Chuyên gia Liên Xô thương vong, vẫn sát cánh cùng VN đọ sức quyết liệt với KQ Mỹ

Đại tá Nguyễn Thụy Anh - Cục Khoa học Quân sự / BTTM |

Sau một số thương vong của chuyên gia Liên Xô, trong trận đánh sau đó, khi máy bay Mỹ lao vào trận địa thì 1 vị chuyên gia chợt nhận thấy có 3-4 chiến sỹ VN vây xung quanh mình.

Liên Xô không chỉ viện trợ vũ khí mà còn cử chuyên gia sang Việt Nam

Lần đầu tiên trong một cuộc chiến tranh, người Mỹ đã sử dụng máy bay chiến đấu phản lực với nhiều kiểu loại hiện đại nhất mà họ có và số lượng lên tới hàng ngàn chiếc cùng tất cả các vũ khí hiện đại khác, trừ bom nguyên tử để chống lại nhân dân Việt Nam, nhưng ta đã đứng vững và bên cạnh luôn là các chuyên gia Xô Viết quả cảm.

Ngày 5/8/1964 là ngày Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh bằng không quân đánh phá miền Bắc, cũng là ngày đầu tiên mà những chiếc máy bay phản lực Mỹ gầm rú trên bầu trời Việt Nam, gieo rắc kinh hoàng và chết chóc xuống đầu những người dân lành vô tội mà trước đó họ không biết thế nào là "máy bay phản lực".

Tuy một số chiếc đã bị bắn rơi nhưng với tốc độ cao, khả năng cơ động nhanh và uy lực mạnh hơn các loại máy bay cánh quạt, chúng đã gây nhiều thiệt hại cho nhân dân ta và không ít khó khăn cho lực lượng phòng không Việt Nam lúc bấy giờ chỉ được trang bị pháo cao xạ và súng máy…

Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó đã đề nghị Liên Xô giúp đỡ vũ khí tên lửa và huấn luyện cho bộ đội Việt Nam sử dụng.

Chính phủ và nhân dân Liên Xô đã lập tức viện trợ cho VN nhiều tổ hợp tên lửa phòng không và cử nhiều đoàn chuyên gia tên lửa sang Việt Nam giúp đỡ huấn luyện, bảo đảm kỹ thuật, cải tiến khí tài… sát cánh cùng các chiến sỹ Việt Nam trong cuộc chiến đấu khốc liệt chống lại không quân Mỹ trong suốt 8 năm trời ở miền Bắc Việt Nam cho đến ngày chiến thắng.

Chuyên gia Liên Xô thương vong, vẫn sát cánh cùng VN đọ sức quyết liệt với KQ Mỹ - Ảnh 1.

Các chuyên gia Liên Xô ở một trung đoàn tên lửa Việt Nam.

Chấp nhận hy sinh, chuyên gia Liên Xô sát cánh cùng bộ đội Việt Nam

Trong những năm chiến tranh gian khổ, ác liệt khi phải đối đầu với kẻ thù có tiềm lực hùng mạnh bậc nhất thế giới, nhân dân Việt Nam đã phải chịu nhiều tổn thất lớn lao và các bạn chuyên gia tên lửa Liên Xô cũng vậy.

Đã có 16 chuyên gia Liên Xô ngã xuống và nhiều người khác bị thương vì bom đạn Mỹ. Điển hình nhất là nhóm chuyên gia tên lửa của Đại tá, kỹ sư Sozranop A.Kh. vào thời kỳ 1971-1972, chỉ trong vòng hơn nửa năm đã có 1 người hy sinh (Thượng úy M. Bindicov ở khu vực Hà Nội) và 1 người bị thương nặng (Thiếu tá V.Makarokhin ở gần thành phố Vinh).

Mặc dù trong chiến đấu với kẻ thù mạnh hơn, tổn thất là điều không thể tránh khỏi nhưng về phía Việt Nam, từ cán bộ chỉ huy đến chiến sỹ đều nhận thấy là phải tìm mọi cách giảm tổn thất này để còn chiến đấu lâu dài. Và thế là...

Sau khi xảy ra một số thương vong của các chuyên gia Liên Xô, trong 1 trận đánh tiếp sau đó khi máy bay Mỹ bắt đầu lao vào trận địa thì một vị chuyên gia chợt nhận thấy có 3-4 chiến sỹ Việt Nam đứng vây xung quanh mình.

Không nói được tiếng Việt nên ông chỉ dùng tay ra hiệu cho các chiến sỹ Việt Nam quay trở về vị trí nhưng ông rất ngạc nhiên khi thấy không ai nhúc nhích. Trước nay, chiến sỹ Việt Nam đều là những người rất có kỷ luật và luôn chấp hành đúng các chỉ dẫn của chuyên gia Liên Xô…

Kết thúc trận đánh, ông lập tức gặp ngay người chỉ huy Việt Nam và yêu cầu giải thích. Vị chỉ huy Việt Nam lại lúng túng làm ông càng bức xúc và nhất quyết đòi có câu trả lời ngay nên người này đành phải nói thật với ông là họ làm như vậy để đảm bảo an toàn cao nhất cho các đồng chí chuyên gia Liên Xô.

Các chiến sỹ Việt Nam đứng vây quanh để có thể che chắn cho bạn bớt nguy hiểm trong chiến đấu… Quá bất ngờ trước câu trả lời, vị chuyên gia Liên Xô hồi lâu mới nói được với người chỉ huy Việt Nam:

"Thật xúc động khi biết các đồng chí đã làm vậy để bảo vệ chúng tôi, nhưng đối với Liên Xô thì máu của các chiến sỹ Việt Nam cũng quý như máu của các chiến sỹ Xô Viết. Chúng ta đều sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc XHCN, Việt Nam cũng như Liên Xô.

Xin các đồng chí đừng làm thế nữa, chúng ta sẽ quyết tâm phối hợp chiến đấu tốt hơn, đánh trả đích đáng quân xâm lược để chúng không thể làm đổ một giọt máu nào của các chiến sỹ Việt Nam và Liên Xô!".

Chuyên gia Liên Xô thương vong, vẫn sát cánh cùng VN đọ sức quyết liệt với KQ Mỹ - Ảnh 2.

Tên lửa phòng không S-75 Volga của Việt Nam rời bệ phóng. Ảnh minh họa.

Các chiến sỹ tên lửa Việt Nam sau đó đã nhanh chóng nắm bắt được vũ khí, khí tài hiện đại và sử dụng thành thạo, sáng tạo nhất trong mọi tình huống chiến đấu phức tạp với không quân Mỹ.

Các tiểu đoàn tên lửa Việt Nam ra đời trước đã dần hoàn toàn hoạt động độc lập, các chuyên gia Liên Xô chỉ cần có mặt ở các đơn vị mới thành lập thêm trong quá trình chiến đấu và ở cấp sư đoàn trở lên, chủ yếu là nhiệm vụ huấn luyện và bảo đảm kỹ thuật.

Trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ nhất trong lịch sử dân tộc, nhân dân Việt Nam đã nhận được biết bao sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của các nước XHCN anh em và bạn bè trên toàn thế giới.

Chúng ta mãi không quên lời nói bất hủ của vị lãnh tụ cách mạng Cuba, chủ tịch Fidel Castro: "Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình" và hình ảnh của ông – vị nguyên thủ nước ngoài đầu tiên đến thăm vùng giải phóng Quảng Trị và đứng trên chiếc xe tăng Mỹ phất cao lá cờ Việt Nam bên cạnh các chiến sỹ giải phóng.

Những lời cổ vũ đó cũng như những giọt máu đào của các chiến sỹ Xô Viết đổ xuống vì sự nghiệp giải phóng, bảo vệ tổ quốc Việt Nam sẽ mãi mãi ghi sâu trong lòng người Việt Nam và gắn kết chặt chẽ mối tình hữu nghị đặc biệt giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Liên Xô trước kia và Nga hiện nay, khởi nguồn từ cuộc Cách mạng tháng Mười vĩ đại 7.11.1917.

Những sáng tạo trong cải tiến vũ khí của Việt Nam

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại