Chuyên gia đầu ngành BV Việt Đức: Nhiều trường hợp đi bộ là hại hệ xương khớp của mình

Bảo Thy |

Theo PGS Nguyễn Văn Thạch – Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức đi bộ không tốt cho tất cả mọi người, đặc biệt là đối với người mắc bệnh xương khớp.

Càng đi bộ càng đau

Bà Nguyễn Thị Yến 54 tuổi, trú tại Lý Nhân, Hà Nam đi khám khi bệnh thoái hoá khớp đã tiến triển nặng, chân choãi ra, đau không bước nổi. 

Bà Yến tâm sự, từ năm 2010, bà đi khám xương khớp ở Bệnh viện Bạch Mai vì đau đầu gối, đau mỏi cánh tay không nhấc tay lên được. Bà được bác sĩ khám và kết luận thoái hoá khớp gối, thoái hoá cổ vai gáy và kê đơn thuốc kèm theo tư vấn tập thể dục.

Về nhà, bà Yến rất chịu khó đi bộ tập thể dục. Sáng nào bà cũng đi bộ vòng quanh xã khoảng 4km và buổi tối đi bộ thêm 2km. Ngoài ra, bà cũng uống thêm thuốc Glucosamine. Tuy nhiên, bệnh càng ngày càng nặng hơn, xương khớp vẫn đau không chịu được dù bà không làm việc nặng nữa.

Hay như trường hợp chị Phan Thị Lý 44 tuổi, trú tại Thanh Xuân, Hà Nội. Chị Lý kể năm ngoái đi khám bác sĩ cho biết chị bị thoái hoá đốt sống cổ và lưng. Chị Lý về nhà chăm chỉ luyện tập hàng ngày, sau khi đi làm về chị lại vội vàng đi chạy thể dục ở hồ gần nhà. 

Mỗi ngày chị đi vài vòng và thấy người cũng đỡ mệt hơn, tuy nhiên gần đây đi khám các bệnh xương khớp của chị lại gia tăng. Không chỉ khớp cổ vai ngáy mà khớp gối, mắt cá chân cũng đau. Bác sĩ chẩn đoán thoái hoá khớp, viêm mầm gân.

Chuyên gia đầu ngành BV Việt Đức: Nhiều trường hợp đi bộ là hại hệ xương khớp của mình - Ảnh 1.

Đi bộ không tốt như mọi người nghĩ

Bệnh nhân Vũ Thuỳ Liên trú tại Hà Đông, Hà Nội cũng gặp phải hoàn cảnh tương tự. Chị Liên bị tiền mãn kinh kèm theo bệnh xương khớp. Chị thường xuyên tập thể dục bằng cách đi bộ, mỗi ngày chị đặt chỉ tiêu đi bộ 4km từ nhà đến cơ quan và từ cơ quan về nhà. 

Một lần, chị ngã trượt chân ở vỉa hè bị gãy cổ xương đùi phải thực hiện phẫu thuật. Lúc này, chị Liên mới biết mình bị thêm loãng xương và người mắc bệnh này không nên đi bộ nhiều.

Quan niệm sai lầm 

Theo PGS Nguyễn Văn Thạch, quan niệm đi bộ để thể dục tốt cho xương khớp là hết sức sai lầm, thậm chí có người càng đi bộ càng đau như các trường hợp kể trên.

Theo PGS Thạch thoái hóa khớp là bệnh lý thường gặp trong các bệnh về khớp. Bệnh tăng theo tuổi tác, thời gian, tính chất nghề nghiệp. Trong đó, thoái hóa khớp gối là phổ biến nhất, bởi khớp gối là khớp chịu tải, chịu ảnh hưởng nhiều của tính chất công việc và các thói quen sinh hoạt.

PGS Thạch cho biết, trước đây bệnh thoái hóa khớp thường gặp ở những người từ 50 tuổi trở lên do quá trình lão hóa tự nhiên. Hiện nay, thống kê cho thấy, tình trạng thoái hóa khớp ngày càng trở nên phổ biến ở người mới 35 tuổi, thậm chí trẻ hơn.

Chuyên gia đầu ngành BV Việt Đức: Nhiều trường hợp đi bộ là hại hệ xương khớp của mình - Ảnh 2.

PGS Nguyễn Văn Thạch

Dù chưa có thống kê đầy đủ, nhưng với 30% người trên 35 tuổi, 60% người trên tuổi 65 và 85% người trên tuổi 80 bị thoái hóa khớp, đây đang là thách thức của y tế Việt Nam. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi thập niên 2011 - 2020 là "Thập niên xương và khớp". Theo đó, WHO cũng xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tỷ lệ dân số mắc bệnh xương khớp cao nhất thế giới.

Hiện nay ước tính, số người bị bệnh thoái hóa khớp hiện nay đã tăng khoảng 20% so với trước đây.

PGS Thạch cho biết, phụ nữ mãn kinh bị đau xương khớp không nên đi bộ hay chạy bộ, vì càng đi càng làm tổn thương sụn khớp, thậm chí có thể khiến xương dễ gãy hơn. Nếu muốn vận động để cơ thể đỡ mỏi, chỉ nên tập các bài tập thể dục tại chỗ nhẹ nhàng như đạp xe tĩnh tại.

Khi đi bộ, trọng lượng cơ thể dồn vào các khớp xương, nhất là với những người bị thừa cân, béo phì nhưng lại chạy và đi bộ quá nhiều… Kết quả nghiên cứu cho thấy, con người cứ tăng 0,45 kg trọng lượng cơ thể thì khớp gối sẽ phải chịu lực thêm 1,5 kg khi đi. Tương tự, khi chạy trọng lượng cơ thể đè lên khớp gối tăng lên 4,5 kg.

Số bệnh nhân mắc bệnh về cột sống điều trị tại Bệnh viện Việt Đức cũng tăng khoảng 2 lần trong những năm gần đây. Nguyên nhân là do nhiều người bị loãng xương nặng hoặc vận động quá mức, đi giày cao gót liên tục; đặc biệt là thừa cân, béo phì nhưng lại chạy và đi bộ quá nhiều… dẫn đến bệnh càng tăng và trẻ hoá.

Việc lựa chọn các phương pháp thể dục cho phù hợp là rất cần thiết, bởi nếu thể dục sai phương pháp không tốt cho sức khoẻ mà còn có thể hại chính hệ xương khớp của mình – PGS Thạch khuyến cáo

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại