Đưa tên lửa VN chiến thắng: Chuyên gia Liên Xô duy nhất được tặng 3 huân chương Chiến công

Đại tá Nguyễn Thụy Anh - Cục Khoa học Quân sự / BTTM |

Tổng cộng có 5 đoàn với hàng trăm chuyên gia Liên Xô đã sang VN cải tiến khí tài tên lửa và đều do Kỹ sư trưởng I.P.Savkun dẫn đầu, người có đóng góp rất lớn cho bộ đội tên lửa ta.

Liên Xô đã cử những người con ưu tú nhất sang giúp Việt Nam

Cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ nhất trong lịch sử Việt Nam đã toàn thắng nhờ sự kiên cường và lòng dũng cảm vô song của cả dân tộc cùng với sự giúp đỡ hết sức lớn lao của nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới mà chúng ta không bao giờ quên.

Nhắc lại chiến công hào hùng đó với lòng biết ơn sâu sắc sự ủng hộ chí tình, chí nghĩa của nhân dân Liên Xô trong những tháng ngày mà vận mệnh đất nước ta đang ngàn cân treo sợi tóc, khi phải đối đầu với đủ loại máy bay phản lực hiện đại nhất cùng lời hăm dọa "cho Bắc Việt trở về thời kỳ đồ đá"…

Trong suốt cuộc Kháng chiến chống Mỹ, Chính phủ và nhân dân Liên Xô đã tận tình giúp đỡ Việt Nam với tinh thần quốc tế vô sản trong sáng nhất. Mỗi khi người Mỹ đưa ra một loại vũ khí hoặc thiết bị điện tử mới thì các chuyên gia Liên Xô lại ngay lập tức cùng với các cán bộ kỹ thuật tên lửa Việt Nam bàn bạc, nghiên cứu biện pháp đối phó.

Khi cần thiết thì còn có sự trợ giúp của các cơ quan kỹ thuật từ Liên Xô cả về lý thuyết và thực hành. Mặc dù Liên Xô chỉ viện trợ cho Việt Nam một loại tên lửa S-75 Dvina (SAM-2) nhưng nó đã được cải tiến qua 3 giai đoạn từ năm 1967 tới năm 1972.

Tuy hình dáng bên ngoài của tên lửa không thay đổi nhưng chất lượng bên trong khí tài đã được nâng lên rõ rệt, đặc biệt là khả năng chống nhiễu điện tử. Việc cải tiến phải làm theo kiểu "cuốn chiếu" do vẫn phải duy trì lực lượng chiến đấu thường xuyên với Không quân địch nên được chia làm nhiều đợt.

Riêng giai đoạn 3, chỉ trong thời gian ngắn từ tháng 11/1971 đến tháng 4/1972, các chuyên gia Liên Xô và cán bộ kỹ thuật Việt Nam đã cùng nhau hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn: cải tiến xong 53 bộ khí tài tên lửa, gần 300 bệ phóng và hàng trăm quả tên lửa, khôi phục hơn 2.700 khối máy các loại…

Đưa tên lửa VN chiến thắng: Chuyên gia Liên Xô duy nhất được tặng 3 huân chương Chiến công - Ảnh 1.

Chủ tịch Trương Tấn Sang tiếp đoàn CCB quân đội Liên Xô từng tham gia chiến tranh Việt Nam từ Nga, Belarus và Ukraina tại Hà Nội ngày 23/08/2011. Ảnh: QĐND

Chuyên gia Liên Xô duy nhất được tặng 3 huân chương Chiến công

Tổng cộng có 5 đoàn với hàng trăm chuyên gia Liên Xô đã sang Việt Nam cải tiến khí tài tên lửa và đều do Kỹ sư trưởng I.P. Savkun (Ivan Petrovic Savkun) dẫn đầu – người có đóng góp rất lớn cho bộ đội tên lửa Việt Nam.

Lần đầu tiên gặp ông, ấn tượng trong tôi thì đó là một người châu Âu to lớn nhất mà tôi đã từng gặp (nặng chừng 130 kg).

Nhưng khi tiếp xúc với ông thì chúng tôi nhận thấy đó là một người Nga rất đôn hậu và tận tụy trong công việc.

Những ngày mùa hè trời vô cùng nóng bức, ngay bản thân chúng tôi còn trẻ, phần lớn mới ngoài 20 tuổi mà cũng thấy mệt mỏi, huống hồ là những người ở xứ lạnh tới đây. Vậy mà Kỹ sư trưởng Savkun vẫn hăng hái sát cánh cùng các đồng nghiệp Việt Nam

Dưới cái nắng oi ả, cũng như tất cả các chuyên gia Liên Xô khác, ông cũng mặc thường phục, áo ngắn tay, chân đi dép và… mồ hôi nhễ nhại, nhất là khi làm việc trong các xe khí tài, nhiệt độ thường xuyên lên tới hơn 40 độ.

Đã có trường hợp một chuyên gia bị say nắng, chúng tôi phải xúm lại cùng các bạn Liên Xô khiêng vào bóng cây mát rồi lấy nước uống và khăn ướt đắp lên trán, quạt mát hạ nhiệt…

Ấy vậy mà tất cả các chuyên gia Liên Xô đều người nào việc nấy, miệt mài làm việc cùng chúng tôi và bóng dáng cao lớn của kỹ sư trưởng Savkun thoắt ở chỗ này, lát sau đã thấy ở nơi khác, mặc dù ông lúc đó đã ngoài 50 tuổi.

Chúng tôi hay hỏi ông có mệt không, sức khỏe ra sao thì ông đều trả lời: "Nhân dân Việt Nam đang đổ bao xương máu chống quân xâm lược, chúng tôi có phải đổ bao mồ hôi cũng sẵn sàng vì Việt Nam để các bạn mau chiến thắng".

Savkun cùng các bạn Liên Xô và chúng tôi luôn gắn bó thân thiết với nhau trong công việc và cuộc sống.

Đưa tên lửa VN chiến thắng: Chuyên gia Liên Xô duy nhất được tặng 3 huân chương Chiến công - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng gặp đoàn đại biểu quân sự Liên Xô năm 1973. Ảnh chụp lại từ Hồi ký của các chuyên gia LX.

Vào những ngày lễ kỷ niệm của Liên Xô như Ngày Quân đội Xô Viết 23/2, Ngày chiến thắng Phát xít 9/5, Cách mạng tháng Mười 7/11 là những dịp chúng tôi gặp mặt chúc mừng các bạn chuyên gia.

Trong những dịp như thế, chúng tôi cùng nhau hát vang những bài ca Xô Viết bất hủ mà thời đó mọi thanh niên Việt Nam đều yêu mến như Thời thanh niên sôi nổi, Cachiusa, Chiều Matxcova, Năm phút trước khi bay, Chiều hải cảng… bằng cả tiếng Nga và tiếng Việt.

Rồi chúng tôi "chiêu đãi" bạn bằng những món ăn dân tộc như sôi sắn, nem, cốm…và nhiều loại hoa quả nhiệt đới như chuối, vải thiều, na, mít… mà các bạn rất thích thú vì xứ lạnh không hề có. Không nói được nhiều tiếng Việt, nhưng Savkun thường giơ ngón tay cái lên biểu thị "Tuyệt vời".

Trong quá trình làm việc, mỗi khi chúng tôi hỏi một vấn đề khó về kỹ thuật, ông Savkun đều chú ý lắng nghe rồi trả lời rất cặn kẽ và hỏi lại: các bạn trẻ đã hiểu kỹ chưa? Sau khi hoàn thành cải tiến 1 bộ khí tài, tổ chức rút kinh nghiệm chung giữa chuyên gia Liên Xô và cán bộ kỹ thuật Việt Nam thì ông luôn đưa ra những nhận xét chuẩn xác và bổ ích nhất.

Chúng tôi đều rất khâm phục trình độ chuyên môn và tinh thần làm việc của các bạn Liên Xô nói chung và ông Savkun nói riêng mà chúng tôi gọi là Thầy.

Đây chính là vị chuyên gia Liên Xô được Chính phủ Việt Nam đánh giá công trạng rất cao trong Kháng chiến chống Mỹ và là người duy nhất trong các chuyên gia Liên Xô được tặng thưởng đủ bộ 3 huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba.

Rời Việt Nam lần cuối cùng từ sân bay Gia Lâm khi phải nằm trên cáng vì bị ốm nặng, ông nói với anh Tuấn phiên dịch: "Có lẽ tôi không còn đủ sức trở lại đây nữa rồi, hãy đỡ tôi dậy để tôi được nhìn đất nước Việt Nam lần cuối - mảnh đất thân yêu và gắn bó với tôi trong những năm khói lửa".

Khi nghe ông nói thế và chứng kiến cảnh ông cố gượng ngồi dậy hướng ánh mắt nhìn về phía những rặng tre và cánh đồng lúa xanh mướt quanh sân bay, những người đi tiễn chúng tôi ai nấy đều vô cùng ngậm ngùi cảm động trước tình cảm của ông đối với nhân dân và đất nước Việt Nam.

Đưa tên lửa VN chiến thắng: Chuyên gia Liên Xô duy nhất được tặng 3 huân chương Chiến công - Ảnh 3.

Chuyên gia Liên Xô nghiên cứu mảnh xác B-52 bị quân dân miền Bắc Việt Nam bắn rơi.

Siết chặt tay ông, chúng tôi đều chúc ông mau khỏe rồi nhất định phải quay trở lại nơi đây để giảng bài cho các cán bộ kỹ thuật Việt Nam mà hầu hết trong số họ ông đều nhớ tên… Nhưng số mệnh đã không đáp lại mong ước của chúng tôi: sau khi trở về Liên Xô thì Kỹ sư trưởng I.P. Savkun đã không còn đủ sức khỏe để quay trở lại Việt Nam nữa.

Ngoài lĩnh vực tên lửa, các chuyên gia quân sự Xô-viết về kỹ thuật radar, tác chiến điện tử, không quân tiêm kích… đã cùng chung chiến hào với quân dân Việt Nam trong những ngày chiến tranh khốc liệt nhất.

Cả thế giới tiến bộ dõi theo và ủng hộ Việt Nam, trong đó nhân dân Liên Xô đã cử những người con ưu tú của mình trực tiếp sang giúp chúng ta.

Đưa tên lửa VN chiến thắng: Chuyên gia Liên Xô duy nhất được tặng 3 huân chương Chiến công - Ảnh 4.

Các chuyên gia tên lửa Liên Xô tại Việt Nam. Ảnh tư liệu.

Theo số liệu của Bộ Tổng tham mưu Quân đội Xô Viết, từ 11/7/1965 đến 31/12/1974 đã có 6.359 sĩ quan và gần 4.500 binh sĩ Liên Xô trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện, bảo đảm kỹ thuật và vũ khí trang bị, sát cánh cùng với bộ đội Việt Nam trên chiến trường miền Bắc chống lại Không quân Mỹ.

Trong đó nhiều người đã lập công xuất sắc và đặc biệt có 16 chuyên gia đã dũng cảm hy sinh khi đang sát cánh bên các chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam, nhiều người bị thương vì bom đạn Mỹ hoặc ốm đau, bệnh tật vì không hợp khí hậu, thổ nhưỡng…

Nhưng, vượt lên tất cả, các chuyên gia Xô Viết trong đó có Kỹ sư trưởng I.P. Savkun vẫn quên mình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế với Việt Nam và có hơn 3.000 người đã được Chính phủ Việt Nam tặng thưởng huân, huy chương các loại.

Máy bay B-52 đồng loạt cất cánh

Ân tình trong những ngày đạn bom, khói lửa của những người bạn Nga trung thực và nhân hậu sẽ mãi mãi ghi sâu trong ký ức của nhiều thế hệ người Việt Nam, trong đó có các cán bộ kỹ thuật tên lửa chúng tôi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại