vị hoành sau sinh

Chuyên gia Tiến Dũng cho biết thêm: Thoát vị hoành sau sinh là tình trạng có thể nhận biết được bằng cách nghe tim phổi bởi tim thường bị đẩy sang phải ở người có thoát vị hoành.

Ngoài ra, khi bác sĩ nghe phổi sẽ phát hiện thấy tiếng khí đi vào phổi trái kém hơn so với phổi phải do phổi trái thường bị thiểu sản, chèn ép. Quan sát thấy bụng của trẻ thường lép vì có một số tạng trong ổ bụng của trẻ bị chạy ngược lên lồng ngực. Trẻ cũng có dấu hiệu khó thở, hay bị viêm phổi.

Chuyên gia Nhi khoa Bệnh viện Bạch Mai: Thoát vị hoành bẩm sinh - chớ nên xem thường - Ảnh 2.

Khi bị thoát vị hoành sẽ dẫn đến sự di chuyển của các tạng trong cơ thể thông qua khe hở

Hậu quả nguy hiểm của thoát vị hoành bẩm sinh ở trẻ em

Khi bị thoát vị hoành sẽ dẫn đến sự di chuyển của các tạng trong cơ thể thông qua khe hở làm thay đổi vị trí của các bộ phận trong quá trình hình thành của chúng.

Đặc biệt là ảnh hưởng đến quá trình hình thành phổi, từ đó gây ra thiểu sản phổi ở 1 hoặc cả 2 bên phổi. Các cấu trúc phế nang, phế quản, mạnh máu trong phổi cũng có những dị tật nhất định và khiến chức năng của phổi bị ảnh hưởng nặng, gây thiếu oxy, tăng CO2. Áp lực động mạch phổi cũng tăng và kéo dài.

Một số trường hợp không chỉ gây ra dị tật phổi mà còn ảnh hưởng đến tim, não, thận… do mất cân bằng lượng CO2 và O2 trong cơ thể bệnh nhân. Những tình trạng này có thể ảnh hưởng lớn đến tính mạng người bệnh.

Điều trị thoát vị hoành ra sao?

Chuyên gia Nhi khoa Bệnh viện Bạch Mai: Thoát vị hoành bẩm sinh - chớ nên xem thường - Ảnh 3.

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai

Trước thực tế mỗi năm xuất hiện một số ít những ca mắc thoát vị hoành bẩm sinh, BS Dũng khẳng định:

"Đây là hiện thượng bẩm sinh y học có thể can thiệp được nếu phát hiện sớm. Tùy từng mức độ khiếm khuyết mà BS chỉ định hướng điều trị cụ thể, nhất là mức độ nặng của thiểu sản phổi. Ngay cả sau điều trị vẫn cần theo dõi sát sao tình trạng bệnh để có những can thiệp và xử lí phù hợp, kịp thời nhất".

Chuyên gia cũng cảnh báo: "Khi phát hiện thoát vị hoành sau sinh cần chuyển bé đến ngay các bệnh viện có khả năng hồi sức sơ sinh tốt để thực hiện hồi sức trước khi mổ. Đây là hiện tượng ít xảy ra nhưng nguy hiểm và người bệnh chớ nên xem thường".

Đặt nội khí quản, ống thông dẫn lưu dạ dày liên tục cho trẻ để giảm chèn ép phổi, hô hấp không bị tắc nghẽn.

Phẫu thuật giải phóng chèn ép phổi, khâu phục hồi cơ hoành.

Những tiên lượng được cảnh báo

Sau phẫu thuật vẫn có khả năng gặp phải một số vấn đề như bệnh phổi mạn tính, ảnh hưởng các chức năng của phổi cũng như các vấn đề về hô hấp khác. Trẻ cũng có thể chậm tăng cân, ăn uống khó, gặp các vấn đề tiêu hóa, kém phát triển thể chất…

Xem thêm:

Hội thảo phòng chống béo phì thừa cân cho trẻ em - lời cảnh báo từ chuyên gia

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại