Thời gian gần đây, Phòng Khám Mắt (Bệnh viện Bãi Cháy) liên tục tiếp nhận các trường hợp đến khám các bệnh lý về mắt. Trung bình mỗi ngày có khoảng 80 bệnh nhân/ngày. Trong đó, đáng nói, bệnh nhân đau mắt đỏ gặp ở mọi lứa tuổi chiếm khoảng 50% bệnh nhân tới khám.
Bệnh đau mắt đỏ cũng đang bùng phát mạnh trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, Hà Tĩnh. Thống kê tại Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh, số bệnh nhi đau mắt đỏ được đưa đến khám thời gian này đã tăng gấp 2 – 3 lần so với những tháng trước... Theo báo cáo của Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh, mỗi ngày, đơn vị tiếp nhận khám và điều trị từ 15-20 bệnh nhân đau mắt đỏ.
Thời gian gần đây, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cũng liên tục tiếp nhận và điều trị các ca bệnh liên quan đến đau mắt đỏ, đối tượng mắc bệnh bao gồm cả trẻ em lẫn người lớn.
Một nguyên nhân không ngờ khiến nhiều người bị đau mắt đỏ trong thời điểm hiện tại
Theo BS Đặng Văn Quế (chuyên khoa Mắt, làm việc tại Hà Nội), hiện nay đang bước vào thời điểm nắng nóng xen lẫn mưa gió. Thời tiết nóng ẩm kéo dài, cộng thêm bước chuyển mình sang mùa thu, làm bùng phát dịch bệnh đau mắt đỏ.
"Đau mắt đỏ dễ bùng phát thành dịch trong giai đoạn này chủ yếu do yếu tố thời tiết nắng nóng mưa nhiều, lại có độ ẩm cao... Đây là yếu tố rất thuận lợi làm gia tăng dịch bệnh đau mắt đỏ. Chưa kể, môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi, vệ sinh kém, dùng chung đồ cá nhân... càng khiến căn bệnh dễ lây lan hơn", BS Quế cho hay.
Theo Viện Mayo Clinic, đau mắt đỏ là tình trạng viêm màng trong suốt lót mí mắt và nhãn cầu. Màng này được gọi là kết mạc. Khi các mạch máu nhỏ trong kết mạc sưng lên và bị kích thích, chúng sẽ dễ nhìn thấy hơn. Đây là nguyên nhân khiến lòng trắng mắt có màu đỏ hoặc hồng. Đau mắt đỏ còn được gọi là viêm kết mạc.
Mặc dù đau mắt đỏ có thể gây khó chịu nhưng nó hiếm khi ảnh hưởng đến thị lực của bạn. Phương pháp điều trị có thể giúp giảm bớt sự khó chịu của đau mắt đỏ. Vì đau mắt đỏ có thể lây lan nên việc chẩn đoán sớm và thực hiện các biện pháp phòng ngừa nhất định có thể giúp hạn chế sự lây lan của bệnh.
Nếu thấy mắt xuất hiện các triệu chứng: đỏ một hoặc cả hai bên mắt; ngứa một hoặc cả hai bên mắt; cảm giác cộm; chảy dịch, tạo thành lớp vảy trong đêm; nhạy cảm với ánh sáng... rất có thể bạn đã bị đau mắt đỏ. Hãy đi khám bác sĩ, tránh tình trạng diễn ra quá lâu, gây ảnh hưởng đến sức khỏe mắt nói chung.
"Đau mắt đỏ tuy không phải tình trạng nghiêm trọng khẩn cấp nhưng bệnh rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng qua đường hô hấp, tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dịch gỉ mắt người bệnh. Đã bị đau mắt đỏ rồi có thể bị nhiều lần nên người dân tuyệt đối không nên chủ quan", BS Quế nhấn mạnh.
Nắng nóng, mưa ẩm thường xuyên, cần làm những điều sau để phòng bệnh đau mắt đỏ
Theo BS Đặng Văn Quế, nắm rõ những cách phòng tránh đau mắt đỏ, bạn sẽ bảo vệ chính mình và mọi người xung quanh, nhất là người thân trong gia đình. "Khi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tới chỗ đông người để tránh lây lan bệnh cho người khác. Với trẻ nhỏ, bạn cần để con nghỉ học ở nhà để chăm sóc, đồng thời tránh lây nhiễm cho các trẻ khác. Nên đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt để có hướng điều trị kịp thời, chữa khỏi nhanh chóng, dứt điểm bệnh", chuyên gia khuyên.
BS Quế cũng lưu ý, tuyệt đối không được dùng lá trầu không hay bất cứ loại cây lá nào để xông mắt, chữa đau mắt đỏ. Đây là những cách không có bằng chứng khoa học, có thể khiến tình trạng thêm nặng.
Để phòng tránh bệnh đau mắt đỏ đúng cách, người dân nên tuân thủ theo gợi ý của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế):
1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…
2. Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.
3. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.
4. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.
5. Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; cần được nghỉ học/nghỉ làm việc để tránh lây nhiễm cho người xung quanh và lây lan ra cộng đồng; đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời; Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.