Nga tố Mỹ sao chép ý tưởng
"Mỹ sao chép ý tưởng của Nga [về tên lửa siêu vượt âm phóng từ trên không]?" là câu hỏi mà hãng thông tấn nhà nước Sputnik (Nga) đã đăng tải ngay trên tiêu đề bài viết hồi tháng trước, đề cập tới hợp đồng trị giá 1,2 tỷ USD mà Không quân Mỹ trao cho Boeing để mua 8 máy bay chiến đấu F-15EX – phiên bản nâng cấp thế kỷ 21 của mẫu F-15 Eagle thời Chiến tranh Lạnh.
Thông báo gần đây của Boeing nhấn mạnh rằng F-15EX "có thể triển khai các loại tên lửa siêu vượt âm dài tới 6,7m và nặng 3,1kg".
Sự nghi ngờ này của truyền thông Nga đã khiến giới chuyên gia Mỹ sửng sốt và không thể ngồi yên. Mới đây trên tạp chí Forbes (Mỹ), nhà phân tích Michael Peck đã đăng tải bài viết với tiêu đề "Xin lỗi nhé, nước Nga: Người Mỹ không hề sao chép ý tưởng tên lửa siêu vượt âm của các vị" để phản bác cáo buộc từ Moscow.
Sau tiêu đề mang đầy sự mỉa mai, ông Peck tiếp lời với giọng điệu châm biếm: "Aha! Và truyền thông Nga bắt đầu kêu khóc".
Theo Sputnik, Nga đã bắt đầu vũ trang cho tiêm kích đánh chặn MiG-31 (NATO định danh: Foxhound) với tên lửa đạn đạo siêu vượt âm phóng từ trên không Kinzhal, có tốc độ Mach 10 – nhanh tới mức các hệ thống phòng không của phương Tây không thể ngăn chặn.
"Quân đội Nga, lực lượng đầu tiên trên thế giới tiếp nhận vũ khí siêu vượt âm sẵn sàng hoạt động vào năm 2017, đã quyết định triển khai tên lửa siêu vượt âm Kinzhal tiên tiến trên mẫu máy bay chiến đấu thế hệ 4 đã được nâng cấp, thử nghiệm và kiểm tra Mikoyan MiG-31" – Sputnik News cho hay.
"Mẫu máy bay đánh chặn này được giới thiệu lần đầu tiên vào đầu những năm 1980 nhưng đã trải qua một số nâng cấp quan trọng trong vài năm gần đây.
Ở cấu hình MiG-31K, chiếc máy bay có thể đạt tới tốc độ Mach 3, và mang theo tên lửa Kinzhal có tầm bắn 2.000km với tốc độ lên đến Mach 10, rất cơ động khi bay, khiến nó gần như không thể bị đánh chặn" – Hãng thông tấn Nga nêu rõ.
Tiêm kích đánh chặn MiG-31K mang tên lửa siêu vượt âm Kinzhal. Ảnh: AP
Theo ông Peck, phải thừa nhận rằng, dường như đúng là có sự tương đương giữa hai phía. Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của MiG-31 là vào năm 1975, và của F-15 là vào năm 1976.
MiG-31 ra đời để thay thế MiG-25 Foxbat, còn F-15EX có thể sẽ được Không quân Mỹ lựa chọn như phương án thay thế nhanh cho các mẫu tiêm kích chiếm ưu thế trên không F-15C/D và tiêm kích tấn công F-15E Strike Eagle, thay vì chờ đợi hàng năm trời để F-35 sản xuất đủ số lượng.
Cả Eagle và Foxhound đều được hiện đại hóa sâu để có thể mang "siêu vũ khí của thế kỷ 21" – tên lửa siêu vượt âm (thực chất không có gì cao xa hơn một loại tên lửa có thể bay với tốc độ trên Mach 5).
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cảnh báo rằng, các tên lửa như Kinzhal, tên lửa phóng từ tàu chiến Zircon và phương tiện lượn siêu vượt âm trang bị đầu đạn nhiệt hạch Avangard không thể bị các hệ thống phòng thủ hiện nay của phương Tây bắn hạ.
Mỹ đang tìm cách bắt kịp đối thủ trong cuộc đua vũ khí siêu vượt âm. Chẳng hạn, Không quân Mỹ đã thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm AGM-183 trong chương trình vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không (ARRW) trên máy bay ném bom B-52 vào năm 2019.
Máy bay ném bom B-52 thử nghiệm với tên lửa siêu vượt âm AGM-183. Ảnh: The Drive
Tại sao cả Nga và Mỹ đều lựa chọn biến những chiếc tiêm kích từ thời Chiến tranh Lạnh thành phương tiện mang phóng tên lửa siêu vượt âm? Đối với Nga, MiG-31 là một lựa chọn hấp dẫn bởi nó là tiêm kích đánh chặn 24 tấn, có khả năng đạt tới tốc độ siêu thanh cần thiết để triển khai tên lửa Kinzhal.
Nga còn tích hợp cả tên lửa Kinzhal lên máy bay ném bom Tu-22M3 Backfire. Mẫu máy bay này cũng có thể bay với tốc độ siêu thanh nhưng có tầm hoạt động lên tới 1.500 dặm, cao hơn MiG-31 (500 dặm).
Đối với Mỹ, sức hút của F-15 đơn giản nằm ở chỗ nó là một mẫu máy bay chiến đấu mạnh mẽ. Mặc dù không có các tính năng tàng hình như F-35, nhưng F-15EX có kích cỡ lớn hơn, nhanh hơn, tầm hoạt động xa hơn, có thể mang tải trọng lớn hơn F-35 (29.000 tấn so với 22.000 tấn).
Khi mang tên lửa Kinzhal dài 7,9m hay tên lửa siêu vượt âm của Mỹ dài 6,7m thì kích cỡ máy bay và sức mạnh của nó sẽ mang tính hỗ trợ lớn. Các chiến đấu cơ này cũng thâm nhập vào không phận đối phương dễ dàng hơn các loại máy bay ném bom như B-52, đồng thời tự bảo vệ bản thân chúng tốt hơn.
Sự thực là gì?
Về tuyên bố "Mỹ sao chép ý tưởng tên lửa siêu vượt âm phóng từ trên không của Nga" thì sao?
Đối với câu hỏi này, ông Peck cho rằng, nguồn gốc của ý tưởng tên lửa siêu vượt âm đến từ Đức Quốc xã.
Năm 1944, Đệ Tam Đế chế (cách gọi khác của Đức Quốc xã) đã cho ra đời mẫu "tên lửa" V-1 (có tài liệu gọi là bom bay), về cơ bản là một loại máy bay tự động sử dụng động cơ dòng xung phản lực và trang bị đầu đạn nặng 1 tấn, có hệ thống dẫn đường hồi chuyển đơn giản.
Mẫu V-1 của Đức Quốc xã. Ảnh: Wiki
Hàng nghìn quả V-1 đã được phóng đi từ các trận địa ở Pháp, Bỉ và Hà Lan nhằm vào vương quốc Anh.
Tuy nhiên, Đức Quốc xã đã sớm bổ sung thêm một sự thay đổi nguy hiểm mới, đó là V-1 sẽ được phóng ở giữa không trung, từ các máy bay ném bom Heinkel 111. Khoảng 1.600 quả V-1 đã được bắn nhằm vào vương quốc Anh, đặc biệt là thủ đô London, nhưng với độ chính xác khá thấp.
Đức Quốc xã thả tên lửa V-1 từ trên không. Nguồn: Critical Past
Bên cạnh đó, các loại máy bay ném bom ngay từ thời Chiến tranh Lạnh đã được trang bị tên lửa tầm xa cỡ lớn, như B-52 với tên lửa hành trình AGM-86 dài 6,4m, hay Tu-22M Backfire của Nga với tên lửa chống tàu Kh-22 dài 11,6m.
Theo ông Peck, dĩ nhiên Lầu Năm Góc sẽ lưu ý rằng tiêm kích MiG-31 của Nga được trang bị tên lửa hành trình siêu vượt âm trước, nhưng ý tưởng về mẫu máy bay trang bị các tên lửa cỡ lớn này chỉ đơn thuần là sự tiếp nối một truyền thống đã kéo dài lâu nay.