Ảnh minh hoạ.
Chị N.T.Đ (34 tuổi sống tại Thanh Oai, Hà Nội) chia sẻ gia đình nhà chị 4 người (2 người lớn và 2 trẻ nhỏ) đều thích ăn bánh trung thu. Tuy nhiên, khi ăn bánh trung thu, chị Đ lo ngại nhất là bánh chứa nhiều đường và có thể gây dư thừa năng lượng.
Đồng quan điểm với chị Đ, chị D.T.Ph (38 tuổi, tại Dương Nội, Hà Nội) cũng thấy ăn bánh trung rất ngon. Tuy nhiên, chị vẫn sợ bánh quá ngọt và có thể khiến mình tăng cân.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm, nguyên phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, cho biết, đường trong bánh trung thu giúp kéo dài thời gian bảo quản bánh. Để giảm ngọt trong bánh trung thu, trước hết nhà sản xuất cần phải có ý thức sử dụng lượng đường ít nhất có thể nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng.
Việc bánh nướng, bánh dẻo cần nhiều hay ít đường là do nhà sản xuất tính toán. Bánh trung thu càng có nhiều đường thì càng bảo quản được lâu, tuy nhiên cung cấp rất nhiều năng lượng.
PGS. Nguyễn Thị Lâm khuyên để giảm vị ngọt của bánh trung thu, mọi người có thể ăn kèm với hoa quả có nhiều nước và chỉ số đường thấp.
"Khi ăn bánh trung thu, tôi thường ăn thêm dưa chuột. Cách ăn này giúp tôi giảm được ngọt trong bánh, cung cấp thêm chất xơ để không làm tăng đường máu", PGS Lâm cho hay.
Đã từ xa xưa, người Việt vẫn có thói quen thưởng thức bánh trung thu cùng nước trà. Theo PGS Nguyễn Thị Lâm, cách ăn này cũng giúp giảm bớt vị ngọt trong bánh.
Ngoài ra, hiện nay trên thị trường, các nhãn sản xuất bánh kẹo cũng cho ra mắt nhiều loại bánh trung thu giảm ngọt dành cho người ăn kiêng hoặc có các bệnh lý như đái tháo đường.
Cũng theo chuyên gia, mọi người chỉ nên ăn bánh với lượng vừa phải (1/8 hoặc 1/4 góc bánh một lần). Khi đã ăn bánh trung thu, người dân cũng nên giảm bớt các thực phẩm nhiều năng lượng, nhiều đường khác.
Lưu ý khi mua bánh trung thu
Để sản xuất ra một chiếc bánh trung thu, đặc biệt là các loại bánh có nhân thập cẩm, nhà sản xuất cần rất nhiều nguyên liệu như bột mỳ, đường, trứng, thịt, xúc xích... Theo chuyên gia dinh dưỡng, sản xuất bánh không đảm bảo vệ sinh có thể là điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật sinh sôi phát triển, gây hại cho sức khoẻ.
Khi sản xuất bánh trung thu, để đảm bảo an toàn, nhà sản xuất cần phải tuân thủ các tiêu chí về an toàn thực phẩm, nhà xưởng, nguyên liệu, hạn sử dụng rõ ràng…
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm khuyến cáo khi mua bánh trung thu, người dân cần mua sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Do điều kiện môi trường, khí hậu tại Việt Nam nóng, ẩm, nhiều khói bụi… nên bánh Trung thu dễ bị ô nhiễm, biến tính, dễ hư hỏng ở bên trong mà chưa thể hiện ra ngoài vỏ bánh.
Ngoài ra, người tiêu dùng cần chú ý các tiêu chí sau khi mua bánh trung thu:
- Bảo quản và sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất được ghi trên bao bì và lưu ý một số khuyến cáo của nhà sản xuất như đối tượng sử dụng và một số lưu ý khi sử dụng (nếu có).
- Bánh mua về phải được bảo quản ở nơi sạch sẽ, được che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập.
- Chỉ ăn bánh còn hạn sử dụng, không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ.
- Rửa tay sạch trước khi cắt, chia bánh và trước khi ăn bánh.
- Không ăn quá nhiều bánh và các thực phẩm giàu đạm, mỡ, đường trong khẩu phần ăn để tránh rối loạn hấp thu thực phẩm.
- Khi có những bất thường về sức khỏe do ăn uống, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, trợ giúp kịp thời về chuyên môn.