Mới đây, trong bài viết trên tờ National Interest, nhà báo Mỹ Peter Suciu nhận định, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa siêu thanh của Nga có tốc độ gấp 27 lần tốc độ âm thanh và có khả năng cơ động cao nên rất khó đánh chặn.
Trước đó, trong lần đọc thông điệp liên bang vào ngày 1/3/2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhắc tới tên lửa siêu thanh Avangard.
Theo lời vị nguyên thủ quốc gia, đầu đạn chiến đấu có cánh sau khi tách khỏi phương tiện đẩy có thể bay với tốc độ cao gấp 20 lần tốc độ âm thanh, “phóng tới mục tiêu như một thiên thạch, như một quả cầu lửa, nhiệt độ trên bề mặt sản phẩm là 1600-2000 độ C”, đồng thời tên lửa có cánh được kiểm soát một cách đáng tin cậy.
Hệ thống tên lửa Avangard thường được phóng từ thân tên lửa ICBM, do Nga phát triển và thử nghiệm từ năm 2004. Avangard có thể tấn công chính xác mục tiêu ở khoảng cách trên 10.000 km.
Ngoài tốc độ cao, Avangard có độ cơ động tốt, quỹ đạo bay phức tạp, giúp nó tránh những hệ thống cảnh giới mặt đất và trên không gian. Tên lửa Avangard có khả năng mang theo cả đầu đạn thường và đầu đạn hạt nhân.
Tống thống Putin khẳng định tên lửa siêu thanh Avangard cùng với tên lửa Sarmat, Kinzhal và Peresvet sẽ giúp lục quân và hải quân Nga tăng cường đáng kể năng lực để bảo vệ an ninh quốc gia trong những thập niên tới.
Theo tác giả bài viết, chuyên gia quân sự Peter Suciu, các đặc tính kỹ thuật của Avangard giúp nó có thể tự bảo vệ trước hệ thống phòng không và tên lửa của đối phương bằng chính đường bay của nó.
Avangard có tốc độ siêu thanh, cũng như khả năng cơ động trong khí quyển kết hợp hai đặc điểm cùng nhau sẽ gây khó cho việc phòng thủ. Nhà báo Mỹ dẫn ra đánh giá của Bắc Kinh mà ông thấy tán đồng, cho rằng tên lửa đạn đạo siêu thanh xuyên lục địa của Nga với đầu đạn hạt nhân có thể “quét sạch” hệ thống phòng thủ của Mỹ.
Ngoài ra, ông Suciu lưu ý theo quân đội Nga, lực lượng phòng thủ Mỹ khó có thể đánh chặn tên lửa siêu thanh của tổ hợp này. Đồng thời, hệ thống tên lửa Avangard chỉ là một thành phần trong kho vũ khí siêu thanh hùng hậu và hơn 500 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Nga được bố trí trên đất liền và trên tàu ngầm, cũng như các vũ khí hạt nhân do máy bay ném bom mang theo.
“Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ chỉ tập trung vào việc đánh chặn một số lượng nhỏ ICBM có thể được phóng từ Triều Tiên”, ông Suciu cho biết.
Tuy nhiên, ông Suciu khẳng định Mỹ sẽ không để cho Nga hoặc Trung Quốc có ưu thế hơn mình nhờ tên lửa đạn đạo mới.
Theo ông Suciu, thậm chí nếu Mỹ không còn các phương tiện mang phóng vũ khí hạt nhân như máy bay ném bom, họ vẫn có thể dùng vũ khí này để tấn công với sự hỗ trợ của tàu ngầm. Ngoài ra, Lầu Năm Góc đang tích cực phát triển các phương tiện được thiết kế để ngăn chặn việc sử dụng Avangard hoặc các ICBM khác.
Đồng thời, vào tháng 5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ rằng Mỹ đang chế tạo tên lửa “siêu việt”, có tốc độ bay nhanh gấp 17 lần tên lửa bay nhanh nhất của Washington hiện nay.
Theo Sputnik, đây dường như là một tên lửa siêu thanh và ông Trump nói rằng tên lửa này cần phải vượt trội hơn so với các tên lửa của Nga và Trung Quốc phát triển.
Ông Suciu tin rằng những mô tả của Tổng thống Trump về vũ khí mới là “không rõ ràng”, nhưng Washington chắc chắn sẽ làm mọi cách để ngăn đối thủ giành được lợi thế, kể cả thông qua ICBM.
Trước đó, Popular Mechanics thông báo Mỹ đã bắt đầu phát triển một loại pháo tầm cực xa chiến lược Strategic Long Range Cannon (SLRC), loại pháo này sẽ có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách trên 1.850 km và thậm chí có thể bắn vào Moscow.
Pháo tầm xa chiến lược là một trong một số các vũ khí mới mà lục quân Mỹ muốn có, giúp họ bắt kịp, và cuối cùng vượt trội, so với tầm bắn và sức tàn phá của hỏa lực Triều Tiên, Nga và Trung Quốc. Quân đội Mỹ trong những năm 2000 tụt lại phía sau các đối thủ chính về phát triển pháo binh.