Chuyên gia đầu ngành BV Bạch Mai: 3 dấu hiệu ai cũng cần biết để phát hiện suy thận sớm

Huệ Nguyễn |

Ở Việt Nam, những bệnh nhân phát hiện suy thận thường ở giai đoạn bệnh nặng. Vì vậy, việc phát hiện sớm và phòng tránh bệnh là điều rất cần thiết.

Thận là một cơ quan trong hệ thống tiết niệu. Thận làm nhiệm vụ lọc máu và chất lỏng trong cơ thể bằng hàng triệu tiểu cầu thận "tinh vi".

Trong quá trình lọc, thận sẽ đào thải các chất độc và nước qua đường tiết niệu, cân bằng môi trường axit, kiềm. Thận là cửa ngõ đào thải chất độc ra ngoài cơ thể. Nếu thận bị suy yếu thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cơ thể, sức khoẻ con người.

Tại Việt Nam chưa có số liệu thống kê chính thức song ước tính, mỗi năm có khoảng 8.000 ca bệnh mới được phát hiện và bệnh ngày càng có xu hướng tăng lên và trẻ hoá. Tính từ năm 1993 đến tháng 10/2016, Việt Nam đã thực hiện thành công tổng cộng hơn 1.200 ca ghép thận cho những bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối.

Tuy nhiên, con số đó chỉ là "muối bỏ bể" so với nhu cầu hiện nay. Ước tính, theo Bộ Y tế, hiện cả nước có khoảng gần 15.000 trường hợp suy thận cần được ghép.

7 tiêu chuẩn vàng giúp bạn phòng tránh suy thận

Theo đó, GS Nguyễn Nguyên Khôi, Nguyên trưởng khoa Thận nhân tạo, bệnh viện Bạch Mai cho rằng, để tránh bị suy thận thì cần phải lưu ý những "tiêu chuẩn" vàng sau:

- Đầu tiên, mỗi người cần phải hiểu thận của mình như thế nào. GS Khôi khuyên mọi người nên đọc, tìm hiểu à nghiên cứu các thông tin y khoa về thận và bệnh thận.

Chuyên gia đầu ngành BV Bạch Mai: 3 dấu hiệu ai cũng cần biết để phát hiện suy thận sớm - Ảnh 1.

Ảnh: Bệnh nhân suy thận ở giai đoạn cuối (Ảnh minh hoạ)

- Sử dụng thuốc đúng bệnh, theo chỉ dẫn của bác sỹ. GS Khôi cho biết, hiện nay việc sử dụng thuốc bừa bãi diễn ra phổ biến từ thuốc Đông y đến Tây y. Điều này ảnh hưởng không tốt cho thận.

- Bệnh đái tháo đường là nguyên nhân hay gặp nhất dẫn đến suy thận. Vì vậy, người bệnh đái tháo đường cần phải hết sức chú ý và kiểm soát tốt đường máu của mình để dự phòng suy thận.

- Người bệnh tăng huyết áp cũng dễ bị suy thận nên cần phải kiểm tra huyết áp thường xuyên. Bên cạnh đó, cần phải điều chỉnh chế độ ăn uống và luyện tập phù hợp để luôn giữ huyết áp ổn định.

- Chế độ ăn hợp lý, trong đó hạn chế tuyệt đối mỡ động vật và đường. Theo đó, mỗi người nên ăn tăng lượng rau, củ, quả lên và ăn ít chất béo.

- Bỏ hút thuốc lá vì trong đó có chất làm nước tiểu tăng đạm và làm chậm đào thải creatinine. Vì vậy, hút thuốc lá có thể dẫn tới những thay đổi nguy hiểm trong chức năng thận, gây suy thận ngay cả ở những người khỏe mạnh.

- Phải thường xuyên cảnh giác các bệnh trên, theo dõi và phát hiện để điều trị bảo tồn thận.

Dấu hiệu phát hiện sớm bệnh suy thận

Theo GS Khôi, mỗi người bệnh có thể có những biểu hiện bệnh khác nhau thế nhưng phổ biến là các dấu hiệu sau:

- Da xanh xao, thiếu máu dẫn đến cơ thể bị mệt mỏi, uể oải thường xuyên.

- Cơ thể bị phù nề. Khi thận bị suy yếu thì khả năng loại bỏ chất lỏng dư thừa yếu. Vì vậy, chất lỏng tích tụ trong cơ thể khiến người bệnh bị phù ở chân, cổ chân, bàn chân, bàn tay và mặt.

- Nước tiểu thay đổi do tăng đạm. Theo GS Khôi, có nhiều quan niệm, nước tiểu đổi sang màu vàng là do nhiều chất đạm, nhưng điều này không hẳn đúng. Để biết chính xác nước tiểu có nhiều đạm, tốt nhất nên đi xét nghiệm. Vì vậy, mỗi người cần phải đi khám định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân còn có những biểu hiện như: mệt mỏi; buồn nôn; ngứa hoặc phát ban; hơi thở có mùi amoniac; thở nông; ớn lạnh; hoa mắt, chóng mặt và mất tập trung; đau lưng hoặc đau cạnh sườn.

Từ đó, GS Khôi khuyến cáo, bệnh suy thận thường xảy ra đột ngột và phát triển từ từ. Bệnh tiến triển chậm và thường không xuất hiện triệu chứng rõ rệt cho tới khi đã ở tình trạng nặng.

Vì vậy, mỗi người cần phải khám và theo dõi sức khoẻ định kỳ để đảm bảo phát hiện bệnh sớm nhất và điều trị kịp thời. Hơn nữa, cần phải có lối sống, ăn uống lành mạnh và chế độ luyện tập hợp lý để ngăn ngừa bệnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại