Chuyên gia Nhật Bản bày cách giúp con đối phó với bạo lực học đường

Thái Hà |

Cô Torii, một chuyên gia tư vấn giáo dục học đường tại Nhật với nhiều năm tư vấn trong lĩnh vực giáo dục sẽ giúp bố mẹ có thêm cái nhìn cũng như hướng giải quyết trong trường hợp con bị bạn đánh.

Bảo vệ con là quan trọng, nhưng dạy con cách để bảo vệ mình cũng là điều quan trọng không kém.

Con số báo động về bạo lực học đường tại Nhật

Theo thống kê của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ tại Nhật Bản thì số lượng bạo lực học đường đang gia tăng theo từng năm tại đất nước mặt trời mọc này. Đặc biệt, vào năm năm 2019 thì số lượng trường học có ghi nhận bạo lực học đường đã tăng cao kỷ lục, từ 30,583 vụ tới 30,711 vụ.

Con số bạo lực học đường được công nhận là 484.545 đối với các trường tiểu học, 106.524 đối với các trường trung học cơ sở, 18.352 đối với các trường trung học và 30.75 đối với các trường đặc biệt.

Nếu phân theo cấp học thì trường hợp bạo lực học đường xảy ra nhiều nhất ở cấp tiểu học năm thứ 2, thứ 3 và thứ nhất. Có một thực tế đáng buồn là các bậc phụ huynh nhận ra được vấn đề con mình bị bắt nạt phải một thời gian rất lâu sau lần đầu tiên con bị bắt nạt. Đáng buồn thay là việc con bị bắt nạt này có nhiều bậc phụ huynh không hề biết cho đến khi con mình “tức nước vỡ bờ”.

Nguyên nhân và biểu hiện của con trẻ khi bị bạo lực học đường

Bạo lực học đường có thể bắt đầu từ căng thẳng, mâu thuẫn nào đó trong mối quan hệ học đường giữa các em học sinh với nhau hoặc giữa học sinh với các đối tượng khác trong trường. Có những mâu thuẫn rất nhỏ nhưng các em lại chọn cách giải quyết bằng bạo lực, tấn công đối tượng tạo ra căng thẳng cho mình. Có thể hiểu bạo lực là những hành vi tác động tới một người hoặc một nhóm người nhằm gây ra những tổn thất về thể chất, tinh thần và tâm lý.

Các dấu hiệu thường ngày bao gồm, chán ăn, mất sức, buổi sáng không thể thức dậy… đều bị bỏ qua. Và chỉ đến khi trẻ không thể chịu đựng được nữa thì mới nhận được sự chú ý của cha mẹ. Có nhiều em vì quá nhẫn nhục chịu đựng, không thể nói với ai mà đã tìm tới việc tự tử.

Những điều mà cha mẹ nên làm

Đối với việc con bị đánh thì cha mẹ nên nhận ra càng sớm càng tốt, tránh làm con thêm hoảng loạn, kiên nhẫn và tránh làm mọi việc trở nên tồi tệ hơn.

Dưới đây là những điều mà theo như cô Torii thì một người phụ huynh thông thái nên làm sau khi biết con bị bạn đánh:

Hãy luôn lắng nghe con nói

Là một bậc phụ huynh tốt thì bạn phải luôn coi trọng và đề cao lòng tự trọng của trẻ. Rất nhiều bậc phụ huynh đã nổi khùng lên, mắng con cái rằng, “chỉ là mấy vụ bắt nạt thôi mà, việc gì phải nghỉ học?” hay như “đã mất công thi vào trường rồi mà bây giờ lại đòi nghỉ học!” … Đặc biệt đối với các trường công lập, có mức chọi để vào được trường cao ngất ngưởng thì việc chèn ép trẻ, thiếu tôn trọng trẻ, không lắng nghe ý kiến của trẻ còn xảy ra nhiều hơn nữa. Tuy nhiên điều này thực sự là KHÔNG NÊN.

Nếu trẻ nói rằng con bị bắt nạt, con bị bạn đánh, hãy cho con được nghỉ học thì lắng nghe là điều rất quan trọng. Hãy nói cho con biết rằng, con đã rất dũng cảm, dũng cảm để nói ra được con đang bị bắt nạt, dũng cảm để thông báo cho người lớn biết rằng con đang gặp nguy hiểm, đây là điều hoàn toàn nên làm.

Việc con phát tín hiệu SOS cầu cứu người xung quanh, hay nói với người lớn không phải là chuyện xấu hổ. Đó là điều cần thiết. Và với mẹ, việc con đánh giá được tình huống coi là nguy hiểm cho bản thân và nói chuyện với mẹ là minh chứng cho việc, con đã trưởng thành và có niềm tin vào mẹ. Việc con nghỉ học hay tiếp tục đi học thì chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận tiếp.

Việc được mẹ và người xung quanh tin tưởng sẽ giúp trẻ trở nên bình tĩnh hơn, tự tin hơn khi trẻ biết rằng mối nguy hiểm của mình được người xung quanh đánh giá và quan tâm. Điều này gián tiếp giúp cho các vụ bắt nạt, bạo lực học đường được lôi ra ánh sáng.

Dạy con tìm về nơi an toàn

Đây là điều đầu tiên, cần phải được ưu tiên trong việc hành xử của cha mẹ khi con bị đánh. Hãy cho con biết rằng, ngay khi con cảm thấy mình bị bắt nạt thì việc đầu tiên là con hãy tìm một nơi an toàn để có thể chạy trốn, đảm bảo an toàn cho bản thân. Đó có thể là trong phòng tự học (nơi có nhiều bạn bè khác), phòng giáo viên (nơi có giáo viên), phòng y tế…. Dù là nơi nào đi chăng nữa thì việc con có thể đảm bảo an toàn cho bản thân là điều tối quan trọng.

Trong trường hợp con bị quây đánh hoặc bị bắt nạt bởi nhiều đối tượng học sinh khác thì việc rút lui tạm thời, đảm bảo an toàn và tính mạng cho bản thân là điều nên làm.

Đừng quá chú trọng chỉ trích thủ phạm

Bạo lực học đường giống như một vụ tai nạn giao thông, kể cả bạn cho dù có thu xếp ổn thỏa thì vẫn có thể để lại những di chứng cho nạn nhân, ở đây là con của bạn. Tuy nhiên, đây cũng là những trải nghiệm rất cần thiết cho con của bạn để trở nên mạnh mẽ hơn, có cơ hội được nói ra những điều mà mình thật sự suy nghĩ.

Vậy nên là cha mẹ, chắc chắn việc biết con bị đánh là một điều không mấy thú vị, tuy nhiên bạn hãy sử dụng sự việc lần này như một cơ hội để dạy con trưởng thành hơn. Nhiều phụ huynh thường làm quá lên khi thấy con mình bị đánh hoặc có ý muốn trả thù. Hoặc họ muốn trả thù, tìm mọi cách để trừng phạt những kẻ đã làm tổn thương con mình. Thậm chí có nhiều gia đình còn kêu gọi cả luật sư để bảo vệ lợi ích cho con mình.

Thực sự ra thì điều này không cần thiết. Việc cần làm khi biết con bị bạn đánh là bạn cần đảm bảo cho việc này không tái diễn lần thứ hai, dạy con bạn về sự mạnh mẽ để tự bảo vệ bản thân. Hãy nhớ, điều bạn cần chú trọng bảo vệ bây giờ là con bạn, chứ không phải “con hàng xóm”.

Không nên quá khích tại trường học

Nhiều phụ huynh khi biết được con mình bị bạn đánh đã trở nên cáu giận, kéo đến trường, yêu cầu nhà trường đứng ra xử phạt, yêu cầu nghỉ học đối với những học sinh là thủ phạm của bạo lực học đường. Tuy nhiên việc làm này đã vô tình gây nên sự khó xử cho nhà trường và thầy cô giáo.

Trường học là nơi giáo viên nhận tiền học đồng đều từ các học sinh và giáo viên có nghĩa vụ cung cấp kiến thức, truyền đạt những gì mình biết tới học sinh. Vậy nên, nếu đứng về khía cạnh kinh tế thì trong mắt giáo viên, mọi học sinh đều bình đẳng. Và nhà trường có nghĩa vụ phải đối xử giống nhau với mọi học sinh.

Vậy nên, nếu phụ huynh tức giận và đổ mọi trách nhiệm cho nhà trường thì sẽ rất có thể tạo nên sự thù hằn giữa gia đình và nhà trường. Điều này dẫn tới những căng thẳng cho chính bản thân con bạn. Trong trường hợp này, điều tiên quyết là phải giữ bình tĩnh, thương lượng và tỏ thái độ hợp tác với nhà trường. Nếu có thể được thì cung cấp thông tin cụ thể về sự việc, nêu ra những mong muốn của bản thân và gia đình.

Và vẫn luôn nhớ rằng, con cái vẫn luôn là điều quan trọng nhất cần được chú ý ở đây. Hãy luôn ở bên con bạn, vỗ về để con biết rằng, con không làm gì sai ở trong trường hợp này.

Phối hợp với nhà trường để đảm bảo bạo lực không tiếp diễn

Thứ nhất là cha mẹ phải có đủ kiên nhẫn để lắng nghe câu chuyện của cả hai bên, và nhân chứng thứ ba (nếu có). Thứ hai là làm việc với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên phụ trách lớp học, ban cán sự để tạo ra mạng lưới giúp đỡ con bạn tái hòa nhập với các thành viên trong lớp. Nên nhớ, con bạn hiện đang rất bị sốc với việc bị đánh cũng như những ý kiến từ bên ngoài. Vậy nên đảm bảo một môi trường an toàn cho con là điều nên làm.

Tiếp theo là cha mẹ có thể xem xét bạo lực học đường là vấn đề của một nhóm, hay một lớp học, hay cả nhà trường và nó đã tồn tại lâu chưa. Việc ngăn chặn bạo lực học đường là điều nên làm cho dù ở bất cứ cấp bậc nào và điều này cũng gián tiếp giúp cho việc con bạn bị đánh không xảy ra ở lần tiếp theo.

Thứ tư là hãy xem xét hình thức kỷ luật được đưa ra với các học sinh đã đánh con bạn. Nếu việc này đã xảy ra quá nhiều lần thì việc yêu cầu nghỉ học cũng là phương án cần được cân nhắc. Trong cả quá trình thương lượng và thu thập thông tin này thì sự kiên nhẫn là vô cùng quan trọng. Ngoài ra, việc bày tỏ sự biết ơn đối với nhà trường một cách thiện chí cũng là điều không thể bỏ qua.

Có thể vết thương trên người con không thể nào lành hẳn, nhưng chắc chắn phải có những chế tài bắt buộc để giảm thiểu những trường hợp bạo lực học đường một cách triệt để nhất.

Dạy con bảo vệ bản thân

Không có đứa trẻ nào trên thế gian này là ngu ngốc cả, vậy nên hãy để cho con có quyền được trải nghiệm, được hành động, được là chính mình trong mọi trường hợp.

Điều cuối cùng và cũng là điều quan trọng nhất, đó chính là dạy con cách bảo vệ bản thân. Chắc chắn thông qua kinh nghiệm lần này, con đã trưởng thành lên, biết đến những thứ gọi là nguy hiểm cho bản thân để phòng tránh. Không có một người cha hoặc người mẹ nào cảm thấy không xót xa khi thấy con mình bị đau, nhưng không ai có thể đi theo con cả cuộc đời ngoài bản thân con cả.

Vậy nên việc cho con cơ hội và trải nghiệm để nói ra suy nghĩ của bản thân, học cách tự mình lớn lên là điều rất quan trọng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại