Chuyên gia Nga: Xung đột Karabakh là một "trận hòa", QĐ Armenia vẫn có thể ngẩng cao đầu

Hoài Giang |

Tiến sĩ Khoa học Quân sự Nga Konstantin Sivkov cho rằng về nghệ thuật tác chiến, huấn luyện chiến thuật và lòng dũng cảm trong cuộc chiến ở Karabakh, phía Armenia luôn cao hơn đối thủ.

Xung đột Nagorno-Karabakh là một "trận hòa"

Trong một cuộc phỏng vấn của Dialogorg.ru, Phó chủ tịch Viện Khoa học Tên lửa và Pháo binh Nga (RARAN),Tiến sĩ Khoa học Quân sự Konstantin Sivkov cho biết trong cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh, phía Azerbaijan chỉ đạt được một phần mục tiêu đặt ra.

Theo ông Sivkov, Quân đội Azerbaijan chỉ có thể giành quyền kiểm soát 5 khu vực xung quanh Nagorno-Karabakh (được cho là đã được thống nhất chuyển giao cho họ sau các cuộc đàm phán của Nhóm Minsk thuộc OSCE) và một phần nhỏ của NKR (Cộng hòa Artsakh tự xưng).

"Armenia và NKR đã cố gắng bảo vệ những phần trọng yếu của khu vực. Tức là, mục tiêu đã đạt được một phần. Đây là một trận hòa. Vì vậy, lập luận cho rằng Azerbaijan đã giành chiến thắng không thể được coi là chính xác".

Chuyên gia Nga: Xung đột Karabakh là một trận hòa, QĐ Armenia vẫn có thể ngẩng cao đầu - Ảnh 1.

Tiến sĩ Konstantin Sivkov (Nguồn: Sputnik).

Vị chuyên gia lưu ý, trước ưu thế vượt trội của đối phương về quân số và vũ khí cùng sự hỗ trợ rõ ràng của Thổ Nhĩ Kỳ, không thể không khâm phục lòng dũng cảm và sự kiên cường của quân Armenia.

Đối với các phản ứng tiêu cực về kết quả của cuộc chiến tại Armenia, theo quan điểm của ông Sivkov: "Những kẻ chạy quanh quảng trường (tại thủ đô Yerevan) đều là những kẻ ngu ngốc hoặc lừa đảo chính trị".

Theo ý kiến ​​của vị chuyên gia Nga, lẽ ra những người này phải ở tuyến đầu xung đột, và sau đó họ sẽ hiểu chiến tranh nghĩa là gì.

Đồng thời, theo quan điểm của ông Sivkov, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan ở một mức độ nào đó phải chịu trách nhiệm về xung đột leo thang do "đã cản trở các cuộc đàm phán chuyển giao các vùng lãnh thổ chưa bao giờ thuộc Nagorno-Karabakh và thuộc về Azerbaijan".

Chuyên gia Nga: Xung đột Karabakh là một trận hòa, QĐ Armenia vẫn có thể ngẩng cao đầu - Ảnh 2.

Một người lính Armenia chốt trên một điểm cao quan trọng, nơi họ đã hạ gục 2 xe tăng của đối phương (Nguồn: Sputnik).

Armenia và Azerbaijan đều có những "vết thương rỉ máu"

Ông Sivkov lưu ý rằng trong cuộc xung đột vừa qua, cả hai phía tham chiến đều thiệt hại lớn cả về nhân lực và trang thiết bị.

Theo vị chuyên gia, xã hội Azerbaijan nhạy cảm với tổn thất hơn nhiều so với Armenia, nhưng tình thế hiện tại là chính phủ nước này khó có thể thừa nhận rằng quân đội của họ không đạt được "chiến thắng toàn diện" thông qua việc tái chiếm toàn bộ Nagorno-Karabakh.

"Điều đó sẽ là vấn đề rất lớn, đặc biệt là sau khi con số người thiệt mạng thực sự từ phía Azerbaijan được công bố".

Những gì (Tổng thống Azerbaijan) Aliyev có thể làm, đó là tôn vinh sự vĩ đại của chiến thắng bằng mọi cách có thể. Ông ấy hoàn toàn hiểu rằng đây chỉ là chiến thắng một nửa và nửa còn lại là thất bại.

Ông ấy sẽ rất chán nản, và hậu quả của việc này là ông Aliyev giờ đây sẽ cứng rắn theo đuổi đường lối thân Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan sẽ trở thành quốc gia thù địch với Nga", chuyên gia Nga nhấn mạnh.

Ông Sivkov nhấn mạnh vào việc Tổng thống Azerbaijan nói rằng các quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ được cho là sẽ "đứng chân" trên chiến tuyến ở Karabakh, mặc dù hiện tại chỉ có lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga ở đó.

Ngoài ra, theo phó chủ tịch RARAN, việc ông Aliyev đồng ý chỉ triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga đồng nghĩa với việc Quân đội Azerbaijan không còn khả năng chiến đấu.

Chuyên gia Nga: Xung đột Karabakh là một trận hòa, QĐ Armenia vẫn có thể ngẩng cao đầu - Ảnh 3.

Một hình ảnh tuyên truyền của phía Azerbaijan.

Những bài học về quân sự nào được rút ra ở Karabakh?

Chuyên gia Nga nhấn mạnh rằng tiềm lực quân sự của cả Armenia và Karabakh cộng lại chỉ bằng 1/5 so với phía Azerbaijan.

Tuy nhiên khi Quân đội Azerbaijan bắt đầu các hoạt động quân sự ở hai hướng tây bắc và đông nam Karabakh, họ chỉ giành được vài km trong tuần đầu xung đột với tổn thất lớn.

"Khi phải chôn chân trong các dãy núi ở tuyến phòng thủ thứ hai của đối phương, họ nhận ra rằng mình sẽ không thể tiến công theo cách này nữa. Vì vậy, vào một tuần sau, họ tập trung lại lực lượng, chỉ tập trung vào hướng Đông Nam.

Hãy suy nghĩ về việc ở hướng này, họ đã tạo ra ưu thế gấp 10-12 lần so với đối phương. Với sự vượt trội như vậy mà trong vòng 1 tháng họ cũng chỉ tiến chiếm được khu vực rộng từ 30 - 40 km", ông Sivkov nhấn mạnh.

Theo chuyên gia này, ngay cả khi đã chọc thủng mọi tuyến phòng thủ và tiến vào khu vực chủ yếu là tác chiến bộ binh, các đơn vị Azerbaijan vẫn tiếp tục gặp phải sự kháng cự quyết liệt của quân Armenia.

Chuyên gia Nga: Xung đột Karabakh là một trận hòa, QĐ Armenia vẫn có thể ngẩng cao đầu - Ảnh 4.

Một lính đặc nhiệm Azerbaijan bị thương nặng tại mặt trận Shusha/Shushi.

Phát biểu về các yếu tố về quân sự và chiến lược khác, chuyên gia nhấn mạnh rằng Azerbaijan được trang bị một số lượng lớn các hệ thống pháo phản lực phóng loạt và pháo tầm xa với tầm bắn từ 50-90 km.

Về phía Armenia, họ chỉ có đa phần pháo dã chiến có tầm bắn tối đa từ 15–20 km.

"Người Azerbaijan có khoảng 50-70 chiếc máy bay không người lái (UAV) mà họ mua ở nước ngoài. Những chiếc UAV này cung cấp năng lực chỉ thị mục tiêu cho pháo binh tấn công. Người Armenia không có bất kỳ UAV nào như vậy.

Điều này có nghĩa là Azerbaijan có thể pháo kích sâu (vào tuyến phòng thủ của phía Armenia) nhưng đối phương của họ không thể phản pháo.

Họ (lực lượng Armenia) chỉ có thể tiếp cận các mục tiêu trong tầm bắn của pháo binh và sau đó sử dụng kỹ năng trinh sát để chỉ thị mục tiêu", tiến sĩ khoa học quân sự giải thích.

Ngoài ra, vị chuyên gia cho biết phía Azerbaijan đã có đủ các hệ thống phòng không để chống lại UAV, trong khi đối phương của họ ở Karabakh chỉ có 6 pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 Shilka cho toàn bộ tuyến phòng thủ này.

"Thêm vào đó, theo giả định của tôi, người Armenia đã triển khai thêm hàng chục chiếc nữa. Và với tầm bắn 2-2,5 km - chúng đã phá hủy 3/4 máy bay không người lái của phía Azerbaijan. Và sau đó, các hoạt động của máy bay không người lái đã dừng lại", Sivkov nói.

Chuyên gia quân sự lưu ý thêm một điểm: Lực lượng vũ trang Azerbaijan có 100 xe tăng T-90 hiện đại, còn phía Armenia có số xe tăng T-72. Chúng chỉ có thể chống lại T-90 trong điều kiện rất thuận lợi.

Ngoài ra tổng cộng phía Armenia có 200 xe tăng, trong khi phía Azerbaijan có 444 chiếc.

Chuyên gia Nga: Xung đột Karabakh là một trận hòa, QĐ Armenia vẫn có thể ngẩng cao đầu - Ảnh 6.

Một chiếc T-72 của lực lượng Armenia vẫn tiếp tục chiến đấu sau khi bị tên lửa từ UAV tấn công.

"Tôi chỉ có thể nhấn mạnh một điều. Đó là xét về cả nghệ thuật tác chiến và huấn luyện chiến thuật thì lực lượng (Armenia) Karabakh đều là cao nhất. Lòng dũng cảm là cao nhất. Tôi không thể nói khác", Sivkov nói.

Ông Sivkov nhớ lại rằng vào đầu cuộc chiến, Thổ Nhĩ Kỳ bị cáo buộc đã gửi 300-400 tay súng từ Idlib của Syria đến Karabakh. Bất chấp thực tế là những tên lính đánh thuê này đã có kinh nghiệm chiến đấu, 50 tên đã bị tiêu diệt ngay trong ngày đầu của cuộc chiến".

Ngoài ra, được biết Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) đã tham gia quá trình điều khiển cả máy bay không người lái lẫn chỉ huy các đơn vị quân đội Azerbaijan. Tuy nhiên, phía Azerbaijan vẫn vấp phải sức kháng cự kiên cường.

"Ở Shusha, từ lúc người Azerbaijan tiến vào vùng ngoại ô cho đến khi chiếm được thị trấn, họ phải mất tới 3 ngày. Với lực lượng mà người Armenia có ở đó, họ đã làm được điều không thể.

Người Armenia đã đẩy lùi cuộc tấn công của người Azerbaijan với tổn thất tối thiểu về lãnh thổ và nhân lực. Tôi nghĩ sẽ là một tình huống phi thường. vẫn phải được khoa học quân sự nghiên cứu kỹ lưỡng", ông Sivkov khẳng định.

Chuyên gia Nga: Xung đột Karabakh là một trận hòa, QĐ Armenia vẫn có thể ngẩng cao đầu - Ảnh 8.

Hướng tiến quân của lực lượng đặc biệt Azerbaijan vào thị trấn chiến lược Shusha.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại